Bài viết được viết bởi ThS.BS Ma Văn Thấm - Bác sĩ Nội Nhi, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Hệ hô hấp gồm: mũi, hầu, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, phổi, lồng ngực và các cơ hô hấp. Trung tâm hô hấp và các thần kinh dẫn truyền cùng góp phần quan trọng trong hệ hô hấp.
>> Xem lại: Đặc điểm hệ hô hấp trẻ em - Phần 1
1. Đặc điểm sinh lý
1.1. Đường thở
Không khí vào phổi chủ yếu qua đường mũi, khi thở bằng mũi:
- Cơ hô hấp hoạt động mạnh, lồng ngực và phổi nở rộng hơn khi thở bằng miệng.
- Không khí được sưởi ấm nhờ các mạch máu ở niêm mạc mũi và tổ chức xoang.
- Không khí được bão hoà nhờ niêm mạc mũi có nhiều mạch máu và tuyến nhầy tiết ra.
- Không khí được lọc sạch qua niêm mạc mũi trước khi vào phổi.
- Không khí từ mũi vào phổi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: đường kính của đường thở (khí, phế quản...), áp lực giữa phổi và khoang miệng, số lượng khí mỗi lần thở và sự hỗ trợ của các cơ hô hấp.
1.2. Nhịp thở
Ngay sau đẻ vòng tuần hoàn rau thai ngừng hoạt động, cùng với tiếng khóc chào đời trẻ bắt đầu thở bằng phổi.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những tháng đầu: do trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh, nên nhịp thở dễ bị rối loạn, thở có thể lúc nhanh, lúc chậm, lúc nông, lúc sâu.
Tần số thở của trẻ giảm dần theo tuổi: (Theo A.F.Tur):
+ Sơ sinh: 40 - 60 lần/phút
+ 6 tháng: 35 - 40 lần/phút
+ 12 tháng: 30 - 35 lần/phút
+ 2 - 3 tuổi: 25 - 30 lần/phút
+ 4 - 6 tuổi: 20 - 25 lần/phút
+ 7 - 15 tuổi: 18 - 20 lần/phút
Tỷ lệ giữa số lần thở và mạch cũng thay đổi theo tuổi:
+ Sơ sinh: 1/ 2,5 - 3
+ 1 tuổi: 1/ 3,5 - 4
+ Người lớn: 1/ 4 - 5
Tỉ lệ này không thay đổi: khi trẻ gắng sức hay bị xúc cảm, mà chỉ thay đổi khi có tình trạng suy hô hấp.
1.3. Kiểu thở
Thay đổi theo tuổi và giới
- Trẻ sơ sinh và bú mẹ : thở bụng (thở hoành)
- Trẻ 2 tuổi : thở hỗn hợp ngực bụng
- Trẻ 10 tuổi : con trai thở bụng, con gái thở ngực
1.4. Quá trình trao đổi khí ở phổi
* Trao đổi khí ở phổi trẻ em mạnh hơn người lớn. Dựa lượng không khí thở vào /1 phút/kg.
- Trẻ dưới 3 tuổi: gấp 2 lần so với người lớn
- Trẻ 10 tuổi: gấp 1,5 lần so với người lớn
* Số lượng oxy hấp thụ/1 phút/kg: ở trẻ bú mẹ 10ml, ở trẻ lớn 4 ml.
* Hấp thu dưỡng khí tính bằng cm3/1 giờ/1kg: Tuỳ theo tuổi của trẻ.
- Trẻ 2 tuổi : 558 ml
- Trẻ 6 tuổi : 552 ml
- Trẻ 10 tuổi : 377 ml
- Trẻ 14 tuổi : 313 ml
- Từ 20 - 30 tuổi: 277 ml
* Thương số hô hấp của trẻ sơ sinh: 0,70; ở người lớn: 0,89.
Để đảm bảo cho nhu cầu oxy cao, cơ quan hô hấp trẻ em có một số cơ chế thích nghi như: để bù vào thở nông thì trẻ phải thở nhanh.
Sự trao đổi O2 và CO2 giữa phế nang và máu cũng được thực hiện mạnh hơn nhờ sự chênh lệch phân áp của O2 và CO2.
* Thành phần oxy trong không khí ở phế nang trẻ em cao hơn người lớn:
- Trẻ bú mẹ : 17 - 17,16%
- Trẻ dưới 15 tuổi : 15%
* Thành phần CO2 trong không khí ở phế nang trẻ em lại thấp hơn.
