Zorabkit là bộ sản phẩm chứa 3 thuốc Rabeprazole Sodium, Ornidazole và Clarithromycin, có tác dụng điều trị chính trong loét dạ dày-tá tràng. Sau đây là một số thông tin giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thuốc Metobra Zorabkit.
1. Zorabkit là thuốc gì?
Zorabkit là thuốc điều trị bệnh lý tiêu hóa, mỗi vỉ thuốc Zorabkit lưu hành trên thị trường chứa 6 viên thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, gồm có:
- 2 viên Rabeprazole Sodium 20mg;
- 2 viên Ornidazole 500mg;
- 2 viên Clarithromycin 500mg.
2. Dược lực học các thành phần của thuốc Zorabkit
2.1. Dược lực học của Rabeprazole
Cơ chế tác dụng của Rabeprazole sodium thông qua việc qua ức chế H+ (bơm proton), K+ - ATPase.
Thí nghiệm trên động vật cho thấy Rabeprazole ức chế tiết acid dạ dày ở thỏ được kích thích bởi dibutyl cyclic AMP có trong tuyến dạ dày. Cơ chế của Rabeprazole sodium trong việc ức chế tiết acid dạ dày còn được biểu hiện trong thí nghiệm ở chó mắc bệnh rò dạ dày mạn thông qua sự kích thích của histamin hoặc pentagastrin. Ở chuột, sự ức chế tiết acid dạ dày của Rabeprazole cũng nhờ kích thích bởi histamin, ngoài ra Rabeprazole còn thể hiện tác dụng chống loét mạnh đối với các tổn thương loét ở dạ dày của chuột trên thực nghiệm.
Rabeprazole sodium được chỉ định điều trị đối với loét tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison, hay bệnh lý hồi lưu dạ dày - thực quản.
2.2. Dược lực học của Ornidazole
Ornidazole là dẫn chất imidazol (tương tự như metronidazole), là một kháng sinh thuộc nhóm 5-nitroimidazole. Ornidazole có tác dụng đối với vi khuẩn kỵ khí bắt buộc (Bacteroides, Clostridium, Fusobacterium,...) và các động vật nguyên sinh.
Ornidazole chuyển hóa thành sản phẩm khử và hoạt động bằng cách phá vỡ cấu trúc xoắn của chuỗi DNA, ức chế tổng hợp DNA trong tế bào sau khi xâm nhập vào tế bào vi khuẩn.
Ornidazole được chỉ định để phòng và điều trị nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng đường tiêu hóa, điều trị abces (áp-xe) hay các nhiễm khuẩn kỵ khí khác như hoại thư sinh hơi, viêm cân mạc hoại tử.
2.3. Dược lực học của Clarithromycin
Clarithromycin là kháng sinh thuộc họ macrolid. In-vitro, Clarithromycin có phổ tác dụng rộng rãi trên nhiều chủng vi khuẩn hiếu khí hay kỵ khí, vi khuẩn gram dương hay gram âm, đặc biệt Clarithromycin có hoạt tính với hầu hết vi khuẩn Mycobacterium avium complex (MAC).
Bên cạnh đó, 14-OH clarithromycin - một chất chuyển hóa của Clarithromycin, cũng tham gia tích cực vào hoạt tính kháng khuẩn trên lâm sàng. 14-OH clarithromycin thể hiện tác dụng điều trị nhiễm khuẩn Haemophilus influenzae mạnh gấp 2 lần so với Clarithromycin.
Tuy nhiên, đã ghi nhận kháng chéo Clarithromycin ở những dòng vi khuẩn Staphylococcus kháng Methicillin và Oxacillin trước đó.
