Thuốc Aptathione được chỉ định để điều trị nhiễm độc do rượu, nhiễm độc Phospho, thuốc độc tế bào, thuốc điều trị lao,... Bài viết này xin gửi đến độc giả cách sử dụng và những lưu ý khi dùng thuốc Aptathione 600mg hiệu quả.
1. Thuốc Aptathione là gì?
Thuốc Aptathione thuộc nhóm thuốc cấp cứu và giải độc, sử dụng trong điều trị lao, ngộ độc do rượu, phospho,... Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm đóng gói theo hộp 1 lọ 600mg.
Thuốc Aptathione có thành phần chính là Glutathion hàm lượng 600mg và các thành phần tá dược khác.
2. Thuốc Aptathione công dụng là gì?
Thuốc Aptathione được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Giúp làm giảm độc tính trên dây thần kinh của các hóa chất và xạ trị trong điều trị ung thư như: Cisplatin, Oxaplatin, Cyclophosphamid, 5-fìuorouracil, Carboplatin.
- Hỗ trợ điều trị ngộ độc thủy ngân, Phospho hữu cơ, Acetaminophen, thuốc trị lao, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm trong máu.
- Điều trị xơ gan do rượu, xơ gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan do virus B, C, D,...
- Sử dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến các rối loạn huyết học, rối loạn mạch ngoại vi và mạch vành giúp người bệnh mắc tắc động mạch chi dưới đi bộ không cảm thấy đau, cải thiện tình trạng thiếu máu ở những người bệnh lọc máu khi bị suy thận mãn tính,...
- Điều trị cải thiện triệu chứng chảy máu dưới nhện.
- Điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin.
- Điều trị viêm tụy cấp
3. Liều lượng - Cách dùng thuốc Aptathione
3.1. Cách dùng
Thuốc Aptathione sử dụng truyền tĩnh mạch: Hoàn nguyên lọ thuốc bột 1200 mg với 4ml nước cất pha tiêm, sau đó pha loãng với ít nhất 20 ml dung dịch tiêm truyền: dextrose 5%, natri clorid 0,9%, dextrose 10%,Lactated Ringer, natri bicarbonat 1,4%,.... Truyền tĩnh mạch trong vòng 30 phút. Dung dịch sau khi pha tiêm ổn định trong khoảng 2 giờ ờ nhiệt độ phòng dưới 25 độ C và 8 giờ ở 0 độ c - 5 độ c.
3.2. Liều dùng
- Truyền tĩnh mạch: 600 mg Glutathion/ngày.
- Các tình trạng nghiêm trọng hơn: 600-1200 mg Glutathion/ngày.
Dùng theo đường tiêm truyền tĩnh mạch:
- Làm giảm độc tính trên thần kinh khi xạ trị và các hóa chất sử dụng điều trị ung thư:
- Tiêm truyền tĩnh mạch chậm trước khi tiến hành xạ trị 15 phút với liều dùng 1200 mg Glutathion.
- Tiêm truyền tĩnh mạch chậm trong 15 phút trước khi hóa trị liệu của các hóa chất với liều dùng 1500 mg - 2400 mg Glutathion và lặp lại liều 900 mg - 1200 mg Glutathion sau ngày thứ 2 và ngày thứ 5 của đợt điều trị. Có thể lặp lại hàng tuần liều 1200 mg Glutathion.
- Điều trị ngộ độc thuỷ ngân: Phối hợp tiêm truyền Glutathion và vitamin C với các thuốc điều trị ngộ độc thủy ngân đặc hiệu ( 2,3 - dimercaptopropan - 1- sulfonat và meso - 1,3 - dimercaptosuccinic acid) làm giảm nồng độ thủy ngân trong máu. Liều dùng trong đợt cấp 1200 - 1800 mg Glutathion/ngày. Liều duy trì 600 mg Glutathion/ngày cho đến khi hồi phục.
- Điều trị xơ gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan do vi rút B,C,D.
- Điều trị xơ gan do rượu: Liều dùng 600 mg - 1200 mg Glutathion/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm.
- Hỗ trợ điều trị xơ gan, gan nhiễm mỡ và viêm gan do virus B, C, D: Liều dùng 600mg - 1200mg Glutathion/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm cho đến khi người bệnh hồi phục.
- Điều trị trong các bệnh lý liên quan đến rối loạn huyết học, rối loạn mạch ngoại vi và mạch vành:
- Rối loạn mạch ngoại vi: Liều dùng 600mg Glutathion/lần, 2 lần/ngày, truyền tĩnh mạch.
- Bệnh mạch vành: truyền tĩnh mạch 1200 mg - 3000mg Glutathion hoặc truyền trực tiếp vào động mạch vành trái 300mg Glutathion (50 mg - 2 mL/phút).
- Người bệnh lọc máu do suy thận mãn: Tiêm truyền 1200 mg Glutathion/ngày cuối mỗi chu kỳ lọc máu giúp làm giảm liều erythropoietin đến 50%.
- Điều trị chảy máu dưới nhện: Truyền Glutathion tĩnh mạch chậm 600 mg ngay sau phẫu thuật và lặp lại liều Glutathion trên sau mỗi 6 giờ trong khoảng 14 ngày hoặc hơn.
- Điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin: Liều dùng 600 mg - 1200 mg Glutathion/ngày, tiêm Glutathion tĩnh mạch chậm liên tục trong một tuần, sau đó dùng Glutathion mỗi tuần 2 - 3 lần, mỗi lần 0,6 g Glutathion.
- Điều trị viêm tụy cấp: Liều dùng 600 mg - 1200 mg Glutathion/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm.
Dùng theo đường tiêm bắp:
Điều trị vô sinh ở nam giới: Liều dùng 600 mg -1200 Glutathion mg/ngày, tiêm bắp liên tục trong 2 tháng.
4.Chống chỉ định dùng thuốc Aptathione
Thuốc Aptathione không được sử dụng cho người bệnh mẫn cảm, tiền sử dị ứng với Glutathion hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Aptathione
Trong quá trình sử dụng thuốc Aptathione, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:
- Buồn nôn, nôn
- Đau đầu
- Nổi mẩn da và sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.
Nếu người bệnh xuất hiện bất kỳ biểu hiện hay triệu chứng nào bất thường trên cơ thể và sức khỏe, hãy đến thông báo ngay với bác sĩ điều trị để có lời khuyên tốt nhất và phương pháp điều trị thích hợp.
6. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Aptathione điều trị
Người bệnh cần tham khảo kỹ hướng dẫn dùng thuốc Aptathione và một số lưu ý dưới đây:
- Thuốc Aptathione phải được hòa tan hoàn toàn trong nước pha tiêm cho dung dịch trong suốt không màu và được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, tiêm chậm.
- Mặc dù một số nghiên cứu thử nghiệm cho thấy thuốc Aptathione không ảnh hưởng đến bào thai, tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng thuốc Aptathione cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Thuốc Aptathione có thể ảnh hưởng đến việc lái xe và vận hành máy móc.
- Người bệnh không được tự ý dùng thuốc Aptathione mà cần dựa theo chỉ dẫn của người thầy thuốc.
Thuốc Aptathione được chỉ định để điều trị nhiễm độc do rượu, nhiễm độc Phospho, thuốc độc tế bào, thuốc điều trị lao,... Thuốc được sử dụng theo đường truyền tĩnh mạch nên người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện tiêm truyền.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.