Thuốc Vihacaps có thành phần chính là Phospholipid đậu nành hàm lượng 600mg, được sử dụng phổ biến trong điều trị các triệu chứng chán ăn, đau hạ sườn phải do kém dinh dưỡng, viêm gan mạn tính,... Tìm hiểu các thông tin khái quát như thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Vihacaps sẽ giúp cho bệnh nhân nâng cao hiệu quả điều trị.
1. Vihacaps là thuốc gì?
Thuốc Vihacaps được bào chế dưới viên nang mềm, với thành phần chính bao gồm:
- Hoạt chất: Phospholipid đậu nành hàm lượng 600mg.
- Tá dược: Glycerin, Natri benzoat, Gelatin, Nước cất, Titanium dioxide E172 vừa đủ 1 viên nang mềm 600mg.
Phospholipid đậu nành được hấp thu tại ruột non và phân bố nhanh chóng vào các mô trong cơ thể. Hoạt chất này có tác dụng bảo vệ gan dưới ảnh hưởng của các tác nhân như Paracetamol, Ethanol, Tetraclorua cacbon, Cồn alkyl, Galactosamin,... Trong các trường hợp tiếp xúc với các nhân gây hại cho gan trong thời gian dài, Phospholipid đậu nành có tác dụng ức chế gan nhiễm mỡ và giảm xơ hóa thông qua tổng hợp Collagen bị ức chế, tăng tốc sự tái sinh và ổn định màng, đồng thời ức chế sự Peroxid hóa.
2. Thuốc Vihacaps có tác dụng gì?
Thuốc Vihacaps có tác dụng điều trị các triệu chứng chán ăn, tổn thương gan do nhiễm độc hay do dinh dưỡng, viêm gan, đau hạ sườn phải, viêm gan mạn tính,...
Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, thuốc Vihacaps không được phép kê đơn:
- Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Vihacaps.
- Tiền sử dị ứng với các thuốc khác có chứa hoạt chất Phospholipid đậu nành.
- Tiền sử dị ứng với đậu nành hoặc các loại thức ăn chứa đậu nành.
- Trẻ em < 12 tuổi.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Vihacaps
3.1. Liều dùng
Người lớn hay trẻ em ≥ 12 tuổi:
- Liều khuyến cáo: Uống 1 viên (600 mg)/ lần x 3 lần/ ngày.
Người lớn tuổi hay suy giảm chức năng thận: Không cần chỉnh liều.
3.2. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vihacaps
- Sử dụng thuốc Vihacaps trong bữa ăn, uống với nhiều nước.
- Không nên nhai hoặc bẻ thuốc khi uống.
- Thuốc được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc hay tăng giảm liều.
4. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Vihacaps
Vihacaps chứa hoạt chất được sản xuất từ đậu nành tự nhiên nên thường ít xảy ra các tác dụng phụ khi sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Vihacaps với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Hiếm gặp: Rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy, phân mềm hoặc khó chịu dạ dày.
- Rất hiếm gặp: Phản ứng dị ứng như nổi mày đay, phù nhẹ, ngứa, phát ban da, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Nên ngừng thuốc khi phát hiện các tác dụng phụ trên hoặc các triệu chứng bất thường khác sau khi uống thuốc Vihacaps, đồng thời nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị về việc sử dụng thuốc Vihacaps hay đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí kịp thời.
Lưu ý sử dụng thuốc Vihacaps ở các đối tượng
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Vihacaps ở những người bị suy giảm chức năng thận nặng, người có tiền sử dị ứng với các loại thực phẩm họ đậu.
- Tránh sử dụng thuốc Vihacaps ở trẻ em dưới 12 tuổi vì những nghiên cứu về tính an toàn khi sử dụng thuốc trên đối tượng này vẫn còn hạn chế.
- Phụ nữ có thai: Các dữ liệu về tác động có hại của Phospholipid đậu nành có trong thuốc Vihacaps trên phụ nữ mang thai còn khá hạn chế. Vì thế, chỉ sử dụng thuốc Vihacaps trên đối tượng này khi thật sự cần thiết.
- Phụ nữ đang cho con bú: Chưa có những báo cáo tin cậy về việc liệu Phospholipid đậu nành đi qua sữa mẹ hay không. Vì thế, chỉ sử dụng thuốc Vihacaps trên đối tượng này trong trường hợp lợi ích mang lại vượt trội tác dụng có hại.
- Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường ít gặp phải những tác dụng phụ sau khi dùng thuốc Vihacaps.
6. Tương tác thuốc Vihacaps
Tương tác với các thuốc khác:
- Sử dụng thuốc Vihacaps có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu, vì thế cần chú ý theo dõi chức năng đông máu khi quyết định sử dụng kết hợp hai thuốc.
- Chưa có nhiều báo cáo về tương tác của thuốc Vihacaps với các thuốc khác.
Tương tác với thực phẩm:
- Tránh sử dụng rượu bia khi đang dùng thuốc Vihacaps vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Vihacaps. Bệnh nhân và người thân nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng có trên bao bì sản phẩm Vihacaps đồng thời tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ để có được kết quả điều trị tốt nhất.