3. Công dụng của thuốc Zorabkit
Zorabkit được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:
- Loét dạ dày;
- Loét tá tràng;
- Loét miệng nối;
- Viêm thực quản hồi lưu;
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
4. Liều lượng và cách dùng thuốc Zorabkit
Thuốc Zorabkit là một sản phẩm phối hợp 3 loại thuốc khác nhau, bao gồm một loại thuốc ức chế bơm proton (Rabeprazole Sodium) và hai loại kháng sinh (Ornidazole và Clarithromycin). Sử dụng thuốc Zorabkit chỉ khi có sự chỉ định của bác sĩ, đó chính là lý do mà Zorabkit lưu hành trên thị trường dưới dạng thuốc kê đơn.
5. Tác dụng phụ của thuốc Zorabkit
Các tác dụng không mong muốn khi dùng Zorabkit có thể đến từ các loại thuốc trong bộ sản phẩm của thuốc: Rabeprazole, Ornidazole và Clarithromycin.
Khi uống Rabeprazole bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Toàn thân: Suy nhược, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, phản ứng dị ứng, nhạy cảm với ánh sáng.
- Tiêu hóa: Khô miệng, chán ăn, ợ hơi, rối loạn tiêu hóa, đi cầu phân đen, viêm loét miệng lưỡi, viêm thực quản, viêm đại tràng, viêm túi mật, viêm tụy,...
Các tác dụng phụ khi uống Zorabkit có thể đến từ Ornidazole, với các biểu hiện:
- Toàn thân: Ngủ gà, lú lẫn, mệt mỏi, phản ứng dị ứng.
- Thần kinh: Chóng mặt, đau đầu, run, co cứng, co giật, phối hợp kém, mất ý thức tạm thời, dấu hiệu bệnh lý thần kinh ngoại vi.
- Tiêu hóa: Rối loạn vị giác, nôn mửa, buồn nôn.
Clarithromycin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua khi sử dụng Zorabkit như:
- Tiêu hóa: Buồn nôn, đau bụng, rối loạn vị giác, tiêu chảy, khó tiêu.
- Thần kinh: Nhức đầu.
6. Chống chỉ định Zorabkit
Không dùng Zorabkit ở bệnh nhân quá mẫn với các thành phần của thuốc. Zorabkit cũng không dùng cho các bệnh nhân thuộc đối tượng chống chỉ định khác của Rabeprazole Sodium, Ornidazole và Clarithromycin.
- Những người quá mẫn với Rabeprazole hay các dẫn xuất của benzimidazole là đối tượng chống chỉ định của Zorabkit.
- Chống chỉ định sử dụng thuốc Zorabkit ở người mẫn cảm với Ornidazole hay các dẫn chất imidazol.
- Bệnh nhân mẫn cảm với Clarithromycin hay bất kì kháng sinh nào thuộc nhóm macrolid chống chỉ định dùng Zorabkit. Bệnh nhân đang sử dụng Terfenadin cũng chống chỉ định dùng chung với Zorabkit do Zorabkit chứa thành phần Clarithromycin, đặc biệt ở bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch như: loạn nhịp tim, nhịp tim chậm, kéo dài khoảng QT trên điện tim, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, hay rối loạn cân bằng điện giải.
7. Thận trọng khi dùng thuốc Zorabkit
- Trước khi bắt đầu điều trị loét dạ dày - tá tràng với Zorabkit, cần loại trừ bệnh lý ác tính tại dạ dày, tá tràng để điều trị kịp thời.
- Thận trọng khi dùng thuốc Zorabkit ở bệnh nhân suy gan.
- Lưu ý trên phụ nữ có thai, cho con bú: Không dùng thuốc ở phụ nữ đang mang thai hay phụ nữ cho con bú, trừ trường hợp thực sự cần thiết và có chỉ định của bác sĩ.
- Ornidazole có thể gây lú lẫn, ngủ gà, chóng mặt, mệt mỏi, do đó không nên lái xe, vận hành máy móc khi xuất hiện các triệu chứng này sau khi dùng thuốc. Trường hợp này cũng cần ngưng điều trị với Ornidazole.
Những thông tin cơ bản về thuốc Zorabkit trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.