Bệnh thương hàn hay sốt thương hàn là bệnh lý nhiễm khuẩn do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau trên từng bệnh nhân và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Sốt thương hàn là bệnh lý có khả năng lây lan cao vì thế người dân cần nắm rõ các biện pháp dự phòng và thực hiện tiêm phòng chủ động ở những đối tượng nguy cơ cao.
1. Bệnh thương hàn là gì?
Bệnh thương hàn là một bệnh lý nhiễm trùng với tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella typhi. Người bệnh thường có các biểu hiện như mệt mỏi, sốt cao đột ngột và kéo dài, rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon miệng. Thời gian tính từ khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể đến khi có triệu chứng lâm sàng trung bình khoảng từ 1 đến 2 tuần, thay đổi tùy theo số lượng vi khuẩn.
Theo thống kê, bệnh thương hàn xuất hiện nhiều vào các tháng mùa hè nhưng vẫn tồn tại vào các khoảng thời gian khác trong năm. Điều kiện sinh hoạt ô nhiễm, nguồn nước và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh. Vì thế ở những nước phát triển hay những vùng đô thị lớn, khi người dân được cung cấp nước sạch, hệ thống cống thoát nước hoạt động tốt, nhà vệ sinh sạch sẽ, nguồn thực phẩm vệ sinh, tỷ lệ mắc bệnh thương hàn rất thấp, chỉ ghi nhận các trường hợp bệnh rải rác và khó bùng phát thành dịch. Độ tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất dao động từ 15 đến 30 tuổi. Đây là nhóm đối tượng lao động, sinh sống và làm việc trong những điều kiện không an toàn.
2. Tác nhân gây bệnh thương hàn
Vi khuẩn Salmonella typhi hay trực khuẩn thương hàn là tác nhân gây bệnh thương hàn. Đây là một loại vi khuẩn gram âm, di động bằng lông chuyển và không sinh nha bào ở môi trường bên ngoài. Vi khuẩn Salmonella typhi có đặc điểm là sống được ở môi trường ngoài cơ thể, khoảng 2 đến 3 tuần trong môi trường nước, 2-3 tháng trong phân hoặc nước đá. Nhiệt độ cao là yếu tố có thể tiêu diệt được vi khuẩn, nhiệt độ càng cao thời gian để diệt vi khuẩn càng ngắn lại. Ngoài ra, vi khuẩn Salmonella còn có thể bị diệt bởi những chất diệt khuẩn thông thường.
3. Sốt thương hàn có lây không?
Bệnh sốt thương hàn là bệnh có tính lây nhiễm cao. Vi khuẩn Salmonella typhi xâm nhập vào cơ thể người theo hai con đường, trực tiếp và gián tiếp. Theo phương thức trực tiếp, vi khuẩn cư trú trong chất thải và đồ dùng cá nhân như áo quần của người bệnh và người lành mang bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể khác. Theo phương thức gián tiếp, vi khuẩn từ thức ăn và đồ uống bẩn đi vào cơ thể người theo đường tiêu hóa. Những loại thực phẩm sống, thói quen uống nước lã trực tiếp từ sông suối ao hồ, là những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm vi khuẩn Salmonella typhi. Bên cạnh đó, vật trung gian truyền bệnh như ruồi cũng đóng vai trò khá quan trọng. Ruồi là một trong những tác nhân gây nhiễm bẩn các loại thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Phương thức gián tiếp cũng là đường lây chủ yếu của bệnh thương hàn, khiến bệnh dễ bùng phát thành dịch lớn.
4. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thương hàn
Bệnh thương hàn có những biểu hiện khác nhau trên lâm sàng tùy theo từng người bệnh. Thông thường, bệnh nhân sẽ trải qua các dấu hiệu sau:
- Toàn thân mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn
- Sốt: Xuất hiện đột ngột, tăng dần nhiệt độ trong những ngày sau. Sốt cao hơn về chiều tối, có khi kèm lạnh run. Nhiệt độ cơ thể có khi đạt đến ngưỡng 41 độ C. Sốt cao khiến người bệnh đau đầu, tổng trạng xấu hơn.
- Rối loạn tiêu hóa: Nhiễm vi khuẩn Salmonella typhi có thể khiến bệnh nhân táo bón hoặc tiêu chảy.
- Nổi ban đỏ: Ban đỏ trong bệnh sốt thương hàn có thể gặp ở nhiều vị trí trong cơ thể như ngực, lưng, tức chi. Các nốt ban có thể có dạng ban dát phẳng, ban đầu kim của sởi.
Bệnh thương hàn trải qua nhiều giai đoạn bệnh khác nhau. Tuần đầu tiên kể từ khi khởi phát các dấu hiệu của bệnh là thời kỳ tốt để điều trị. Bỏ qua giai đoạn này, tỷ lệ gặp phải các biến chứng sẽ tăng cao hơn, như viêm não màng não, thủng ruột, viêm xương tủy xương, viêm nội tâm mạc, ...
5. Chẩn đoán sốt thương hàn
Chẩn đoán một ca bệnh sốt thương hàn cần phối hợp nhiều yếu tố như đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó các triệu chứng lâm sàng mang tính chất gợi ý, và các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định bệnh. Xét nghiệm phổ biến nhất dùng để chẩn đoán bệnh là xét nghiệm phân, máu hoặc các bệnh phẩm khác tìm vi khuẩn Salmonella gây bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm định lượng kháng thể trong máu cũng có giá trị chẩn đoán bệnh nếu hiệu giá kháng thể nằm ở mức cao hoặc có sự gia tăng đáng kể qua hai lần xét nghiệm.
6. Phương pháp điều trị bệnh thương hàn
Vì tính lây nhiễm cao, bệnh nhân sốt thương hàn cần được tiến hành điều trị tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:
- Cách ly người bệnh và tiến hành điều trị tại chỗ để giảm thiểu khả năng lây lan.
- Theo dõi sát bệnh nhân để kịp thời phát hiện và chữa trị các biến chứng.
- Bước đầu điều trị bệnh bằng kháng sinh theo đúng phác đồ. Tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng, vì thế việc lựa chọn kháng sinh nên dựa trên kết quả kháng sinh đồ. Kháng sinh được chọn có thể sử dụng dưới dạng tiêm hoặc uống tùy thuộc vào tình trạng bệnh cảnh nặng hay nhẹ của người bệnh.
7. Các biện pháp dự phòng bệnh sốt thương hàn
Bệnh sốt thương hàn là bệnh lý có thể dự phòng và giới hạn được nếu các biện pháp dự phòng được thực hiện tốt trong cộng đồng. Người dân cần phối hợp với các nhân viên y tế tuân theo những điều sau:
- Tuyên truyền kiến thức về sức khỏe đến những người xung quanh bằng nhiều hình thức như truyền hình, báo chí, tờ rơi hay các buổi sinh hoạt, thảo luận trực tiếp.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nhất là nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.
- Xử lý tốt các nguồn chất thải như phân, nước tiểu và rác thải.
- Nấu chín thức ăn, không ăn các loại thực phẩm sống không rõ nguồn gốc và chất lượng.
- Đun sôi nước uống, bỏ thói quen uống nước lã trực tiếp từ sông, suối, ao, hồ.
- Tiêm phòng: bệnh thương hàn đã có vắc-xin phòng bệnh với khả năng tạo miễn dịch tốt. Đây là biện pháp phòng bệnh chủ động cần được khuyến khích thực hiện, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh trong cộng đồng. Loại vắc-xin được sử dụng phổ biến hiện nay là Vi-polysaccarit vì tính an toàn và hiệu quả cao.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai dịch vụ tiêm vắc-xin phòng bệnh thương hàn.
- Trẻ tiêm vắc-xin sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi, xử trí và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho trẻ.
- Đội ngũ chuyên gia y tế, bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
- 100% trẻ sau tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại tình trạng sức khỏe trước khi ra về.
- Trẻ được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn và đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố không may xảy ra.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ trước và sau khi tiêm có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt, thoải mái.
- Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản theo hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng vắc-xin.
- Bố mẹ của trẻ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ trên hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Để đăng ký tiêm phòng cho trẻ, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đặt hẹn TẠI ĐÂY.