Esomeprazole là hoạt chất thuộc nhóm PPI với công dụng chính là giảm tiết acid dịch vị tại dạ dày. Hoạt chất này có nhiều tên thương mại khác nhau và trong số đó có thuốc Zuzafox 40. Vậy Zuzafox 40 là thuốc gì và nên sử dụng như thế nào?
1. Zuzafox 40 là thuốc gì?
Zuzafox 40 có thành phần chính là hoạt chất Esomeprazole (dưới dạng Esomeprazole magnesium trihydrate) hàm lượng 40mg. Esomeprazole trong Zuzafox 40 là một dạng đồng phân S của Omeprazol, có tác dụng ức chế quá trình bài tiết acid theo một cơ chế tác động chuyên biệt ở tế bào thành dạ dày. Lưu ý cả 2 dạng đồng phân R và S của Omeprazol đều có tác dụng dược lực học tương tự nhau.
Esomeprazole trong thuốc Zuzafox 40 là một chất mang tính kiềm yếu, khi vào môi trường acid (ống tiểu quản chế tiết của tế bào thành dạ dày) sẽ được tập trung biến đổi thành dạng có hoạt tính. Tác dụng chính của Zuzafox 40 là ức chế men H+K+-ATPase (hay còn gọi là bơm proton) bài tiết dịch acid ở điều kiện cơ bản lẫn khi chịu kích thích.
Các nghiên cứu cho thấy, sau 5 ngày sử dụng Esomeprazole đường uống với liều 20mg và 40mg cho độ pH trong dạ dày duy trì trên 4 trong thời gian trung bình tương ứng là 13 và 17 giờ mỗi ngày ở bệnh nhân mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng. Tác động này của Esomeprazole cũng tương tự khi dùng theo đường tiêm tĩnh mạch.
Khi sử dụng thuốc Zuzafox 40, có đến 78% trường hợp viêm thực quản do trào ngược được chữa lành sau thời gian điều trị 4 tuần và tăng lên 93% sau 8 tuần uống thuốc. Trong quá trình điều trị bằng Zuzafox 40, các nghiên cứu ghi nhận hiện tượng tăng nồng độ gastrin huyết thanh đáp ứng với sự giảm bài tiết acid dịch vị.
2. Công dụng của Zuzafox 40
Sản phẩm Zuzafox 40 được chỉ định điều trị cho các trường hợp mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản gây viêm thực quản và/hoặc có triệu chứng trào ngược nặng.
Tuy nhiên sản phẩm Zuzafox 40 chống chỉ định sử dụng ở các đối tượng sau:
- Tiền sử quá mẫn với Esomeprazole, các hoạt chất nhóm benzimidazoles khác hoặc quá mẫn với thành phần tá dược của Zuzafox 40;
- Chống chỉ định dùng đồng thời Zuzafox 40 với Nelfinavir.
3. Liều dùng, cách dùng thuốc Zuzafox 40
3.1. Liều dùng
Liều khuyến cáo của Esomeprazole ở người trưởng thành:
- Hỗ trợ làm lành viêm thực quản: 20 hoặc 40mg (1⁄2 đến 1 viên Zuzafox 40), ngày uống 1 lần trong thời gian 4 đến 8 tuần. Sau đó có thể duy trì ở liều 20mg (1⁄2 viên Zuzafox 40), ngày uống 1 uống trong thời gian không quá 6 tháng;
- Điều trị trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng: 20mg (1⁄2 viên Zuzafox 40), mỗi ngày uống 1 lần trong thời gian 4-8 tuần.
Liều dùng Esomeprazole ở trẻ em 12 đến 17 tuổi:
- Điều trị ngắn hạn trào ngược dạ dày thực quản: 1⁄2 đến 1 viên Zuzafox 40, mỗi ngày uống 1 lần trong thời gian tối đa 8 tuần.
