Thuốc Turbezid thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh Lao. Thuốc Turbezid có ba thành phần hoạt chất chính là Rifampicin, Isoniazid và Pyrazinamid. Đây là loại thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, thích hợp sử dụng thuốc theo đường uống.
1. Thuốc Turbezid là thuốc gì?
Thuốc Turbezid có thành phần hoạt chất chính là Rifampicin với hàm lượng 150mg, hoạt chất Isoniazid với hàm lượng 75mg, hoạt chất Pyrazinamid với hàm lượng 400 mg và các tá dược với lượng vừa đủ 1 viên. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Quy cách đóng hộp là hộp gồm 3 vỉ, mỗi vỉ chứa 12 viên.
Tác dụng của từng dược chất có trong thuốc Turbezid:
- Rifampicin: Rifampicin là một dẫn chất kháng sinh bán tổng hợp của thuốc Rifampicin B. Rifampicin có hoạt tính với những loại vi khuẩn thuộc chủng Mycobacterium đặc biệt là vi khuẩn lao, phong và Mycobacterium khác như M. bovis, M. avium. Ngoài ra, hoạt chất Rifampicin không kháng chéo với các kháng sinh và các thuốc trị lao khác. Rifampicin ức chế hoạt tính enzyme tổng hợp ARN phụ thuộc ADN của vi khuẩn Mycobacterium và các vi khuẩn khác theo phương thức tạo phức bền vững thuốc – enzyme.
- Isoniazid: Isoniazid là một trong những loại thuốc hóa học đầu tiên được chọn trong điều trị bệnh lý lao. Thuốc đặc hiệu cao, có tác dụng chống lại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis và các Mycobacterium không điển hình khác như M. bovis, M. kansasii. Isoniazid có tác dụng diệt khuẩn phụ thuộc vào nồng độ thuốc ở vị trí tổn thương và mức độ nhạy cảm của vi khuẩn.
- Pyrazinamid: Pyrazinamid là một thuốc trong đa hóa trị liệu chống lao, chủ yếu sử dụng trong 8 tuần đầu của hóa trị liệu ngắn ngày. Hoạt chất Pyrazinamid có tác dụng diệt trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) nhưng không có tác dụng với các Mycobacterium khác hoặc các vi khuẩn khác trên in vitro. Khả năng đáp ứng viêm ban đầu với hóa trị liệu làm tăng số vi khuẩn trong môi trường acid. Khi đáp ứng viêm giảm và pH tăng thì hoạt tính diệt khuẩn của hoạt chất Pyrazinamid giảm. Công dụng của hoạt chất còn phụ thuộc vào pH giải thích hiệu lực lâm sàng của thuốc trong giai đoạn 8 tuần đầu hóa trị liệu ngắn ngày. Trực khuẩn lao kháng thuốc nhanh khi dùng thuốc Pyrazinamide đơn độc
2. Thuốc Turbezid chữa bệnh gì?
Thuốc Turbezid công dụng điều trị các dạng lao phổi và lao ngoài phổi ở người lớn.
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Turbezid
Liều dùng thuốc Turbezid phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể của từng người cụ thể:
- Đối với người dưới 50kg: sử dụng 3 viên/ngày.
- Đối với người trên 50kg : sử dụng 4 viên/ngày.
- Uống thuốc Turbezid một lần vào buổi sáng, lúc đói.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Turbezid
Trong quá trình sử dụng thuốc Turbezid, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:
- Rifampicin: Thuốc có khả năng dung nạp tốt. Tác dụng không mong muốn của hoạt chất như tăng men gan không có triệu chứng có thể xảy ra ở những tuần đầu điều trị và không có ý nghĩa về lâm sàng. Nồng độ men gan trở lại bình thường khi ngừng điều trị với Rifampicin hoặc khi vẫn tiếp tục dùng thuốc. Tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng hiếm gặp là viêm gan hoặc vàng da hay hội chứng bệnh tương tự cúm ở những người tiếp tục điều trị với thuốc sau một thời gian ngừng điều trị thuốc tạm thời. Trong trường hợp này, người sử dụng có thể bị giảm tiểu cầu, thiếu máu do tan huyết, sốc hay suy thận cấp tính.
- Isoniazid: Thông thường thuốc cũng có khả năng dung nạp tốt. Hiện tượng suy thoái dây thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở những phụ nữ mang thai, suy dinh dưỡng, người nghiện rượu và người bị tiểu đường. Viêm gan tuy không phổ biến nhưng là phản ứng không mong muốn nghiêm trọng và phải ngừng ngay việc điều trị. Sự tăng đột ngột nồng độ men gan ở thời gian đầu điều trị không có nhiều ý nghĩa về mặt lâm sàng.
