Thuốc Zencombi có tác dụng làm giãn cơ phế quản, tăng lượng không khí ở những bệnh nhân có sự tắc nghẽn đường thở. Zencombi phối hợp giữa 2 loại thuốc theo cơ chế khác nhau nên có tác dụng hiệp đồng trong việc làm giãn cơ phế quản.
1. Công dụng thuốc Zencombi
Thuốc Zencombi được bào chế dưới dạng dịch dùng khí dung. Trong mỗi 2,5ml dung dịch chứa thành phần hoạt chất đó là Salbutamol (dưới dạng Salbutamol sulfat) 2,5mg; Ipratropium bromid 0.5mg.
Salbutamol là một chất có tác dụng cường beta giao cảm do tác động chọn lọc lên thụ thể beta của hệ adrenergic. Thuốc có tác dụng trên cơ trơn như giãn phế quản, giãn cơ tử cung. Tác dụng giãn cơ trơn tùy thuộc vào liều và đường dùng. Tác dụng này xảy ra thông qua hệ thống adenyl cyclase-AMP vòng, với việc thuốc gắn vào thụ thể beta-adrenergic tại màng tế bào gây ra sự biến đổi ATP thành AMP vòng làm hoạt hóa các chất protein kinase. Ðiều này dẫn đến sự phosphoryl hóa các protein và cuối cùng làm gia nồng độ tăng calci nội bào loại kết hợp, còn loại calci nội bào ion hóa bị giảm bớt gây ức chế liên kết sợi cơ actin-myosin ức chế quá trình co cơ. Do đó làm giãn cơ trơn. Salbutamol làm giãn cơ phế quản ở cả người bình thường lẫn bệnh nhân hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sau khi uống. Salbutamol có lẽ là chất có hiệu lực và mức độ an toàn cao nhất trong số các thuốc giãn phế quản loại giống giao cảm, nên nó thường được sử dụng.
Ipratropium bromid là một thuốc đối kháng với acetylcholin, có tác dụng ức chế đối giao cảm. Ipratropium là một chất đối kháng cạnh tranh không chọn lọc tại các thụ thể muscarin(M) trên đường hô hấp và các cơ quan khác. Thuốc làm giãn cơ trơn phế quản và tiểu phế quản. Ipratropium hít qua đường miệng có tác dụng gây giãn cơ trơn phế quản mà không gây ảnh hưởng đến sự bài tiết dịch nhầy ở niêm mạc phế quản, tác dụng rất ít đến bài tiết nước bọt, không làm giãn đồng tử, tăng nhãn áp hay kích thích hệ thần kinh trung ương.
Thuốc Zencombi phối hợp 2 thành phần có cơ chế tác động khác nhau, đều có công dụng giãn phế quản. Nhờ đó mà thuốc Zencombi công dụng trong việc điều trị co thắt phế quản có hồi phục liên quan đến bệnh tắc nghẽn đường thở, hen phế quản.
2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Zencombi
Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch khí dung. Nên cần có thiết bị khí dung riêng để làm cho dung dịch này thành các hạt nhỏ và có thể đi sâu vào trong đường hô hấp hơn. Lưu ý khi khí dung cần hít thở sâu và chậm bằng đường miệng để dung dịch đi vào đường hô hấp. Ngoài ra, sau khi dùng xong cần vệ sinh sạch sẽ đảm bảo tránh nhiễm khuẩn dụng cụ khí dung, rửa trước khi thực hiện.
Liều dùng:
- Người lớn và trẻ > 12 tuổi: Cơn co thắt phế quản cấp dùng với liều 1 ống đơn liều/lần, nếu cần có thể dùng 2 ống liều đơn.
- Liều dùng duy trì: Dùng 1 ống đơn liều mỗi lẫn và ngày khoảng 3 – 4 lần/ngày, mỗi liều cách nhau ít khoảng 4 giờ.
3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Zencombi
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc bao gồm:
- Nhức đầu, chóng mặt, bứt rứt, run cơ xương nhẹ.
- Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
Lưu ý khi dùng thuốc Zencombi
- Thuốc zencombi không dùng trong các trường hợp như mắc bệnh cơ tim tắc nghẽn phì đại, tình trạng loạn nhịp nhanh. Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc và tiền sử quá mẫn với atropin hay dẫn xuất.
- Nên dùng thuốc một cách thận trọng đối với bệnh nhân tim mạch (suy động mạch vành, loạn nhịp tim và tăng huyết áp); cường giáp; đái tháo đường.
- Phụ nữ mang thai: Dù không có bằng chứng thuốc có thể gây quái thai, nếu thật sự cần thiết, chỉ nên dùng thuốc khi đã cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ.
- Phụ nữ cho con bú: Chưa rõ thuốc Zencombi có được bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do khả năng sinh khối u của thuốc quan sát được trong các nghiên cứu trên động vật, cần phải quyết định nên ngưng cho con bú hoặc tiếp tục dùng thuốc.
- Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng với các loại thuốc sau dẫn chất xanthine, thuốc chẹn beta, IMAO, thuốc chống trầm cảm 3 vòng gây mê dạng hít.
- Thuốc này chỉ được dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Nếu sau khi dùng thuốc tại nhà nhưng tình trạng khó thở do co thắt phế quản không cải thiện, bạn cần ngừng thuốc và tới ngay cơ sở y tế.
Hy vọng, thông qua bài viết này bạn đã có những thông tin cơ bản về thuốc Zencombi. Luôn sử dụng thuốc dưới chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.