Liều Esomeprazole cho trẻ 1 đến 11 tuổi:
- Điều trị ngắn hạn trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng: 10mg, ngày uống 1 lần trong thời gian tối đa 8 tuần;
- Làm lành viêm thực quản bào mòn: Trẻ dưới 20kg sử dụng liều 10mg, uống 1 lần mỗi ngày trong 8 tuần. Trẻ cân nặng trên 20kg dùng liều 10 hoặc 20mg trong thời gian 8 tuần.
Liều dùng Esomeprazole trong một số trường hợp đặc biệt:
- Hạn chế nguy cơ loét dạ dày do thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): 20 hoặc 40mg, ngày uống 1 lần trong thời gian lên đến 6 tháng;
- Diệt vi khuẩn Helicobacter pylori và hạn chế nguy cơ tái phát loét tá tràng: Esomeprazole 40mg, ngày uống 1 lần, kết hợp Amoxicillin 1000mg, ngày uống 2 lần và Clarithromycin 500mg, ngày uống 2 lần. Thời gian điều trị là 10 ngày;
- Tăng tiết acid dạ dày do hội chứng Zollinger-Ellison: 40mg (1 viên Zuzafox 40), ngày uống 2 lần;
- Điều trị duy trì sau khi dùng Esomeprazole dạng tiêm để ngăn ngừa tái xuất huyết loét dạ dày: 40mg (1 viên Zuzafox 40), ngày uống 1 lần trong thời gian 4 tuần;
- Các trường hợp suy gan nặng không được dùng Esomeprazole quá 20mg/ngày.
3.2. Cách dùng thuốc Zuzafox 40
- Bệnh nhân nên uống Zuzafox 40 lúc bụng đói, tốt nhất là 1 giờ trước khi ăn;
- Bệnh nhân cần nuốt nguyên viên thuốc Zuzafox 40, không được nhai hay nghiền nát;
- Với bệnh nhân khó nuốt có thể hòa tan viên thuốc Zuzafox 40 trong nửa ly nước (không chứa carbonate), sau đó khuấy cho tan hoàn toàn và uống ngay lập tức hoặc trong vòng 30 phút.
4. Tác dụng phụ của thuốc Zuzafox 40
- Các tác dụng ngoại ý thường gặp của thuốc Zuzafox 40 bao gồm: Đau đầu; đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, nôn ói, táo bón...
- Một số phản ứng phụ ít gặp khi sử dụng Zuzafox 40: Viêm da, ngứa, nổi mày đay, choáng váng, khô miệng, nhìn mờ...
- Bên cạnh đó, thuốc Zuzafox 40 có thể dẫn đến một số tác dụng phụ hiếm gặp như: Phản ứng dị ứng hay quá mẫn như phù mạch, khó thở và thậm chí sốc phản vệ, hội chứng Stevens Johnson, đau cơ...
Một số phản ứng ngoại ý đã được ghi nhận khi sử dụng Omeprazole và có thể xảy ra khi dùng Zuzafox 40, bao gồm:
- Cảm giác dị cảm, buồn ngủ hoặc mất ngủ, chóng mặt;
- Lú lẫn (có thể hồi phục), kích động, nóng nảy, trầm cảm và ảo giác;
- Nữ hóa tuyến vú;
- Viêm miệng và nhiễm nấm Candida đường tiêu hóa;
- Giảm số lượng bạch cầu hay tiểu cầu, mất bạch cầu hạt hoặc nặng hơn là giảm toàn bộ 3 dòng tế bào máu;
- Biến chứng não gan ở bệnh nhân có tiền sử bệnh lý gan nặng;
- Viêm gan có hoặc không có triệu chứng vàng da;
- Suy gan;
5. Tương tác thuốc của Zuzafox 40
Zuzafox 40 có thể tương tác với các hoạt chất sau:
- Ketoconazole, Itraconazole;
- Muối sắt;
- Digoxin;
- Diazepam, citalopram, imipramine, clomipramine;
- Phenytoin;
- Warfarin hoặc dẫn xuất coumarin khác;
- Cisapride;
- Clarithromycin.
Thuốc Zuzafox 40 là thuốc kê đơn, do đó để sử dụng thuốc an toàn, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Khi có bất cứ thắc mắc nào về thuốc này cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.