Thuốc Toxaxine thường được bác sĩ chỉ định sử dụng chủ yếu bằng đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch cho các trường hợp bị xuất huyết bất thường do tăng huỷ Fibrin. Để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, bệnh nhân cần tuân theo đúng các chỉ dẫn của bác sĩ về cách sử dụng cũng như liều dùng thuốc.
1. Thuốc Toxaxine là thuốc gì?
Thuốc Toxaxine thuộc nhóm thuốc tác dụng đối với máu, được sản xuất bởi Công ty Daihan Pharm Co., Ltd – Hàn Quốc. Thuốc Toxaxine được các bác sĩ đánh giá cao về khả năng điều trị hiệu quả các tình trạng chảy máu bất thường liên quan đến tăng huỷ Fibrin tại chỗ/ toàn thân.
Thuốc Toxaxine được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm với quy cách đóng gói dạng hộp 10 ống 5ml. Trong mỗi ống dung dịch thuốc Toxaxine có chứa các thành phần hoạt chất chính, bao gồm:
- Hoạt chất chính: Tranexamic acid hàm lượng 500mg.
- Các tá dược khác vừa đủ 5ml: Nước cất pha tiêm, HCL và NaOH .
2. Thuốc Toxaxine công dụng là gì?
2.1. Công dụng của thuốc Toxaxine
Trong cơ thể con người, cục máu đông được hình thành bởi protein Fibrin và giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc cầm máu. Khi các Fibrin bị phân huỷ bởi enzyme sẽ ngăn chặn sự hình thành của các cục máu đông tại vị trí xuất huyết, điều này dẫn đến tình trạng tiêu sợi huyết.
Hoạt chất chính trong thuốc Toxaxine là Tranexamic acid, có tác dụng chống xuất huyết dựa trên cơ chế ngăn chặn những đặc tính tiêu sợi huyết của Plasmin, qua đó làm giảm tình trạng xuất huyết do tiêu sợi toàn thân. Khi được đưa vào cơ thể thông qua đường tiêm, hoạt chất Tranexamic acid ức chế sự phân huỷ Fibrin, tạo thành phức thay thế Plasminogen từ Fibrin. Nhờ cơ chế này mà Tranexamic acid có khả năng hỗ trợ quá trình đông máu tự nhiên và mang lại tác dụng cầm máu hiệu quả.
Ngoài ra, Tranexamic acid cũng có hoạt tính chống dị ứng và kháng viêm cao, giúp ngăn chặn Plasmin hình thành nên các Peptit và Kinin hoạt tính – những chất gây sang thương viêm và dị ứng. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, Tranexamic acid có tác dụng giảm hiện tượng phù và tính thấm thành mạch gây ra bởi các tác nhân kích hoạt tình trạng viêm như Bradykinin và Carrageenan.
Khi dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch, hoạt chất Tranexamic acid được hấp thu nhanh chóng và đạt nồng độ đỉnh trong vòng 30 phút, sau đó giảm dần sau 6 giờ. Thời gian bán huỷ của Tranexamic acid trung bình khoảng 2 giờ và thuốc được phân bổ đều khắp các mô của cơ thể cũng như dịch não tuỷ. Ước tính, khoảng 90% liều dùng Tranexamic acid được bài tiết qua đường nước tiểu khoảng 24 giờ đầu tiên.
2.2. Chỉ định sử dụng thuốc Toxaxine
Thuốc Toxaxine thường được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Điều trị tình trạng chảy máu liên quan đến hiện tượng tăng huỷ Fibrin toàn thân: Thiếu máu bất sản, ung thư, bệnh bạch cầu, ban xuất huyết, xuất huyết bất thường trong hoặc sau khi phẫu thuật.
- Điều trị tình trạng chảy máu bất thường do hiện tượng tăng huỷ Fibrin tại chỗ: Chảy máu đường sinh dục, chảy máu tại phổi, chảy máu ở thận, chảy máu mũi, chảy máu bất thường trong hoặc sau khi thực hiện phẫu thuật phù đại tiền liệt tuyến.
- Điều trị tình trạng xuất huyết do phẫu thuật tai mũi họng, chẳng hạn như nhổ răng, cắt amidan hoặc cắt bỏ tuyến.
- Điều trị xuất huyết do phẫu thuật bụng, lồng ngực hoặc các can thiệp phẫu thuật lớn khác (ví dụ như phẫu thuật tim mạch).
- Điều trị xuất huyết do phẫu thuật các rối loạn liên quan đến sản phụ khoa.
- Hỗ trợ xử trí tình trạng băng huyết liên quan đến việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.
2.3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Toxaxine
Không sử dụng thuốc Toxaxine cho những trường hợp dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn, bao gồm:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với Tranexamic acid hay bất kỳ thành phần tá dược nào khác có trong thuốc.
- Chống chỉ định thuốc Toxaxine đối với những bệnh nhân có huyết khối hoặc có nguy cơ bị huyết khối, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, huyết khối não, viêm tĩnh mạch huyết khối,...
- Không sử dụng thuốc Toxaxine cho những bệnh nhân có tình trạng động mạch cấp tính hoặc bị tiêu sợi huyết sau khi mắc rối loạn đông máu do tiêu thụ, trừ trường hợp hệ thống tiêu sợi huyết hoạt hoá chủ yếu với xuất huyết nặng cấp tính.
- Chống chỉ định Toxaxine cho bệnh nhân đang trong quá trình điều trị bằng các liệu pháp đông máu kết hợp với Heparin.
