Thuốc Zandol có thành phần chính bao gồm Tramadol Hydrocholorid và Paracetamol. Zandol được sử dụng phổ biến trong điều trị các cơn đau mức độ từ nhẹ đến trung bình. Các thông tin cần thiết về thành phần, công dụng, liều dùng và những tác dụng phụ của thuốc Zandol sẽ giúp bệnh nhân và người nhà nâng cao kết quả điều trị.
1. Thuốc Zandol là thuốc gì?
Thuốc Zandol được bào chế dưới viên nén bao phim, với thành phần chính bao gồm:
Hoạt chất:
- Tramadol Hydrocholorid hàm lượng 37,5 mg.
- Paracetamol hàm lượng 375 mg.
Tá dược:
- Natri starch glycolat, Magnesi stearat, Avicel PHI01, Starch 1500, Povidon K30, Colloidal silicon dioxid A200, Hydroxypropyl methylcellulose 15cP, Hydroxypropyl methylcellulose 6cP, Talc, Titandioxid, Polyethylen glycol 6000, Màu Sicovit red, Màu Tartrazin lake vừa đủ 1 viên nén bao phim.
Trong đó:
Tramadol Hydrocholorid là thuốc giảm đau tổng hợp họ Opioid, có tác dụng giảm đau theo cơ chế trung ương, đồng thời có thể gây nghiện như Morphin. Tramadol Hydrocholorid làm giảm sự tái nhập Norepinephrin và Serotonin vào tế bào thông qua việc các chất gốc và chất chuyển hóa của Tramadol là O-desmethyltramadol (M1) gắn vào thụ thể μ của nơron thần kinh.
Paracetamol (Acetaminophen) thuộc nhóm thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs). Paracetamol là một chất chuyển hóa có hoạt tính của Phenacetin, tác động đến Cyclooxygenase - Prostaglandin của hệ thần kinh trung ương gây giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên, từ đó giúp cơ thể tỏa nhiệt và hạ nhiệt. Tuy nhiên, cơ chế giảm đau trung ương của Paracetamol còn chưa được xác định chính xác.
2. Thuốc Zandol chữa bệnh gì?
Thuốc Zandol được chỉ định điều trị các triệu chứng đau mức độ từ nhẹ đến trung bình gặp trong đau đầu hoặc đau nửa đầu, đau cơ xương khớp, đau răng gặp trong các bệnh lý nha khoa, đau bụng kinh, thống kinh, đau sau phẫu thuật, thủ thuật hoặc đau sau chấn thương...
3. Chống chỉ định của thuốc Zandol
- Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Zandol.
- Tiền sử quá mẫn với các thuốc khác có chứa Tramadol Hydrocholorid hay Paracetamol.
- Tiền sử quá mẫn với các thuốc kháng viêm nhóm NSAIDs hay Opioid khác.
- Người bệnh thiếu hụt men Glucose 6 Phosphat Dehydrogenase - G6PD.
- Người bệnh đang điều trị bằng thuốc ức chế Monoamin Oxydase - MAO.
- Người có tiền sử ngộ độc rượu, chất ma túy, thuốc ngủ, thuốc giảm đau trung ương và các thuốc hướng thần.
- Suy hô hấp nặng.
- Người suy chức năng gan hay chức năng thận nặng.
- Trẻ em dưới 12 tuổi.
4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Zandol
Người lớn:
- Liều: Uống 1 - 2 viên/lần mỗi 6 giờ nếu không đỡ triệu chứng. Liều tối đa không quá 8 viên trong một ngày.
Trẻ em:
- Khuyến cáo sử dụng các thuốc Zandol.
Người suy giảm chức năng thận:
Điều chỉnh liều dựa trên hệ số thanh thải Creatinine (CrCl):
- CrCl < 30 ml/phút: Uống không quá 2 viên mỗi 12 giờ.
Lưu ý: Thuốc Zandol được dùng sau bữa ăn.
5. Lưu ý khi sử dụng Zandol
5.1 Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Zandol
Điều trị bằng thuốc Zandol với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ và buồn nôn.
- Ít gặp: Rối loạn tiêu hóa như khô miệng, chán ăn, đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, suy nhược cơ thể, đau đầu và mệt mỏi.
- Hiếm gặp: Triệu chứng tim mạch như loạn nhịp tim, đánh trống ngực, đau ngực, tăng hoặc tụt huyết áp. Các rối loạn thần kinh như co giật, căng cơ, đau nửa đầu, ù tai và giảm tầm nhìn. Xuất huyết tiêu hóa trên hoặc dưới, suy giảm chức năng gan. Hội chứng cai thuốc, trầm cảm, giảm cân, khó thở, rối loạn tiểu tiện, thiếu máu, rét run và ngất. Hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Serotonin, hội chứng Lyell và viêm da biểu bì hoại tử nhiễm độc. Phản ứng dị ứng và sốc phản vệ. Các rối loạn về máu như giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm hồng cầu và giảm tiểu cầu.
Nên ngưng dùng thuốc ngay khi phát hiện những tác dụng phụ trên hoặc bất kỳ các triệu chứng bất thường khác sau khi sử dụng Zandol. Đồng thời bệnh nhân và người nhà nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
5.2 Lưu ý sử dụng thuốc Zandol ở các đối tượng
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Zandol ở người lớn tuổi và trẻ em dưới 12 tuổi.
- Những bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh động kinh, co giật, suy hô hấp cấp, suy chức năng gan thận nặng.
- Phụ nữ có thai hay đang cho con bú: Các nghiên cứu thực tiễn chưa xác định được tính an toàn của Tramadol Hydrocholorid hay Paracetamol khi dùng trên phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú. Vì thế, cần thận trọng khi quyết định sử dụng thuốc Zandol trên những đối tượng này.
- Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có thể gặp những triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt hoặc buồn ngủ sau khi sử dụng thuốc Zandol.
6. Tương tác thuốc Zandol
6.1 Tương tác với các thuốc khác
Liên quan đến Tramadol Hydrocholorid:
- Các thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin (SSRI), hợp chất 3 vòng (TCA), các Opioid khác, IMAO, thuốc an thần, Naloxon khi dùng chung với Zandol có thể làm tăng nguy cơ co giật.
- Carbamazepin, Fluoxetin, Amytriptylin, Paroxetin làm giảm chuyển hóa Tramadol Hydrocholorid và giảm tác dụng giảm đau của thuốc Zandol.
- Quinidin làm tăng hàm lượng của hoạt chất Tramadol Hydrocholorid trong thuốc Zandol.
- Dùng chung Warfarin và Zandol có thể làm rối loạn chức năng đông máu, làm tăng nguy cơ chảy máu.
Liên quan đến Paracetamol:
- Tránh dùng chung thuốc Zandol và Coumarin hoặc dẫn chất Indandion vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Thận trọng khi sử dụng Zandol kết hợp với thuốc Phenothiazin hoặc các liệu pháp hạ nhiệt khác vì có thể gây giảm thân nhiệt không kiểm soát.
- Phenytoin, Barbiturate, Isoniazid và Carbamazepin làm tăng độc tính trên gan của Zandol.
Tương tác với các loại đồ uống
- Tránh sử dụng thuốc Zandol trên bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu hay người sử dụng nhiều rượu bia vì có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan.
Trên đây là thông tin cơ bản và những tác dụng không mong muốn của thuốc Zandol. Nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất bản thân và gia đình, trước khi sử dụng thuốc Zandol, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.