Cúm thường và cúm A khác nhau như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Với những triệu chứng tương đồng lại cùng gây ra bởi virus, cúm thường và cúm A rất khó phân biệt. Tuy nhiên mức độ nguy hiểm và triệu chứng đặc thù của hai bệnh này là hoàn toàn khác nhau.

1. Cúm thường là gì?

Cúm thường hay còn được gọi là cảm cúm hay cảm lạnh. Đây là một nhóm các triệu chứng ở đường hô hấp trên do hơn 200 loại virus gây ra. Chúng thường phát triển mạnh ở điều kiện ẩm ướt, mát mẻ, nhiệt độ thấp, đặc biệt vào mùa thu đông. Trong số các loại virus gây nên bệnh cúm thường thì virus Rhinovirus là loại thường gặp nhất và gây bệnh ở mũi.

Bệnh cảm cúm thường nhẹ, nhanh khỏi sau vài ngày và ít gây ra các biến chứng nguy hiểm. Virus lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng từ người sang người hoặc lây qua đường tiếp xúc với vật bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường kéo dài khoảng một tuần và virus này dễ lây lan trong thời gian nhiễm bệnh.

2. Cúm A là gì?

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus Cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến điều trị thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này.

Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già.


Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi mắc cúm A
Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi mắc cúm A

Các virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người thông qua ho hoặc hắt hơi qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus của người bệnh hoặc đôi khi người ta có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng có virus cúm và chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ.

Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

3. Triệu chứng của cúm thường và cúm A

3.1 Triệu chứng của cúm thường

Đa số, những bệnh nhân mắc bệnh cúm thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Chảy nước mũi.
  • Hắt hơi nhiều có khi liên tục.
  • Nghẹt mũi, sổ mũi.
  • Đau đầu.
  • Ho kèm sốt nhẹ.
  • Người mệt mỏi, nhức cơ nhẹ.

3.2. Triệu chứng khi mắc bệnh Cúm A


Triệu chứng đau đầu xảy ra khi người bệnh mắc cúm A
Triệu chứng đau đầu xảy ra khi người bệnh mắc cúm A
  • Sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng.
  • Sốt cao trên 38.5 độ
  • Tê bì chân tay
  • Buồn nôn.

4. Cách điều trị bệnh cúm thường và Cúm A

4.1. Điều trị cúm thường

So với cúm A, thì cúm thường ít gây nguy hiểm hơn. Các triệu chứng của bệnh có thể tự biến mất mà không cần điều trị thuốc. Tuy vậy, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng nặng hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.

Nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh cúm thường, đồng thời giúp bệnh nhanh khỏi hơn, người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp sau ngay tại nhà:

  • Uống nhiều nước
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
  • Tắm nước ấm
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý

Người mắc cúm nên duy trì uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý
Người mắc cúm nên duy trì uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý
  • Không ăn uống đồ lạnh
  • Dán miếng giảm đau để giảm tình trạng đau nhức cơ - xương.
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất như: vitamin, protein nhằm nâng cao sức đề kháng

4.2. Điều trị cúm A

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh cúm A. Tuy vậy, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hạ sốt, vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng. Lưu ý những loại thuốc, vitamin này cần được kê đơn từ bác sĩ, tránh trường hợp tự ý mua thuốc, đặc biệt là không được sử dụng aspirin, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp tại nhà nhằm phục hồi sức khỏe nhanh hơn như:

  • Tự cách ly để hạn chế lây nhiễm lan rộng.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn trong môi trường sạch sẽ, an toàn.
  • Bổ sung nhiều nước
  • Cung cấp cho cơ thể một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, ăn các ăn các thức ăn lỏng và dễ hấp thu để bù nước do mất nước khi sốt.
  • Rửa tay sạch thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn
  • Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài, ở nơi đông người. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khủy tay hoặc giấy ăn để tránh lây nhiễm.
  • Chủ động tiêm phòng Cúm A.

Chủ động tiêm phòng Cúm A là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay
Chủ động tiêm phòng Cúm A là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe