Vacocal-D là thuốc kê đơn, được dùng trong các trường hợp hạ calci huyết, chế độ ăn thiếu calci, bổ sung trong các giai đoạn có thể cần nhiều calci như mang thai, cho con bú và tăng trưởng.
1. Thuốc Vacocal-D có tác dụng gì?
1.1. Vacocal-D là thuốc gì?
Vacocal-D thuộc nhóm thuốc tân dược, có số đăng ký VD-17628-12, do Công ty cổ phần dược Vacopharm – Việt Nam sản xuất.
Thuốc Vacocal-D bao gồm các thành phần:
- Calci gluconat hàm lượng 500mg.
- Vitamin D3 200UI.
- Tá dược: Lactose, Tinh bột sắn, Magnesi stearat, Polyvinyl pyrrolidon, bột Talc, Natri starch glycolat, Hydroxypropyl methylcellulose, Titan dioxyd, Brilliant blue, Ethanol 96%.
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, đóng gói dưới dạng 10 viên 1 vỉ, hộp 10 vỉ. Ngoài ra, còn có dạng lọ 60 viên, 100 viên, 200 viên, 500 viên và 1000 viên.
Thuốc Vacocal-D khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành và trẻ em nhưng cần có sự kê đơn chỉ định của bác sĩ.
1.2. Thuốc Vacocal-D chữa bệnh gì?
- Thành phần Calci gluconat dùng để điều trị hạ calci huyết mãn tính và thiếu calci.
- Thành phần Vitamin D3 (colecalciferol) có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị còi xương.
Thuốc Vacocal-D được kê đơn sử dụng trong các trường hợp:
- Hạ calci huyết.
- Chế độ ăn thiếu calci.
- Bổ sung calci trong thời kỳ: Tăng trưởng, phụ nữ mang thai, cho con bú, người cao tuổi.
- Tăng kali huyết, magnesi huyết.
Chống chỉ định:
Chống chỉ định dùng thuốc Vacocal-D trong trường hợp:
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Calci gluconat, Vitamin D3 hay bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc Vacocal-D.
- Nhiễm độc Vitamin D.
- Rung thất trong hồi sức tim, bệnh tim và bệnh thận.
- Tăng calci huyết, u ác tính phá hủy xương, calci niệu nặng và loãng xương do bất động.
- Người bệnh đang dùng digitalis (vì nguy cơ ngộ độc digitalis).
2. Cách sử dụng của Vacocal-D
2.1. Cách dùng thuốc Vacocal-D
- Thuốc Vacocal-D dùng đường uống.
- Uống thuốc Vacocal-D với 1 lượng nước lọc vừa đủ. Người bệnh uống thuốc cách 1 đến 1 giờ 30 phút sau bữa ăn..
- Khi uống thuốc Vacocal-D chú ý không được nghiền, nhai, bẻ viên thuốc.
- Không trộn chung thuốc Vacocal-D với bất kỳ hỗn hợp nào khác.
2.2. Liều dùng của thuốc Vacocal-D
- Người lớn: 1 viên/ lần, ngày 2-3 lần.
- Trẻ em: Tuân theo sự chỉ dẫn của Thầy thuốc.
Xử lý khi quên liều:
- Cần uống Vacocal-D ngay khi nhớ ra, nếu gần đến liều sau thì bỏ qua liều quên và tiếp tục dùng thuốc như bình thường, không dùng bù liều vào lần dùng sau.
Xử trí khi quá liều:
- Dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ngộ độc vitamin D là tăng calci máu. Nồng độ calci máu vượt quá 2,6 mmol/ lít (10,5 mg/ 100ml) được coi là tăng calci máu. Biểu hiện: Yếu, mệt, ngủ gà, đau đầu, chán ăn, miệng khô, vị kim loại, buồn nôn, nôn, chuột rút ở bụng, táo bón, tiêu chảy, chóng mặt, ù tai, ngoại ban, đau cơ, đau xương và dễ bị kích thích.
Xử trí:
- Bù dịch bằng truyền tĩnh mạch natri clorid 0,9%. Theo dõi nồng độ kali và magnesi trong máu và thế máu sớm để đề phòng biến chứng trong điều trị.
- Điều trị nhiễm độc vitamin D3: Ngừng thuốc, ngừng bổ sung calci, duy trì khẩu phần ăn có ít calci, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Nếu cần, dùng corticosteroid hoặc thuốc lợi tiểu tăng thải calci như furosemid và acid ethacrynic để giảm nồng độ calci trong huyết thanh.
- Nếu ngộ độc vitamin D cấp, vừa mới uống: Tiến hành gây nôn hoặc rửa dạ dày. Nếu thuốc đã qua dạ dày, điều trị bằng dầu khoáng có thể thúc đẩy thải trừ vitamin D qua phân.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Vacocal-D
- Suy hô hấp hoặc nhiễm toan máu, tăng calci huyết có thể xảy ra khi chức năng thận giảm. Bởi vậy, cần thường xuyên kiểm tra calci huyết, tránh nhiễm toan chuyển hóa (chỉ dùng 2 – 3 ngày sau đó chuyển sang dùng các muối calci khác).
- Người bị Sarcoidosis hoặc thiểu năng cận giáp (có thể gây tăng nhạy cảm với vitamin D),suy chức năng thận, bệnh tim, sỏi thận và xơ vữa động mạch cần thận trọng khi dùng thuốc Vacocal-D.
- Phụ nữ có thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc Vacocal-D.
4. Tác dụng phụ của thuốc Vacocal-D
Ở liều điều trị, thuốc Vacocal-D được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Vacocal-D, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như: Hạ huyết áp (chóng mặt), giãn mạch ngoại vi, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn, đỏ da, nổi ban, đau hoặc nóng nơi tiêm, cảm giác ngứa buốt, đỏ bừng, có cảm giác ấm lên, nóng, vã mồ hôi, loạn nhịp, rối loạn chức năng tim cấp, mệt, ngủ gà, đau đầu, chán ăn, khô miệng, vị kim loại, buồn nôn, nôn, chuột rút ở bụng, táo bón, ỉa chảy, chóng mặt và dễ bị kích thích.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Vacocal-D và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
5. Tương tác thuốc Vacocal-D
Vacocal-D có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với: Các thiazid, ciprofloxacin, clopamid, chlorthalidon, thuốc chống co giật, doxycyclin, metacyclin, demeclocyclin, minocyclin, oxytetracyclin, enoxacin, fleroxacin, tetracyclin, levofloxacin, lomefloxacin, norfloxacin, pefloxacin, ofloxacin, sắt, kẽm, glycosid digitalis, Phenytoin, Glucocorticoid, Phosphat, natri sulfat, calcitonin, furosemid, cholestyramin, magnesi, estrogen, corticosteroid, thuốc lợi tiểu thiazid, phenobarbital và/hoặc phenytoin.
Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Vacocal-D thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Vacocal-D phù hợp.
6. Cách bảo quản thuốc Vacocal-D
- Thời gian bảo quản thuốc Vacocal-D là 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
- Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không quá 30°C, trong bao bì gốc và tránh ánh sáng.
- Để xa tầm tay trẻ em.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Vacocal-D, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Vacocal-D điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.