Đặc điểm đau dây thần kinh số V

Đau dây thần kinh số 5 là một loại đau xảy ra đột ngột, và diễn ra nhanh chóng. Đau thường tự phát hoặc xuất phát từ một điểm đau, đa số xuất hiện một bên, cũng có một số trường hợp đau dây thần kinh số 5 hai bên nhưng hiếm gặp.

1. Đặc điểm đau dây thần kinh số V

Đau dây thần kinh số V là một loại đau đặc thù riêng biệt, cơn đau rất nặng, xảy ra đột ngột và diễn ra nhanh chóng, chỉ kéo dài từ khoảng vài giây cho đến vài phút. Cơn đau thường tự phát.

Dây thần kinh số V đảm nhiệm cả hai chức năng vừa vận động, vừa cảm giác. Tuy nhiên, chức năng chính là cảm giác và mỗi dây thần kinh sẽ tiếp nhận cảm giác cho một bên mặt. Dây thần kinh 5 được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1, V2, V3, mỗi nhánh cảm giác cho mỗi phần của nửa mặt, do vậy người ta thường gọi dây 5 là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba. Đây là dây thần kinh sọ lớn nhất.

Đau dây thần kinh số V thường khởi phát đột ngột, giống dạng điện giật, đôi khi gặp dạng nghiền xé, ít khi gặp dạng nóng bỏng. Cơn đau diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ kéo dài vài giây, nhưng các cơn đau có thể xuất hiện liên tiếp với nhau, làm cho cơn đau kéo dài trong khoảng một đến hai phút. Đau dây thần kinh số V có thể tái đi tái lại hàng ngày không theo một quy luật nhất định nào cả. Mức độ nặng của bệnh được biểu hiện bằng tần suất của cơn đau.


Đau dây thần kinh số V là một loại đau đặc thù riêng biệt
Đau dây thần kinh số V là một loại đau đặc thù riêng biệt

Người bệnh có thể có cơn đau phát sinh không rõ nguyên nhân, thậm chí ngay cả khi có kích thích như rửa mặt, nhai, cạo râu, chạm vào mặt, gió thổi vào mặt,... cũng có thể gây đau đớn.

Cơn đau xuất hiện ở một bên mặt, khu trú theo phân bố của thần kinh V, thường gặp nhất là giới hạn một trong ba nhánh. Đau dây thần kinh số V có ít nhất 4 đặc điểm:

  • Đau đột ngột, dữ dội
  • Phân bố dọc theo một hay nhiều nhánh dây thần kinh số V
  • Cường độ nặng
  • Kích thích bởi các hoạt động hàng ngày như: ăn, nói, đánh răng, rửa mặt,...

2. Nguyên nhân

Hiện nay, cơ chế gây đau dây thần kinh số V vẫn chưa rõ ràng. Vùng chi phối đau dây thần kinh số V là vùng mặt miệng, nên đa số những người bệnh được chẩn đoán nhầm do viêm xoang, viêm động mạch thái dương nông, Migraine, Glocom, bệnh răng hoặc những bệnh lý khác có liên quan đến răng,.....

Đau dây thần kinh 5 là cảm giác đau một nửa mặt tại những vùng mà dây thần kinh chi phối. Những bất thường trong hệ thống thần kinh và sự chèn ép của mạch máu vào vị trí dây V đi ra khỏi thân não là một trong những nguyên nhân dẫn tới đau dây thần kinh V.

Ngoài ra, các khối u nằm ở vùng góc cầu-tiểu não và các vùng lân cận của góc cầu-tiểu não cũng liên quan đến đau dây thần kinh số V như: u màng não, u tuyến yên, u nang thượng bì, u ác tính có di căn,... U có ảnh hưởng đến hạch Gasser hoặc 1 hay nhiều nhánh của dây thần kinh V.

Một số nguyên nhân đau dây thần kinh số v thứ phát như: quá trình tăng sản của nền sọ chèn ép dây V, hay những bệnh ở các cấu trúc do dây thần kinh v phân bố: Sâu răng, áp-xe răng, viêm mống mắt, viêm xoang,...


U tuyến yên có thể là nguyên nhân gây đau dây thần kinh 5
U tuyến yên có thể là nguyên nhân gây đau dây thần kinh 5

3. Chẩn đoán và điều trị

3.1 Chẩn đoán

Để chẩn đoán đau dây thần kinh số V, bác sĩ sẽ dựa trên những biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, đau dây thần kinh số V thường dễ chẩn đoán nhầm với những bệnh răng miệng. Do đó, cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như:

  • Đau nhánh một dây thần kinh số V chẩn đoán phân biệt với bệnh xoang mặt, thiên đầu thống và migraine
  • Đau nhánh hai dây thần kinh số V chẩn đoán phân biệt với bệnh của răng hàm trên, tuyến tai, xoang sàng
  • Đau nhánh ba dây thần kinh số V chẩn đoán phân biệt với đau răng hàm dưới.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải làm một số xét nghiệm cần thiết như chụp cộng hưởng từ, chụp CT,...


Chụp CT giúp chấn đoán chính xác đau dây thần kinh số V
Chụp CT giúp chấn đoán chính xác đau dây thần kinh số V

3.2 Điều trị

Đau dây thần kinh số V có thể điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa.

  • Đối với điều trị nội khoa: Đau dây thần kinh số V sẽ không đáp ứng với giảm đau thông thường và đề kháng với morphin. Tuy nhiên một số thuốc hướng thần kinh và tâm thần lại có hiệu quả khi sử dụng. Giúp người bệnh giảm và hết triệu chứng đau, cần sử dụng thuốc với chủng loại và liều lượng thích hợp. Đặc điểm điển hình của bệnh lý này là hầu hết tất cả các bệnh nhân đều có giai đoạn đầu đáp ứng với điều trị nội khoa dùng thuốc.

Tuy nhiên, khoảng 75% các trường hợp sau đó sử dụng thuốc giảm đau không còn tác dụng và bắt buộc phải điều trị bằng các can thiệp ngoại khoa.

  • Điều trị ngoại khoa bằng các thủ thuật và phẫu thuật: Can thiệp phẫu thuật và thủ thuật được chỉ định cho những trường hợp điều trị bằng thuốc thất bại hay bệnh nhân có những tác dụng phụ nặng nề khi uống thuốc. Phương pháp can thiệp có thể được áp dụng trong điều trị ngoại khoa như: nhiệt đông dây thần kinh V qua da, phẫu thuật giải ép vi mạch máu, tiêm glycerol trong bể thần kinh sinh ba, hay phương pháp chèn ép hạch Gasser qua da bằng bóng. Hiện nay phương pháp phẫu thuật giải ép vi mạch máu được áp dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao và ít biến chứng xảy ra.

Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật khi điều trị bằng thuốc thất bại
Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật khi điều trị bằng thuốc thất bại

Đau dây thần kinh số V là biểu hiện của sự tổn thương nào đó, và dễ chẩn đoán nhầm với bệnh răng miệng. Do đó, khi người bệnh có những biểu hiện như đau vùng mặt, cơn đau diễn ra đột ngột, nhanh chóng,... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và được điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe