Dạ dày và bệnh lý viêm chuyển sản ruột ở dạ dày

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương- Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Chuyển sản ruột là hiện tượng các tế bào đã thay đổi hình thái và cấu trúc để trở thành một loại tế bào có hình thái và cấu trúc khác trước. Chuyển sản ruột ở dạ dày xảy ra khi các tế bào trong dạ dày thay đổi và có cấu trúc tương tự tế bào ruột. Bệnh thường xuất hiện ở những người bị trào ngược axit mãn tính hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nhưng đều không có triệu chứng bệnh cụ thể.

1. Định vị dạ dày trong cơ thể người

Dạ dày (bao tử) là phần đầu tiên của hệ tiêu hóa nằm bên trong ổ bụng. Đây là nơi phình to nhất của hệ thống đường tiêu hóa trong cơ thể con người, dạ dày có cấu tạo phức tạp, thực hiện hai chức năng chính là nghiền cơ học thức ăn, thấm dịch vị và phân hủy thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa trong dịch vị. Mặc dù, là một phần của cơ thể thế nhưng không phải ai cũng biết dạ dày là gì?

Dạ dày nằm giữa thực quản và tá tràng, phần đầu của ruột non. Đây được xem là bộ phận tiêu hóa lớn nhất có chức năng chứa và tiêu hóa thực phẩm.


Hình 1: Dạ dày nằm ở phần bụng trên, hơi lệch sang trái
Hình 1: Dạ dày nằm ở phần bụng trên, hơi lệch sang trái

Trong những năm gần đây, các bệnh lý về đường tiêu hóa đặc biệt là bệnh liên quan đến dạ dày có dấu hiệu bùng phát nhanh. Nguyên nhân là do nguồn thức ăn, nước uống không đảm bảo và thói quen ăn uống không tốt của nhiều người. Các bệnh lý về dạ dày thường gặp là:

  • Viêm dạ dày: Là bệnh xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng chủ yếu do chế độ ăn uống không phù hợp, ăn nhiều thức ăn cay nóng, nhiều gia vị, hút thuốc, uống rượu thường xuyên. Nếu không phát hiện kịp thời có thể gây xuất huyết dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
  • Loét dạ dày tá tràng: Là tình trạng lớp niêm mạc bị tổn thương, xung huyết loét sâu do acid và pepsin kích thích. Ở mỗi vị trí loét sẽ có những tên gọi khác nhau như loét hang vị, viêm loét tá tràng, viêm dạ dày... Nguyên nhân là do nhiễm khuẩn Hp, chế độ ăn uống thất thường, tác dụng phụ của thuốc.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Có khoảng 14 triệu người mắc trào ngược dạ dày thực quản đã được thăm khám. Đây là hiện tượng thức ăn, dịch vị có trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản gây khó chịu.
  • Nhiễm khuẩn Hp dạ dày: Vi khuẩn Helicobacter pylori thường gặp ở lớp màng nhầy của dạ dày, tá tràng, nếu gặp môi trường thuận lợi, sức đề kháng cơ thể yếu đi, chúng sẽ tấn công và gây tổn thương ở niêm mạc dạ dày.
  • Các bệnh lý khác cũng thường gặp là viêm hang vị, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày...

Hình 2: Loét dạ dày, bệnh lý ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện nay
Hình 2: Loét dạ dày, bệnh lý ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện nay

2. Chuyển sản ruột ở dạ dày là gì?

Chuyển sản ruột là hiện tượng các tế bào đã thay đổi hình thái và cấu trúc để trở thành một loại tế bào có hình thái và cấu trúc khác trước. Chuyển sản ruột thường xuất hiện nhiều nhất ở dạ dày. Chuyển sản ruột ở dạ dày xảy ra khi các tế bào trong dạ dày thay đổi và có cấu trúc tương tự tế bào ruột. Bệnh thường xuất hiện ở những người bị trào ngược axit mãn tính hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn Hp cũng có thể là nguyên nhân gây ra chuyển sản ruột ở dạ dày. Sự tương tác giữa vi khuẩn và thức ăn trong hệ thống tiêu hóa có thể tạo ra một số hóa chất khiến các tế bào biến đổi hình thái và cấu trúc.

3. Triệu chứng của viêm chuyển sản ruột

Chuyển sản ruột ở dạ dày thường không có triệu chứng cụ thể. Các triệu chứng xuất hiện thường là triệu chứng do các vấn đề tiêu hóa khác, chẳng hạn như trào ngược axit dạ dày, GERD, viêm dạ dày Hp,... Bác sĩ chỉ chẩn đoán được chuyển sản ruột khi lấy sinh thiết để kiểm tra các mô trong niêm mạc và đường tiêu hóa. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc phải các vấn đề về tiêu hóa cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh từ sớm.


Trào ngược axit dạ dày là một dấu hiệu thường gặp của chuyển sản ruột
Trào ngược axit dạ dày là một dấu hiệu thường gặp của chuyển sản ruột

4. Nguyên nhân của chuyển sản ruột

4.1. Nhiễm vi khuẩn Hp

Vi khuẩn Hp được xem là tác nhân chủ yếu gây ra chuyển sản ruột ở dạ dày. Vi khuẩn Hp xuất hiện ở trong đường tiêu hóa nhưng đối với một số trường hợp, vi khuẩn này không phát triển và không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Các nhà khoa học cho rằng, vi khuẩn Hp chỉ phát triển ngoài tầm kiểm soát khi cơ thể thu nạp thức ăn hoặc tiếp xúc với hóa chất làm mất cân bằng môi trường trong hệ thống tiêu hóa.

Các vi khuẩn đều có xu hướng tấn công niêm mạc, đó là lý do các nhà khoa học nghi ngờ vi khuẩn Hp gây ra chuyển sản ruột ở dạ dày.

4.2. Gen

Di truyền cũng có thể là nguyên nhân gây ra chuyển sản ruột ở dạ dày. Những người có người thân cận huyết gặp các vấn đề về tiêu hóa, ung thư dạ dày sẽ có nhiều khả năng phát triển các tình trạng tương tự.

4.3. Hút thuốc

Hút thuốc là thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của quá trình chuyển sản ruột. Hút thuốc làm hư hại ống dẫn thức ăn, gây mất cân bằng thực quản và tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn bùng phát và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài các nguyên nhân nói trên, các nhà khoa học cho rằng chuyển sản ruột ở dạ dày có thể tăng lên nếu bạn phải sống trong môi trường ô nhiễm, chế độ ăn uống nhiều muối, lạm dụng rượu, hoặc do bạn bị trào ngược axit mãn tính,...


Khói thuốc là một yếu tố gây chuyển sản ruột
Khói thuốc là một yếu tố gây chuyển sản ruột

5. Quá trình diễn tiến từ nhiễm Hp đến viêm teo dạ dày, đến viêm chuyển sản ruột và ung thư dạ dày

Nhiễm HP nếu không điều trị, sẽ dẫn đến viêm teo mất niêm mạc dạ dày, sau đó là các quá trình trung gian và cuối cùng là ung thư dạ dày (UTDD).

Tiến trình từ khi bị nhiễm HP đến UTDD diễn tiến chậm qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn trung gian với sự biến đổi tế bào của lớp niêm mạc (lớp cấu trúc trong cùng của thành dạ dày) trước khi hình thành ung thư thực sự. Bệnh nhân bị nhiễm H.Pylori, sẽ có suy nghĩ mình sẽ có nguy cơ bị ung thư dạ dày, từ đó có tâm lý bi quan, lo lắng quá mức. Một số trường hợp, khi nội soi dạ dày, do tính chất viêm quá nhiều, bác sĩ nội soi sẽ sinh thiết một mẫu mô dạ dày làm giải phẫu bệnh (xem xét mẫu mô dưới kính hiển vi), và kết quả mô bệnh học là viêm chuyển sản, nghịch sản...khiến người bệnh càng lo lắng hơn.


Hình 3: Nhiễm H.Pylori, yếu tố nguy cơ của viêm chuyển sản ruột và ung thư dạ dày
Hình 3: Nhiễm H.Pylori, yếu tố nguy cơ của viêm chuyển sản ruột và ung thư dạ dày

Theo ý kiến của các chuyên gia, các giai đoạn trung gian này (còn được gọi là giai đoạn tiền ung thư) bao gồm teo niêm mạc dạ dày (lớp niêm mạc bị mỏng đi), chuyển sản ruột (tế bào ở niêm mạc dạ dày thay đổi hình thái giống như tế bào ở ruột non và đại tràng), nghịch sản (tế bào ở niêm mạc dạ dày đã có những biến đổi cấu trúc quan trọng hơn theo hướng thoát khỏi cơ chế kiểm soát của cơ thể). Mỗi giai đoạn nói trên lại có những mức độ thay đổi cấu trúc khác nhau và có các mức độ nguy cơ hình thành UTDD khác nhau.

Khi người bệnh nghe chẩn đoán bị tổn thương “tiền ung thư”, sẽ có tâm lý hoang mang lo lắng, cứ nghĩ mình sẽ bị ung thư và tìm kiếm các thông tin trên mạng, nhưng thông tin trên mạng thường càng làm họ hoang mang nhiều hơn.

6. Bị viêm chuyển sản ruột, có nên quá lo lắng?

Theo ý kiến của các Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký, Liên chi hội Nội soi – Tiêu hóa Việt Nam, tình trạng được gọi là tiền UTDD khá phổ biến, đặc biệt ở các nước Đông Á, nhưng chỉ có một tỉ lệ nhỏ nhất định diễn tiến thành UTDD. Tại Việt Nam, các nghiên cứu trên bệnh nhân viêm dạ dày mãn cho thấy tỷ lệ teo niêm mạc dạ dày chiếm đến 68 - 88%, chuyển sản ruột khoảng 12 - 29% và nghịch sản khoảng 3 - 11%. Tỉ lệ hình thành UTDD hằng năm ở người có teo niêm mạc dạ dày chỉ khoảng 0,1%, chuyển sản ruột 0,25%, nghịch sản nhẹ 0,6% và nghịch sản nặng 6%.


Hình 4: Viêm teo niêm mạc dạ dày – hậu quả của nhiễm H.Pylori
Hình 4: Viêm teo niêm mạc dạ dày – hậu quả của nhiễm H.Pylori

Theo thống kê này, có thể ước đoán cứ 100 người bệnh bị chuyển sản ruột sau 40 năm chỉ có 10 người biến chuyển thành UTDD, 90 người còn lại vẫn chỉ cần theo dõi thêm. Tuy nhiên, với 10 trường hợp UTDD này nếu được theo dõi định kỳ và phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể chữa lành hoàn toàn, thậm chí không cần dùng đến phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Các tính toán cũng có thể áp dụng tương tự cho các trường hợp có teo niêm mạc và nghịch sản ở dạ dày.


Hình 5: Hình ảnh bệnh nhân bị viêm chuyển sản dạ dày
Hình 5: Hình ảnh bệnh nhân bị viêm chuyển sản dạ dày

Cũng theo ý kiến của Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Quách Trọng Đức, tỉ lệ tiến triển thành UTDD cũng tùy thuộc rất nhiều vào mức độ nặng và lan rộng của giai đoạn tiền ung thư. Các trường hợp nghịch sản cần được theo dõi chặt chẽ hơn do có nguy cơ ung thư cao hơn so với teo niêm mạc và chuyển sản ruột.


Hình 6: Một tổn thương ung thư sớm ở dạ dày
Hình 6: Một tổn thương ung thư sớm ở dạ dày

Như vậy, người bệnh có tổn thương tiền ung thư không nên quá bi quan và lo lắng về tình trạng bệnh, nhưng cũng cần có thái độ nghiêm túc hơn trong việc hợp tác với thầy thuốc để theo dõi và chăm sóc sức khỏe bản thân.

7. Nhiễm H.pylori điều trị khỏi bệnh rồi thì có nguy cơ bị chuyển sản ruột không?

Người đã điều trị tiệt trừ Hp sẽ vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm Hp và ngay cả không bị tái nhiễm, vẫn có tỉ lệ nhỏ diễn tiến sang chuyển sản ruột, tất nhiên nguy cơ là rất thấp, nếu vẫn giữ thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, ăn mặn, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hoặc những người trong gia đình cùng bị nhiễm Hp mà không được điều trị.

8. Polyp dạ dày và nguy cơ bị chuyển sản ruột từ polyp

Không giống như polyp đại tràng, hầu hết polyp dạ dày (polyp tuyến, polyp tăng sản...) có rất ít nguy cơ chuyển sang chuyển sản ruột hoặc ung thư dạ dày, chỉ một số ít tổn thương dạng polyp dạ dày có nguy cơ hóa ác. Vì vậy, bệnh nhân không nên quá lo lắng khi bị đa polyp dạ dày. Một số polyp dạ dày còn là hậu quả của sử dụng thuốc kháng tiết axit kéo dài, các polyp này sẽ biến mất nếu ngưng sử dụng các thuốc này.

9. Phương pháp mới trong điều trị ung thư dạ dày hiện nay

Trước đây, khi được chẩn đoán ung thư dạ dày, bệnh nhân phải trải qua các cuộc mổ cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Ngày nay, các kỹ thuật điều trị nội soi ít xâm lấn trong những trường hợp này giúp bảo tồn dạ dày với thời gian nằm viện ngắn. Ngày nay, kỹ thuật ESD (cắt bóc tách dưới niêm mạc) đã được chứng minh là phương pháp điều trị hiệu quả cho điều trị ung thư hóa giai đoạn sớm, đối với các u còn khu trú ở lớp niêm mạc như vậy, chỉ cần cắt chọn vùng niêm mạc chứa khối u là có thể điều trị triệt căn được bệnh lý này.


Hình 7: Một trường hợp ung thư sớm ở dạ dày được điều trị bằng phương pháp cắt bóc tách dưới niêm mạc – Một Phương pháp mới trong điều trị ung thư hiện nay
Hình 7: Một trường hợp ung thư sớm ở dạ dày được điều trị bằng phương pháp cắt bóc tách dưới niêm mạc – Một Phương pháp mới trong điều trị ung thư hiện nay

10. Ngăn ngừa bệnh lý viêm chuyển sản ruột

Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm Hp, điều trị Hp đúng chỉ định, tránh tái nhiễm và lây nhiễm là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa bệnh lý viêm chuyển sản ruột. Ngoài ra, người bệnh nên thực hiện các lời khuyên sau:

  • Loại bỏ căng thẳng, luôn giữ cho tâm lý thoải mái, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
  • Ăn nhiều rau xanh, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể
  • Ăn chậm nhai kỹ, ăn đủ bữa đúng giờ, tránh tình trạng nhịn ăn, vừa ăn vừa làm, ăn uống khi đang di chuyển.
  • Hạn chế rượu bia chất kích thích, hạn chế đồ ăn cay nóng nhiều dầu mỡ
  • Không ăn trước khi đi ngủ, uống nhiều nước, giữ cân nặng ở mức cân đối
  • Không hút thuốc, không để bụng quá đói hoặc quá no
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc để nâng cao sức khỏe
  • Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý về dạ dày và có biện pháp điều trị phù hợp

Duy trì thói quen tập thể dục giúp ngăn ngừa bệnh lý viêm chuyển sản ruột
Duy trì thói quen tập thể dục giúp ngăn ngừa bệnh lý viêm chuyển sản ruột

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán các bệnh lý tiêu hoá, điều trị H.Pylori với tỉ lệ thành công cao.. Cùng với đó, tại Vinmec, sàng lọc ung thư dạ dày được thực hiện thông qua nội soi dạ dày với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương viêm teo dạ dày, viêm chuyển sản ruột, loạn sản dạ dày mức độ thấp, mức độ cao, các tổn thương ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi dạ dày, thực quản tại đây.

Khách hàng quan tâm tới bệnh lý tiêu hoá tại Vinmec cần được tư vấn, hỗ trợ vui lòng liên hệ đăng ký khám trực tuyến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe