Thuốc Zitazonium thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư được chỉ định điều trị và dự phòng ung thư vú đã di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể. Vậy cơ chế tác động và những lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?
1. Zitazonium là thuốc gì?
Thuốc Zitazonium có thành phần chính là Tamoxifen - thuộc nhóm thuốc kháng estrogen không steroid tác dụng chống tế bào ung thư. Cơ chế tác động của thuốc là ức chế thụ thể estrogen nội sinh bằng cách cạnh tranh không cho estradiol gắn vào thụ thể estrogen của nó tại khối u ở tế bào mô tử cung, âm đạo, tuyến yên, tuyến vú,... Từ đó ngăn chặn sự phát triển nhân lên và di căn của các tế bào ung thư. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng phòng ngừa tái phát ung thư vú đã điều trị ổn định hoặc ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình mẹ, bà mắc ung thư vú.
Nghiên cứu lâm sàng, thuốc còn có tác dụng tích cực trong giảm nồng độ cholesterol toàn phần và LDL-Cholesterol; duy trì mật độ khoáng của xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Zitazonium hấp thu nhanh bằng đường uống, đạt nồng độ đỉnh trong máu sau khoảng 4-7 giờ. Sau khi vào hệ tuần hoàn thuốc liên kết chủ yếu với albumin huyết thanh, chuyển hóa ở gan bởi các isoenzym CYP34A, CYP2C9 và CYP2D6 của cytochrom P450 thành dạng hoạt động là N-desmethyltamoxifen; cuối cùng thải trừ qua phân, phần ít còn lại thải trừ qua nước tiểu.
2. Chỉ định của thuốc Zitazonium
Thuốc Zitazonium được chỉ định điều trị trong các trường hợp bệnh lý sau:
- Ung thư vú có phụ thuộc estrogen đã có di căn đến các cơ quan tổ chức khác trong cơ thể.
- Điều trị hỗ trợ, phòng ngừa tái phát ung thư vú đã điều trị ổn định.
- Kích thích phóng noãn ở phụ nữ vô sinh do chu kỳ kinh nguyệt không phóng noãn.
- Ung thư vú ở nam giới.
- Hội chứng Albright.
3. Chống chỉ định của thuốc Zitazonium
Các trường hợp không được sử dụng thuốc Zitazonium:
- Dị ứng với thành phần Tamoxifen hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân rối loạn chuyển hóa Porphyrin.
- Bệnh nhân đang điều trị với thuốc Anastrozole.
- Phụ nữ có thai không có chỉ định dùng thuốc Zitazonium do chưa chứng minh được tính an toàn của thuốc cho thai nhi.
- Khi dùng thuốc với mục đích điều trị vô sinh, chống chỉ định ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý thuyên tắc tĩnh mạch vô căn, tiền sử đột biến gen không rõ loại.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Zitazonium
- Thuốc Zitazonium có thể gây quái thai khi sử dụng cho phụ nữ đang mang thai. Cần kiểm tra loại trừ khả năng mang thai, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong suốt quá trình dùng thuốc.
- Chưa có bằng chứng thuốc có bài tiết vào sữa mẹ hay có an toàn cho trẻ em hay không. Vì vậy, không cho con bú khi sử dụng thuốc.
- Trong quá trình điều trị, phụ nữ tiền mãn kinh có thể bị mất kinh.
- Theo dõi các triệu chứng phụ khoa bất thường như rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết âm đạo, khí hư, đau nặng vùng chậu hông,... và báo ngay cho bác sĩ điều trị khi có biểu hiện khác thường.
- Đối với bệnh nhân có bệnh lý thuyên tắc tĩnh mạch do huyết khối, sử dụng Zitazonium có thể tăng nguy cơ thuyên tắc đặc biệt ở những đối tượng bệnh nhân thừa cân, bệnh nhân cao tuổi.
- Thận trọng ở những bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân phải nằm im một chỗ do thuốc làm tăng nguy cơ huyết khối.
- Theo dõi chức năng gan, các dòng tế bào máu trước và trong quá trình điều trị thuốc do nguy cơ suy giảm chức năng tế bào gan hay giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
4. Liều dùng và cách dùng thuốc Zitazonium
Cách dùng: Thuốc Zitazonium được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 10mg. Sử dụng bằng đường uống cho phụ nữ trưởng thành trên 18 tuổi. Người bệnh uống thuốc với 1 cốc nước lọc lớn, có thể dùng trước hoặc sau bữa ăn vào một khung giờ cố định trong ngày.
