Thuốc Zofran ODT được chỉ định trong các trường hợp giúp dự phòng và điều trị các triệu chứng buồn nôn và nôn do phẫu thuật, một số thuốc hóa trị ung thư hoặc xạ trị gây ra. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Zofran sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Zofran là thuốc gì?
Zofran chứa thành phần chính Ondansetron. Hoạt chất này hoạt động bằng cách ngăn chặn các chất tự nhiên của cơ thể gây nôn. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén hòa tan hoặc dung dịch.
2. Thuốc Zofran có tác dụng gì?
Thuốc Zofran được chỉ định dùng trong các trường hợp giúp ngăn ngừa triệu chứng buồn nôn và nôn như sau:
Ngoài ra, thuốc Zofran chống chỉ định trong các trường hợp:
- Người bệnh dị ứng với hoạt chất như Ondansetron hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
- Bệnh nhi dưới 4 tuổi.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Zofran
3.1. Cách dùng thuốc Zofran
Thuốc Zofran được bào chế ở dạng viên nén hoặc dung dịch, dùng bằng đường uống. Thuốc có thể được uống cùng hoặc không cùng với thức ăn. Nên lau khô tay trước khi lấy thuốc. Đối với dạng thuốc viên nén, hãy bóc lớp giấy bạc trên vỉ thuốc để lấy viên thuốc ra. Không nên đẩy viên thuốc qua lớp giấy bạc. Ngay sau khi lấy viên thuốc ra, đặt nó lên lưỡi. Để nó hòa tan hoàn toàn, sau đó nuốt bằng nước bọt, không nên nhai hay nuốt viên thuốc. Không cần phải uống cùng với nước, làm như vậy có thể làm tăng nguy cơ bị đau đầu.
Thời điểm sử dụng thuốc Zofran tùy thuộc vào mục đích sử dụng của thuốc như sau:
- Dùng để ngăn ngừa buồn nôn và nôn khi người bệnh thực hiện hóa trị liệu thì nên dùng thuốc này 30 phút trước khi bắt đầu điều trị.
- Dùng để ngăn ngừa buồn nôn và nôn khi người bệnh thực hiện bức xạ thì nên dùng thuốc này trước 1 đến 2 giờ.
- Để ngăn ngừa triệu chứng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc này 1 giờ trước khi bắt đầu gây mê toàn thân.
3.2. Liều dùng thuốc Zofran
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, liều dùng phù hợp cho mỗi người bệnh tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và đáp ứng của thuốc, vì vậy chỉ sử dụng thuốc theo đúng liều bác sĩ đã kê đơn.
Để ngăn ngừa buồn nôn và nôn vừa phải sau khi điều trị bằng thuốc trị ung thư:
- Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Bắt đầu dùng với liều 8mg 30 phút trước khi điều trị ung thư. Liều 8mg được uống lại 8 giờ sau liều đầu tiên. Sau đó, liều là 8mg cứ sau 12 giờ trong 1 đến 2 ngày.
- Trẻ em từ 4 đến 11 tuổi: Bắt đầu dùng với liều 4mg 30 phút trước khi bắt đầu điều trị ung thư. Liều 4mg được uống lại 4 và 8 giờ sau liều đầu tiên. Sau đó, liều lượng là 4mg cứ sau 8 giờ trong 1 đến 2 ngày.
Để ngăn ngừa buồn nôn và nôn nặng hơn sau khi điều trị bằng thuốc trị ung thư:
- Người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em trên 12 tuổi: Bắt đầu dùng với liều 24mg 30 phút trước khi bắt đầu điều trị ung thư.
- Trẻ em dưới 12 tuổi: Tùy chỉ định của bác sĩ và phải được theo dõi chặt chẽ khi dùng thuốc.
Để ngăn ngừa buồn nôn và nôn sau khi thực hiện xạ trị cho bệnh nhân ung thư:
- Người lớn: Bắt đầu dùng với liều 8mg từ 1 đến 2 giờ trước khi xạ trị. Sau đó, liều là 8mg cứ sau 8 giờ.
Để ngăn ngừa buồn nôn và nôn sau khi thực hiện các loại phẫu thuật:
- Người lớn: Dùng với liều 16 mg 1 giờ trước khi gây mê.
Không có điều chỉnh liều Zofran ODT cụ thể cho bệnh nhân lớn tuổi.
4. Tác dụng phụ của Zofran
Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Zofran, các bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét giữa lợi ích mà Zofran đem lại cho bệnh nhân và các tác dụng không mong muốn mà người bệnh có thể gặp phải. Cơ địa đáp ứng của mỗi người bệnh với thuốc này cũng là yếu tố nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ đã được báo cáo khi người bệnh dùng thuốc Zofran tùy thuộc vào mục đích sử dụng thuốc này cụ thể như sau:
Hóa trị liệu:
- Nhức đầu, buồn ngủ, mệt mỏi, táo bón và tiêu chảy.
