Hội chứng ám ảnh cưỡng chế gây ra các suy nghĩ và hành động có tính lặp đi lặp lại, không kiểm soát được mà hầu hết người bệnh ý thức tính chất thừa thãi của việc mình đang làm. Điều trị hội chứng ám ảnh cưỡng chế chủ yếu bằng thuốc và liệu pháp tâm lý kết hợp với nếp sinh hoạt tích cực.
1. Hội chứng ám ảnh cưỡng chế là gì?
Hội chứng ám ảnh cưỡng chế (OCD) là loại rối loạn tâm thần với các suy nghĩ và hành động lặp đi lặp lại không thể kiểm soát.
Ám ảnh cưỡng chế ít khi gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng lại ảnh hưởng không ít đến các hoạt động sinh hoạt, học tập, công việc và mối quan hệ xung quanh.
Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có khả năng ý thức được sự vô lý hoặc quá mức của các suy nghĩ, hành vi nhưng lại không thể chống lại được. Ví dụ, người bị loại ám ảnh dọn dẹp thường sạch sẽ quá mức, họ không thể kiểm soát được hành vi quan sát và lau dọn nhà cửa ngay cả khi căn nhà đang rất sạch sẽ.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng rối loạn serotonin và di truyền có thể là những yếu tố gây bệnh chính. Bệnh thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 15 - 25 với tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam.
2. Triệu chứng ám ảnh cưỡng chế
Một số triệu chứng thường gặp với người bị ám ảnh cưỡng chế bao gồm:
- Tưởng tượng ra các hình ảnh bạo lực hoặc đồi trụy;
- Sợ làm hại bản thân và người khác hoặc làm ra các hành động đáng xấu hổ;
- Yêu cầu mọi thứ phải theo sắp xếp và có tính hệ thống;
- Cảm giác ghê quá mức khi nhìn thấy không gian bừa bộn, bẩn thỉu, chất thải ô nhiễm;
- Thức dậy vào ban đêm để kiểm tra các thiết bị đã tắt, cửa đã khóa hay chưa;
- Sắp xếp các vật dụng như quần áo, giày dép, bát đĩa... theo trật tự mới hết cảm giác khó chịu;
- Rửa tay liên tục để đảm bảo vi trùng không chui qua da;
- Đếm số ô cửa, bậc cầu thang... một cách tự động;
- Nói thầm nhiều lần.
Sự khác nhau giữa các hành vi, suy nghĩ ở người mắc hội chứng ám ảnh cưỡng chế so với người bình thường được thể hiện qua các đặc điểm sau:
- Bị chi phối bởi các suy nghĩ và hành động lặp đi lặp lại kéo dài ít nhất 1 giờ/ngày;
- Nhận thức được sự thừa thãi của các suy nghĩ và hành vi nhưng không kiểm soát được;
- Thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại chỉ để giảm lo lắng chứ không thấy thú vị hay yêu thích;
- Một số người bị cử động cơ bất thường, không kiểm soát được như nháy mắt liên tục, nhún vai, nhăn mặt, khịt mũi,...
3. Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế
3.1. Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng thuốc
Một số loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế được cân nhắc sử dụng thuốc để giảm nhẹ triệu chứng, chứ không có hiệu quả chữa trị hoàn toàn. Thông thường, thuốc được sử dụng kết hợp trị liệu tâm lý để tăng hiệu quả điều trị. Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị OCD gồm Clomipramine (anafranil), Fluvoxamine (luvox CR), Fluoxetine (prozac), Paroxetine (Pexeva), Sertraline (Zoloft).
3.2. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý được sử dụng trong điều trị ám ảnh cưỡng chế nhằm thay đổi cách suy nghĩ và hành vi thừa thãi của người bệnh và tăng hiệu quả khi sử dụng thuốc.
- Liệu pháp hành vi: Bao gồm 2 kỹ thuật, một là để người bệnh bộc lộ các suy nghĩ bị ám ảnh để giảm căng thẳng, hai là hướng dẫn một số kỹ thuật để ngăn chặn các suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế;
- Liệu pháp nhận thức: Được sử dụng với mục đích giúp người bệnh đánh giá lại sự lo âu quá mức, mối nguy hiểm của các suy nghĩ và hành động.
3.3. Biện pháp tự cải thiện
Các biện pháp tự cải thiện tình trạng ám ảnh cưỡng chế bệnh nhân có thể áp dụng tại nhà gồm:
- Tâm sự, nhận lời động viên và giúp đỡ từ bạn bè và người thân;
- Ghi chép lại các suy nghĩ và hành vi gây ám ảnh để ý thức xua đuổi chúng;
- Ngủ đủ giấc và đúng giờ;
- Tham gia vào các hoạt động xã hội;
- Tập thể dục thường xuyên và ăn uống đủ bữa, đúng giờ;
- Thực hiện các biện pháp giảm lo âu, căng thẳng sau thời gian học tập, làm việc như hít thở sâu, thiền, tập yoga, tắm nước ấm...
4. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
Ngoài việc mất nhiều thời gian để thực hiện các hành vi thừa thãi, không cần thiết, người bệnh còn có nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn như:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế nặng có thể gây lo âu và làm nghiêm trọng chứng trầm cảm sẵn có;
- Ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập và các mối quan hệ;
- Có đời sống tình dục bất thường với người bị ám ảnh về tình dục;
- Gây hại cho bản thân và người xung quanh (hiếm gặp);
- Tăng nguy cơ xảy ra các xung đột không cần thiết trong gia đình;
- Gây thay đổi ngoại hình;
- Gây lo âu và trầm cảm với các loại rối loạn cưỡng chế nặng.
Tóm lại, người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có khả năng ý thức được sự vô lý hoặc quá mức của các suy nghĩ, hành vi nhưng không thể chống lại được. Ám ảnh cưỡng chế ít khi gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng lại ảnh hưởng không ít đến các hoạt động sinh hoạt, học tập, công việc và mối quan hệ xung quanh. Do đó, điều trị sớm sẽ giúp người bệnh có cuộc sống, sinh hoạt lành mạnh hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.