- Pyrazinamid: Thuốc luôn được dung nạp tốt trong cơ thể. Tác dụng phụ có thể gặp là nổi mẩn đỏ trên da, thay đổi từ mức độ nhẹ như tăng mức độ vừa phải nồng độ men chuyển hóa trong huyết thanh, đặc biệt trong thời gian đầu điều trị bệnh tới những trường hợp nhiễm độc nặng cho gan. Sự bài tiết acid uric của thận bị giảm đi đã làm tăng acid uric trong máu mà thường không có dấu hiệu triệu chứng.
5. Tương tác của thuốc Turbezid
Dược chất Rifampicin có tác dụng cảm ứng, trong khi dược chất Isoniazid có tác dụng ức chế một số enzyme của hệ CYP 450. Vậy nên cần thận trọng khi dùng thuốc Turbezid cùng với những loại thuốc bị chuyển hóa mạnh bởi men CYP 450. Để đảm bảo nồng độ điều trị cần phải có sự hiệu chỉnh liều điều trị với các thuốc này khi sử dụng kèm với thuốc Turbezid.
6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Turbezid
6.1. Chống chỉ định của thuốc Turbezid
- Những người nhạy cảm hay những người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Người bị suy giảm chức năng gan do bất kỳ nguyên nhân nào.
- Hoạt chất Pyrazinamid chống chỉ định với những người có bệnh nitơ huyết cao hay mắc bệnh gout.
6.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc
- Những thận trọng khi sử dụng thuốc Turbezid tương tự như các thận trọng khi dùng phối hợp ba thuốc có chứa đồng thời Rifampicin, Isoniazid và Pyrazinamid đơn lẻ cùng lúc.
- Tất cả những người mắc bệnh lao cần được đánh giá tình trạng chức năng gan trước khi tiến hành điều trị. Các trị số men gan, bilirubin, creatinine huyết tương, công thức máu phải đạt ngưỡng bình thường.
- Khi điều trị với thuốc này, bạn cần phải đi khám kiểm tra định kỳ về những dấu hiệu triệu chứng gặp phải và tác dụng không mong muốn.
- Nguyên nhân là do tần suất gây ra bệnh viêm gan do hoạt chất Isoniazid ở những người lớn hơn 35 tuổi cao nên việc đánh giá chỉ số men gan cần phải được thực hiện trước khi bắt đầu và hàng tháng trong đợt điều trị. Những nhân tố khác có thể làm tăng nguy cơ gây viêm gan bao gồm việc sử dụng rượu, mắc bệnh lý xơ gan, sử dụng những thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch...
- Nếu bạn không bị xơ gan và có chức năng gan bình thường trước khi điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra chức năng gan khi có dấu hiệu bị sốt, nôn, vàng da hoặc khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác mà bệnh nhân gặp phải.
- Những người bị suy giảm chức năng gan chỉ nên sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết và phải được giám sát chặt chẽ. Những người này cần phải được theo dõi cẩn thận, đặc biệt là các chỉ số GOT, GPT cứ 2 đến 4 tuần một lần trong suốt đợt điều trị.
- Nếu có dấu hiệu tổn thương tế bào gan hoặc biểu hiện triệu chứng lâm sàng chứng tỏ chức năng gan bị suy giảm nên ngừng sử dụng thuốc Turbezid và thay thế bằng các phương thức điều trị khác. Sau khi chức năng gan trở lại bình thường mà vẫn tiếp tục cần điều trị với thuốc Turbezid thì bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi các chỉ số gan định kỳ.
6.3. Đối với phụ nữ có thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ
- Phụ nữ có thai: Bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ đều cần được hỏi về tình trạng hiện tại hay kế hoạch mang thai trước khi bắt đầu điều trị thuốc chống lao. Với phụ nữ mang thai, bạn cần được tư vấn về việc điều trị khỏi bệnh lao với phác đồ chuẩn là rất quan trọng để có thể hoàn thành việc sinh đẻ. Các thành phần của thuốc Turbezid đều có thể sử dụng trong điều trị lao cho phụ nữ mang thai.
- Phụ nữ cho con bú: Phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú mà bị bệnh lao nên được điều trị bệnh lao đầy đủ theo từng giai đoạn cụ thể. Điều trị kịp thời và đúng phác đồ là cách tốt nhất để tránh lây nhiễm vi khuẩn lao sang con. Mẹ và con không cần thiết phải cách ly và con vẫn có thể tiếp tục bú mẹ. Sau khi con được loại trừ chắc chắn là không có vi khuẩn lao hoạt động thì con cần được áp dụng liệu pháp ngăn ngừa với thuốc Isoniazid trong thời gian là 6 tháng và tiếp theo là được tiêm vaccine BCG.
Lưu ý: Khi uống thuốc Isoniazid cả phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú đều cần được bổ sung thêm Pyridoxine.
Thuốc Turbo thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh Lao. Thuốc Turbezid có ba thành phần hoạt chất chính là Rifampicin, Isoniazid và Pyrazinamid. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.