- Không dùng thuốc Toxaxine cho bệnh nhân có tiền sử co giật hoặc bị suy thận nặng.
3. Liều lượng và hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Toxaxine
3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Toxaxine
Liều lượng sử dụng thuốc Toxaxine sẽ được xác định bởi bác sĩ dựa trên đánh giá về độ tuổi và tình trạng xuất huyết của từng bệnh nhân, cụ thể:
- Liều Toxaxine cho người lớn:
- Liều điều trị tiêu chuẩn tình trạng tiêu sợi huyết tại chỗ: Tiêm tĩnh mạch 0,5g (tương đương 1 ống 5ml) – 1g (tương đương 1 ống 10ml/ 2 ống 5ml) Toxaxine. Tốc độ tiêm cần chậm, khoảng 1ml/ phút và dùng thuốc từ 2 – 3 lần/ ngày.
- Liều điều trị tiêu chuẩn tình trạng tiêu sợi huyết nói chung: Tiêm tĩnh mạch 1g Toxaxine với tốc độ chậm khoảng 1ml/ phút mỗi 6 – 8 tiếng, tương đương 15mg/ kg thể trọng.
- Liều Toxaxine cho bệnh nhân suy thận:
- Liều tiêm Toxaxine cụ thể cho đối tượng bệnh nhân này sẽ căn cứ vào mức độ suy thận và độ thanh thải creatinin.
- Liều Toxaxine cho trẻ em > 1 tuổi: Tiêm tĩnh mạch 10mg/ kg / ngày, chia 2 lần/ ngày.
3.2. Hướng dẫn sử dụng đúng cách và hiệu quả thuốc Toxaxine
Thuốc Toxaxine không được khuyến cáo dùng qua đường tiêm bắp mà chủ yếu sử dụng bằng đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, cụ thể:
- Dùng đường tiêm tĩnh mạch: Thuốc Toxaxine sẽ được tiêm chậm trong vòng 3 – 7 phút, tránh tiêm với tốc độ nhanh vì dễ gây ra hiện tượng sốc.
- Dùng đường truyền tĩnh mạch: Trước khi truyền cần pha loãng Toxaxine trong dịch truyền, sau đó truyền thuốc với tốc độ chậm trong vòng 30 – 60 phút. Trước khi tiến hành truyền cho người bệnh cần lưu ý dịch truyền đã được đuổi hết khí nhằm tránh tối đa nguy hiểm khi truyền phải bọt khí.
3.3. Cách xử trí khi dùng quá liều thuốc Toxaxine
Thuốc Toxaxine khi sử dụng quá liều lượng quy định có thể khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, co giật hoặc hạ huyết áp. Hiện tượng co giật có nguy cơ xảy ra với tần suất cao hơn khi bệnh nhân dùng tăng liều thuốc Toxaxine. Khi nhận thấy có biểu hiện bất thường sau khi tiêm/ truyền tĩnh mạch quá liều thuốc Toxaxine, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp chữa trị phù hợp.
3.4. Những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi sử dụng thuốc Toxaxine
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Toxaxine, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn dưới đây:
- Tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, biếng ăn, tiêu chảy, nôn ói, ợ nóng, buồn ngủ hoặc nhức đầu.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Ngứa, phát ban da, sưng miệng / họng / mặt (phản ứng quá mẫn), thay đổi khả năng phân biệt màu sắc hoặc sốc.
Nếu xảy ra bất cứ triệu chứng nào liên quan đến việc dùng thuốc Toxaxine, bệnh nhân cần ngừng sử dụng thuốc và nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để có hướng giải quyết kịp thời.
4. Những điều cần lưu ý trong quá trình dùng thuốc Toxaxine
4.1. Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Toxaxine?
Để việc điều trị xuất huyết bằng thuốc Toxaxine an toàn và đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần thận trọng một số điều sau:
- Hoạt chất Tranexamic acid nên tiêm tĩnh mạch với tốc độ chậm, việc tiêm nhanh có thể dẫn đến một số tác dụng ngoại ý, chẳng hạn như hạ huyết áp, đánh trống ngực, buồn nôn hoặc khó chịu ở vùng ngực,...
- Cẩn trọng khi quyết định dùng thuốc Toxaxine cho bệnh nhân bị suy thận nặng, phụ nữ đang mang thai hoặc bà mẹ nuôi con bú.
- Thận trọng khi dùng thuốc Toxaxine cho bệnh nhân lớn tuổi do chức năng sinh lý đã suy giảm đáng kể.
- Nhằm đảm bảo độ an toàn và tính vô khuẩn khi sử dụng thuốc Toxaxine theo đường tiêm/ truyền tĩnh mạch, bệnh nhân cần tránh dùng thuốc đã bị biến chất hoặc hết hạn sử dụng.
- Thuốc Toxaxine có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc mệt mỏi, do đó những người thường xuyên phải vận hành máy móc hoặc điều khiển xe cộ cần thận trọng khi dùng thuốc.
4.2. Thuốc Toxaxine tương tác với các thuốc nào khác?
Thuốc Toxaxine có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng cùng lúc với các thuốc sau:
- Thuốc ngừa thai chứa estrogen đường uống.
- Các chế phẩm cầm máu.
- Các men giúp làm đông máu.
Để tình trạng tương tác giữa các thuốc không xảy ra, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ đầy đủ các loại thuốc khác mà bản thân hiện đang sử dụng. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh đánh giá các rủi ro tương tác và đưa ra cách xử trí đúng đắn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.