Zipsor là một loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, được chỉ định trong điều trị đau cơ, đau lưng, đau răng, đau bụng kinh, viêm khớp và chấn thương do tập luyện thể thao ở người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Zipsor là gì?
1. Zipsor là thuốc gì?
Zipsor là một loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) có hoạt chất chính là Diclofenac với hàm lượng 25mg. Viên nang Zipsor được sử dụng để điều trị các cơn đau cấp tính từ nhẹ đến trung bình ở người lớn và bệnh nhi từ 12 tuổi trở lên. Thuốc Zipsor được chỉ định trong điều trị đau nhức cơ, đau lưng, đau răng, đau bụng kinh, viêm khớp và chấn thương do tập luyện thể thao. Chống chỉ định sử dụng thuốc Zipsor ở bệnh nhân quá mẫn với Diclofenac, protein bò hoặc bất kỳ thành phần nào của công thức; bệnh nhân có tiền sử hen suyễn, mày đay hoặc các phản ứng dạng dị ứng khác sau khi dùng Aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác; trước hoặc sau phẫu thuật ghép động mạch vành.
2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Zipsor
2.1. Cách dùng
Uống thuốc Zipsor với một cốc nước đầy trừ khi bác sĩ hướng dẫn bạn cách khác. Không nằm xuống ít nhất 10 phút sau khi uống thuốc. Để ngăn ngừa đau dạ dày, hãy dùng thuốc này với thức ăn, sữa hoặc thuốc kháng axit.
2.2. Liều dùng
Liều lượng thuốc Zipsor dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đáp ứng với điều trị. Để giảm thiểu rủi ro tác dụng phụ chỉ nên sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Không tăng liều hoặc dùng thường xuyên hơn so với quy định. Đối với các tình trạng mãn tính như viêm khớp, bệnh nhân cần dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và đi tái khám định kỳ. Dưới đây là liều Zipsor tham khảo ở người lớn và trẻ em:
- Liều lượng để giảm đau ở người lớn: Uống 25mg/ lần, 4 lần một ngày
- Liều thông thường cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để giảm đau: Khuyến cáo uống 25 mg, 4 lần một ngày
3. Tác dụng phụ của thuốc Zipsor
Các tác dụng phụ của Zipsor có thể bao gồm:
- Khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón
- Nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, ù tai, nhìn mờ
- Ngứa, đổ mồ hôi, nghẹt mũi, viêm xoang, tăng huyết áp
- Sưng hoặc đau ở cánh tay hoặc chân
- Tăng creatinin huyết thanh, bất thường chức năng thận
- Rối loạn nhịp tim, suy tim, đỏ bừng, hạ huyết áp, đánh trống ngực, ngất, viêm mạch
- Rụng tóc, đốm đen, ban đỏ đa dạng, viêm da tróc vảy, nhạy cảm với ánh sáng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mày đay
- Tăng đường huyết, thay đổi cân nặng
- Viêm bàng quang, đái buốt, đái ra máu, thiểu niệu, protein niệu
- Mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, thiếu máu tán huyết, bệnh nổi hạch, bệnh ban xuất huyết, xuất huyết trực tràng, giảm tiểu cầu
- Viêm gan tối cấp, suy gan, hoại tử gan, viêm gan, vàng da
- Sốc phản vệ, phù mạch, suy nhược
Bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng với Zipsor (phát ban, khó thở, sưng mặt hoặc cổ họng) hoặc phản ứng da nghiêm trọng (sốt, đau họng, bỏng mắt, đau da, ban đỏ, phồng rộp và bong tróc).
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Zipsor là gì?
- Thuốc Zipsor có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Biến cố có thể xuất hiện sớm trong quá trình điều trị và tăng lên theo thời gian sử dụng. Nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để giảm nguy cơ biến cố tim mạch và có thể xem xét các liệu pháp thay thế cho những bệnh nhân có nguy cơ cao.
- Tăng huyết áp mới khởi phát hoặc đợt tăng huyết áp kịch phát có thể xảy ra góp phần vào các biến cố tim mạch. Vì vậy nên theo dõi huyết áp và thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp.
- Thuốc Zipsor có thể gây tăng nguy cơ viêm, loét, xuất huyết và thủng đường tiêu hóa nghiêm trọng. Do vậy bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng và/ hoặc xuất huyết tiêu hóa có nguy cơ mắc các biến cố tiêu hóa nghiêm trọng hơn.
- Thuốc Zipsor có thể gây giữ natri và nước. Do đó, thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân bị phù.
- Không nên sử dụng Zipsor nếu dị ứng với Diclofenac hoặc có phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi sử dụng aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác. Không sử dụng Zipsor nếu bạn bị dị ứng với thịt bò hoặc protein thịt bò.
- Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu có các bệnh lý bao gồm: Bệnh tim, huyết áp cao, hen suyễn, bệnh gan hoặc thận, đang hút thuốc lá.
- Sử dụng thuốc Zipsor có thể ảnh hưởng đến chức năng thận vì làm giảm tổng hợp prostaglandin, làm giảm lưu lượng máu đến thận, có thể gây mất bù ở thận (thường có thể hồi phục). Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, suy tim, suy gan, giảm thể tích tuần hoàn, mất nước, những người đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế men chuyển, bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ nhiễm độc thận cao hơn.
- Diclofenac có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng và bệnh nhân có thể khó mang thai hơn khi đang sử dụng thuốc này.
- Phụ nữ mang thai: Nếu đang mang thai, bệnh nhân không nên sử dụng Zipsor trừ khi bác sĩ yêu cầu. Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid vào cuối thai kỳ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như đóng ống động mạch sớm thai nhi.
- Phụ nữ đang cho con bú: Diclofenac hiện diện trong sữa mẹ. Nhà sản xuất khuyến cáo quyết định cho con bú cần cân nhắc nguy cơ và lợi ích của việc dùng thuốc. Nên tránh sử dụng NSAIDs cho bà mẹ nếu trẻ đang bú mẹ bị rối loạn chức năng tiểu cầu, giảm tiểu cầu.
5. Tương tác thuốc của thuốc Zipsor
Tương tác thuốc có thể thay đổi hoạt tính của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ. Bệnh nhân tốt nhất nên thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng (gồm thuốc kê toa/không kê toa và các sản phẩm thảo dược). Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng thuốc Zipsor:
- Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc Zipsor bao gồm Aliskiren, chất ức chế ACE (Captopril, Lisinopril), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (Losartan, Valsartan), Cidofovir, Lithium, Methotrexate, thuốc lợi tiểu (Furosemid), corticosteroid (chẳng hạn như Prednisone).
- Thuốc Zipsor có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng chung với các loại thuốc khác cũng có thể gây chảy máu, ví dụ thuốc chống kết tập tiểu cầu như clopidogrel, thuốc chống đông như enoxaparin, dabigatran và warfarin.
- Kiểm tra cẩn thận tất cả các nhãn thuốc theo toa và không theo toa vì nhiều loại thuốc có thể chứa hoạt chất giảm đau hạ sốt (như Aspirin, Celecoxib, Ibuprofen hoặc Ketorolac). Những loại thuốc này có tác dụng tương tự như Diclofenac và có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nếu dùng cùng nhau. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ định dùng Aspirin liều thấp để ngăn ngừa đau tim hoặc đột quỵ (thường là 81-162 miligam mỗi ngày), bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng thuốc Aspirin trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác.
Trên đây là những thông tin tổng quát về thuốc giảm đau kháng viêm Zipsor. Để đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả tối đa và giảm thiểu các tác dụng phụ, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.