Liều dùng điều trị ung thư vú:
- Liều khuyến cáo: Uống 1 (20mg) viên x2 lần/ ngày.
- Liều tối đa: 4 viên (viên 10mg)/ngày.
Liều dùng điều trị vô sinh do chu kỳ kinh không phóng noãn:
- Chu kỳ kinh nguyệt đều, liều khởi đầu: 2 viên (viên 10mg)/ ngày, uống vào ngày 2,3,4,5 của vòng kinh. Kiểm tra chất nhầy cổ tử cung, nhiệt độ cơ thể khi phóng noãn để theo dõi hiệu quả điều trị. Liều tối đa: 4-8 viên (viên 10mg)/ ngày nếu không đạt hiệu quả điều trị.
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, liều khởi đầu: 2 viên (viên 10mg)/ ngày, uống vào ngày bắt đầu điều trị. Sau 45 ngày, nếu vẫn không có biểu hiện phóng noãn thì bắt đầu đợt điều trị thứ 2 với liều 4-8 viên (viên 10mg)/ ngày. Nếu có đáp ứng điều trị đợt tiếp theo vào ngày thứ 2 của vòng kinh.
Nếu quên một liều điều trị thì người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra, trường hợp gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều Zitazonium đã quên và uống tiếp theo đúng lịch trình. Nếu sử dụng liều cao gấp nhiều lần liều chỉ định có ghi nhận kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Cần lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng bệnh lý và đối tượng bệnh nhân bác sĩ sẽ có các chỉ định liều dùng khác nhau.
5. Tương tác thuốc của Zitazonium
Một số tương tác thuốc có thể gặp khi sử dụng Zitazonium:
- Các thuốc chống đông máu kháng vitamin K loại coumarin (Warfarin) có thể tăng tác dụng khi phối hợp với Zitazonium.
- Sử dụng phối hợp với các thuốc điều trị ung thư gây độc tế bào có thể tăng nguy cơ tắc mạch do huyết khối.
- Thuốc Bromocriptin làm tăng nồng độ của Zitazonium trong huyết thanh làm tăng độc tính trên gan.
- Allopurinol làm tăng độc tính trên gan khi dùng phối hợp với Zitazonium.
- Rifampicin, aminoglutethimide hay các thuốc cảm ứng enzym CYP3A4, các chất ức chế CYP2D6 làm giảm nồng độ của Zitazonium trong máu.
- Thuốc lá, rượu bia và các thực phẩm lên men có thể làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc, vì vậy hạn chế sử dụng trong suốt quá trình dùng thuốc.
- Thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang điều trị khi bắt đầu được chỉ định sử dụng Zitazonium để phòng ngừa các tương tác có thể xảy ra.
6. Tác dụng phụ của thuốc Zitazonium
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Zitazonium:
- Phản ứng dị ứng, ngứa, ban đỏ da, có thể nổi mày đay.
- Nóng phừng mặt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
- Trầm cảm, lú lẫn, co cơ.
- Tiết dịch âm đạo bất thường, khí hư, xuất huyết âm đạo, ngứa âm hộ, rối loạn kinh nguyệt.
- Tăng cân, xuất hiện cơn bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh.
- Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn.
- Rụng tóc.
- Zitazonium làm giảm ham muốn tình dục ở nam giới.
- Đau tăng hoặc tái phát đau ở các khối u hay xương.
- Phù mặt, phù tay chân do ứ dịch trong cơ thể.
- Hội chứng Steven- Johnson.
- Nổi bọng nước dị ứng dạng pemphigus.
- Tăng canxi máu, chuột rút ở bệnh nhân di căn xương.
- Giảm tiểu cầu có khi chỉ còn dưới 90.000/ mm3.
- Giảm các dòng bạch cầu.
- Bệnh lý võng mạc, bệnh lý ở giác mạc, rối loạn thị giác, tăng khả năng đục thủy tinh thể, viêm dây thần kinh thị giác.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, tăng sản và polyp nội mạc.
- Tăng nguy cơ hình thành huyết khối gây thuyên tắc mạch, tai biến mạch máu não.
- Rối loạn chỉ số men gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, ứ mật. Hiếm gặp hơn như viêm tụy, tăng triglycerid máu.
Như vậy, thuốc Zitazonium là thuốc kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa, chỉ định điều trị trong bệnh lý ung thư vú đã di căn đến các cơ quan tổ chức khác và hỗ trợ điều trị vô sinh ở phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không phóng noãn. Ngoài tác dụng điều trị, thuốc gây ra hàng loạt tác dụng không mong muốn, vì vậy người bệnh không tự ý sử dụng, tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng thuốc.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.