Phóng xạ:
- Chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, suy nhược cơ thể và chóng mặt.
Sau phẫu thuật:
- Nhức đầu và giảm oxy máu.
Một tác dụng phụ khá nghiêm trọng khi sử dụng thuốc Zofran cần được chú ý là hội chứng Serotonin, đây là tình trạng nồng độ Serotonin tăng cao. Các triệu chứng cảnh báo hội chứng này như kích động, ảo giác, nhịp tim nhanh, chóng mặt, đổ mồ hôi hoặc đỏ bừng, cơ bắp co giật hoặc cứng nhắc, mất thăng bằng, co giật toàn toàn, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Trong quá trình dùng thuốc nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu bất thường như phát ban, nổi mề đay, sốt, ớn lạnh, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng, đau đầu kèm theo tức ngực, tim đập nhanh, vàng da, mờ mắt hoặc mất thị lực tạm thời (chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ) thì nên thông báo ngay với bác sĩ và đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Lưu ý: Trên đây là danh sách các tác dụng phụ đã được ghi nhận, có thể thuốc Zofran gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác. Theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện các triệu chứng bất thường trong quá trình dùng thuốc này.
5. Tương tác thuốc Zofran
Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng phối hợp giữa thuốc Zofran với các thuốc khác, ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc dùng phối hợp, cũng như có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc Zofran ODT có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim đặc biệt khi sử dụng phối hợp với các thuốc kháng sinh, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, thuốc chống loạn thần, thuốc trầm cảm, thuốc gây nghiện, thuốc chống buồn nôn và nôn, thuốc điều trị ung thư, sốt rét, HIV hoặc AIDS. Vì vậy, người bệnh hãy liệt kê tất cả các loại thuốc đang sử dụng trong quá trình điều trị bằng thuốc Zofran nhằm hạn chế những tương tác thuốc có hại.
6. Các lưu ý khi dùng thuốc Zofran
Trong quá trình dùng thuốc này người bệnh cần lưu ý các nội dung sau:
- Không nên chỉ định dùng thuốc Zofran nếu người bệnh đang điều trị bệnh Parkinson tiến triển bằng thuốc Apomorphine.
- Thận trọng khi dùng cho người bệnh mắc bệnh di truyền Phenylceton niệu vì trong thành phần của thuốc có chứa Phenylalanine.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh mắc bệnh gan, mất cân bằng điện giải (như nồng độ kali hoặc magie trong máu thấp), suy tim sung huyết, nhịp tim chậm, có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc hội chứng QT kéo dài, tắc nghẽn đường tiêu hóa ở dạ dày hoặc ruột.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Chưa có đầy đủ các nghiên cứu đảm bảo an toàn khi dùng thuốc Zofran cho nhóm đối tượng này. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích trong điều trị và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho thai nhi và trẻ bú mẹ để quyết định dùng thuốc. Vì vậy, không tự ý dùng thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Để đạt hiệu quả điều trị của thuốc, người bệnh nên tuân theo hướng dẫn cách dùng thuốc, những lưu ý sau khi đặt thuốc từ nhân viên y tế.
- Người bệnh không nên ngưng dùng thuốc mặc dù đã có các dấu hiệu cải thiện của tình trạng bệnh.
- Kiểm tra hạn dùng trên bao bì trước khi dùng thuốc, nhằm hạn chế sự biến chất của thuốc gây hại cho người bệnh.
- Thận trọng khi dùng thuốc Zofran ODT cho người bệnh khi điều khiển các phương tiện giao thông hoặc vận hành máy móc do thuốc có thể gây tác dụng phụ như nhức đầu và chóng mặt.
7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Zofran?
- Nếu lỡ quên một liều thuốc Zofran hãy uống ngay khi nhớ ra, trừ khi gần đến giờ dùng liều tiếp theo. Trong trường hợp đó, hãy bỏ qua liều đã quên và uống Zofran vào thời gian đã được chỉ định hàng ngày. Các thuốc thông thường có thể dùng muộn hơn 1 - 2 giờ so với thời gian theo lịch chỉ định, trừ khi có chỉ định đặt biệt về thời gian dùng thuốc. Tuyệt đối không dùng 2 liều đồng thời hoặc dùng thêm một liều để bù cho liều đã quên. Người bệnh có thể dùng hộp đựng thuốc hoặc đặt báo thức trên điện thoại hoặc đồng hồ để tránh việc quên dùng thuốc.
- Trường hợp người bệnh dùng uống quá liều thuốc đã chỉ định và xuất hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ có liên quan đến thuốc như mất thị lực đột ngột, táo bón nặng, cảm thấy choáng váng hoặc ngất xỉu thì ngưng dùng thuốc ngay lập tức, đưa người bệnh đến ngay bệnh viện nếu các triệu chứng tiến triển trầm trọng hơn để tiến hành điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ kịp thời.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Zofran, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Zofran là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn tham khảo: Rxlist.com, Verywellhealth.com