- Trẻ bú mẹ : 2,9%
- Trẻ 15 tuổi : 4,85%
* Áp lực riêng phần O2 và CO2 ở phế nang thay đổi theo tuổi.
- Trẻ bú mẹ : 120 mmHg và 21 mmHg
- Trẻ 15 tuổi : 110 mmHg và 38 mmHg
Sự cân bằng này cũng không bền vững, dễ thay đổi theo biến đổi của độ ẩm, nhiệt độ, đậm độ CO2...
1.5. Điều hoà hô hấp
Những cử động hô hấp đều do trung tâm hô hấp điều khiển có tính tự động và nhịp điệu.
Trung tâm hô hấp nằm ở hành tuỷ, chịu sự điều khiển của vỏ não. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những tháng đầu vỏ não và trung tâm dưới vỏ phát triển chưa hoàn chỉnh, nên trẻ dễ bị rối loạn nhịp thở.
Ngoài sự điều khiển của hệ thần kinh trung ương. Cơ quan hô hấp còn liên quan chặt chẽ với các cơ quan khác như tim mạch, chuyển hoá...
1.6. Cơ chế tự bảo vệ của đường hô hấp
Mỗi ngày cơ thể trao đổi một thể tích từ 6000 đến 8000 lít. Khí thở bình thường dù có trong lành cũng chứa rất nhiều vi vật thể, trong đó có các vi sinh vật gây bệnh. Trước nguy cơ xâm nhập của các tác nhân có hại hoặc gây bệnh, bộ máy hô hấp có hệ thống cấu trúc giải phẫu và sinh lý thích hợp để tự bảo vệ mình.
- Màng lọc không khí: dọc đường thở từ cửa mũi đến phế nang có một hệ thống rào cản, lọc không khí. Tại mũi các lông mọc theo các hướng đan xen nhau. Lớp niêm mạc ở mũi họng giàu mạch máu với sự tiết chất nhầy liên tục. Tại thanh quản có sự vận động nhịp nhàng đóng, mở của nắp thanh môn theo chu kỳ hít thở.
- Phản xạ ho: phản xạ ho rất quan trọng giúp cơ thể tống đẩy được dị vật và các chất viêm nhầy xuất tiết ra khỏi đường thở.
- Hàng rào niêm mạc và hệ thống nhung mao: khoảng 80% tế bào lát hệ thống phế quản lớn là tế bào biểu mô hình trụ có nhung mao giả tầng. Mỗi tế bào có khoảng 250 -270 lông rung. Sự vận động của các lông rung này theo kiểu làn sóng với tần số 1000 lần/ phút được chuyển theo hướng về phía hầu họng. Trên các mặt nhung mao có lớp dịch mỏng bao phủ có độ dày từ 5 đến 10 μm do hai lớp tạo thành: lớp ngoài là lớp nhũ tương dễ bắt các hạt bụi. Tất cả các vật thể lạ cùng chất nhày bị tống ra ngoài với vận tốc 10 nm/ phút. Hàng rào niêm mạc đã ngăn chặn phần lớn vi vật thể có kích thước trên 5 μm không lọt qua phế nang.
- Hệ thống thực bào: bao gồm lớp tế bào biểu mô nằm trên mặt màng đáy phế nang, tế bào diệt tự nhiên. Có tác dụng bắt, bất hoạt hoặc tiêu diệt các vi sinh vật, các kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể.
- Hàng rào miễn dịch: Lympho T sau khi nhận diện kháng nguyên sẽ hoạt hóa và biệt hóa lympho B thành tương bào để sản xuất kháng thể đặc hiệu. Sản phẩm kháng thể được vận chuyển tới các mô kẽ, lòng phế nang làm bất hoạt kháng nguyên.
- Các dịch tiết của hệ hô hấp: Surfactant, lysozyme... cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chống nhiễm khuẩn để bảo vệ hệ hô hấp.
2. Kết luận
Trẻ em nhu cầu oxy cao, nhưng điều kiện hô hấp lại hạn chế. Nên suy hô hấp xảy ra nhanh.
Do tổ chức phổi chưa hoàn toàn biệt hoá, nên dễ xẹp phổi và khi có tổn thương ở phổi thì dễ gây rối loạn tuần hoàn phổi, rối loạn quá trình ngoại hô hấp và quá trình trao đổi khí ở phổi.
Do cấu tạo giải phẫu, sinh lý cơ quan hô hấp có những đặc điểm riêng biệt như trên nên trẻ em thường dễ mắc các bệnh về cơ quan hô hấp và có tỷ lệ cao.
Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.