Thuốc Vialexin 500 thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Vậy Vialexin 500 là thuốc gì và được sử dụng trong trường hợp nào?
1. Tác dụng của thuốc Vialexin 500
Thuốc Vialexin 500 có thành phần chính chứa hoạt chất Cephalexin có hàm lượng 500mg. Vialexin 500 có phổ tác dụng trung bình, tác dụng lên các vi khuẩn gram dương như liên cầu, tụ cầu, phế cầu trừ liên cầu đề kháng Methicillin. Tác dụng trên một số vi khuẩn gram âm như E. coli, Proteus mirabilis, Klebsiella pneumoniae và Shigella. Ngoài ra còn có các chủng khác như: các Enterobacter, Bacteroid, Enterococcus, ...
Thuốc Vialexin 500 được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Sử dụng trong nhiễm khuẩn đường hô hấp như: giãn phế quản có bội nhiễm, viêm phế quản cấp tính và mãn tính.
- Điều trị trong nhiễm khuẩn tai mũi họng: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm xương chủm, viêm họng.
- Điều trị nhiễm trùng đường tiểu: viêm bàng quang, viêm bể thận cấp tính và mãn tính, viêm tuyến tiền liệt và dự phòng trong nhiễm khuẩn đường niệu tái phát.
- Chỉ định sử dụng cho bệnh nhân có nhiễm khuẩn sản và phụ khoa, mô mềm, da và xương, bệnh giang mai và lậu (khi bệnh nhân đã sử dụng Penicilline nhưng không phù hợp), thay thế tạm thời điều trị phòng ngừa với kháng sinh Penicillin cho bệnh nhân trong nha khoa bị mắc bệnh tim và phải điều trị răng. Ngoài ra còn sử dụng để điều trị do nhiễm trùng do một số vi khuẩn gram dương và gram âm khác.
Không sử dụng cho bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc Vialexin 500, hoạt chất Cephalexin (các kháng sinh nhóm Cephalosporin). Các bệnh nhân đã từng có tiền sử sốc phản vệ do sử dụng Penicillin hoặc các phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Vialexin 500
2.1. Cách dùng
Thuốc Vialexin 500 được sử dụng bằng đường uống, nên uống lúc đói và tốt nhất là khoảng 1 giờ trước khi ăn.
2.2. Liều dùng
Nhận thấy đa số các trường hợp nhiễm trùng ở người lớn sẽ đáp ứng với liều uống 1 đến 2g Vialexin 500 trong 1 ngày, chia làm nhiều lần dùng. Đối với hầu hết các nhiễm trùng, có thể sử dụng theo các liều như sau:
Đối với người lớn:
- Dùng liều mỗi ngày 3 lần, 1 lần 500mg.
- Trong trường hợp có nhiễm trùng nặng hoặc khu trú sâu, đặc biệt vi khuẩn kém nhạy cảm, cần thực hiện tăng liều dùng 1g x ngày 3 lần hoặc 1,5g x ngày 4 lần.
- Để dự phòng trong nhiễm trùng đường tiểu tái phát, có thể dùng liều khuyến cáo 125mg vào mỗi bữa tối và trong liên tục vài tháng.
- Nếu đang trong quá trình điều trị thẩm phân từng đợt thì nên dùng 500mg Vialexin 500 sau mỗi đợt thẩm phân, tổng liều tối đa vào ngày đó là 1g.
Đối với trẻ em:
- Đối với các đối tượng là trẻ em, nên tính toán liều sử dụng dựa vào trọng lượng cơ thể đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Các khuyến cáo có thể dựa trên liều lượng 25 đến 60 mg/kg cân nặng/ ngày.
- Đối với các trường hợp trẻ có nhiễm trùng mãn tính hay nhiễm trùng trầm trọng, khu trú sâu, liều sử dụng nên tăng đến 100 mg/ kg cân nặng/ ngày và dùng tối đa trong 4 ngày.
- Trẻ em trên 12 tuổi: dùng mỗi ngày 3 lần, 1 lần 500mg.
- Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi: ngày 3 lần, 1 lần 250mg.
- Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi: ngày 3 lần, 1 lần 125mg.
- Trẻ em < 1 tuổi: ngày 2 lần, 1 lần 125mg.
- Khi trẻ đang được điều trị thẩm phân từng đợt, thì nên bổ sung Vialexin 500 với liều 8 mg/ kg cân nặng.
Chú ý: Trong hầu hết các nhiễm trùng cấp tính, khi các triệu chứng giảm bớt và các dấu hiệu trở lại bình thường, người bệnh nên được tiếp tục điều trị thêm ít nhất là 2 ngày với Vialexin 500.
Nhưng trong giang mai phức tạp và các nhiễm trùng đường niệu thể tái phát hay mãn tính thì nên điều trị trong 2 tuần, ngày 4 lần, 1 lần 500mg. Tuy cho đến thời điểm hiện tại Cephalexin chưa thấy có độc tính trên thận, tuy nhiên Cephalexin lại được đào thải chủ yếu qua thận có thể gây ra sự tích tụ không cần thiết khi chức năng thận bị giảm đi hơn một nửa so với bình thường. Khuyến cáo liều lượng tối đa giảm cho phù hợp ở những đối tượng này là ngày 4g cho trẻ em và 6g cho người lớn.
3. Tương tác thuốc Vialexin 500
- Việc sử dụng chung Vialexin 500 liều cao với thuốc lợi tiểu mạnh hay Aminoglycoside có thể ảnh hưởng đến chức năng thận của người bệnh.
- Khi bệnh nhân có sử dụng thuốc tránh thai, Vialexin 500 có thể là giảm tác dụng của oestrogen trong thuốc dẫn đến giảm hiệu quả tránh thai.
- Cholestyramin và Cephalexin khi được sử dụng cùng lúc, chúng sẽ gắn với nhau ở ruột nên làm giảm sự hấp thu của nhau.
- Đối với Cephalexin nồng độ trong huyết thanh và thời gian bán thải tăng lên đồng thời sự bài tiết qua thận bị giảm khi dùng chung Vialexin 500 với Probenecid.
- Tác dụng của Metformin tăng lên, tuy nhiên hiệu lực của vaccine thương hàn bị giảm xuống khi dùng chung với thuốc Vialexin 500.
- Các tác nhân gây uric niệu làm tăng tác dụng của Cephalexin trong Vialexin 500.
4. Tác dụng không mong muốn
- Khi bệnh nhân sử dụng Vialexin 500, có thể gặp phải các tác dụng phụ như: rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, chứng khó tiêu, đau bụng, khó chịu thượng vị), ít khi có phản ứng dị ứng, phù mạch, tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu trung tính có hồi phục, phản ứng phản vệ, viêm đại tràng giả mạc, bội nhiễm, mề đay, nổi ban do thuốc...
- Trên trẻ nhỏ khi dùng Vialexin 500 có thể thay đổi hành vi tập tính, điếc tai, chóng mặt, ù tai.
- Như những kháng sinh phổ rộng khác, Vialexin 500 có thể gây tăng trưởng đối với vi khuẩn cộng sinh gây ngứa âm hộ, viêm âm đạo, bệnh Candida sinh dục.
5. Chú ý khi sử dụng Vialexin 500
- Bệnh nhân bị suy thận, cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân và giảm liều điều trị.
- Gây ra tình trạng bội nhiễm các chủng vi khuẩn không nhạy cảm khi sử dụng thuốc dài ngày, ngoài ra cần phải kiểm tra chức năng gan và thận, chức năng tạo máu của bệnh nhân.
- Thận trọng trong bệnh nhân bị viêm đại tràng hoặc các bệnh nhân có tiền sử bệnh dạ dày – ruột.
- Thận trọng sử dụng trên đối tượng là phụ nữ mang thai và đang cho con bú vì tính an toàn chưa được thiết lập, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết, cân nhắc giữa lợi ích điều trị và tác dụng bất lợi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.