Tonadione có thành phần chính là Phytomenadion với hàm lượng 10mg/1ml. Thuốc được sử dụng trong dự phòng, điều trị giảm prothrombin huyết do sử dụng thuốc chống đông đường uống; dự phòng và điều trị xuất huyết do thiếu hụt vitamin K. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc Tonadione.
1. Công dụng thuốc Tonadione
Thuốc Tonadione có thành phần chính là Phytomenadion (vitamin K1), thuốc được bào chế dưới dạng nhũ dịch tiêm.
Phytomenadion (phytonadion) hay còn được gọi là vitamin K1 hòa tan trong mỡ. Phytomenadion là vitamin K tự nhiên, có nhiều trong thịt, lòng đỏ trứng, sữa bò rau xanh (cải bắp) và một số ngũ cốc, còn phytonadion thì được tổng hợp.
Nhu cầu vitamin K tối thiểu hàng ngày chưa được xác định, khoảng 1mcg/kg có thể đủ. Nhu cầu vitamin K ở người lớn khoẻ mạnh có thể được đáp ứng từ chế độ ăn và sự tổng hợp menaquinon (vitamin K2) của vi khuẩn ở ruột.
Thiếu hụt vitamin K có thể xảy ra ở trẻ bị kém hấp thu mỡ, đặc biệt khi bệnh nhi bị ứ mật hoặc suy gan nặng. Trẻ sơ sinh thường dễ bị thiếu hụt vitamin K và có nguy cơ xuất huyết (trong não thất) nếu không được bổ sung. Người lớn rất hiếm khi bị thiếu hụt vitamin K, trừ khi bị hội chứng kém hấp thu mỡ, tắc mật, vàng da.
Thiếu hụt vitamin K làm giảm prothrombin huyết, dẫn đến thời gian đông máu kéo dài và gây chảy máu tự phát. Vitamin K là chất cần thiết để gan tổng hợp các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II); yếu tố VII, IX và X; protein C và S.
Phytomenadion được sử dụng để điều trị giảm prothrombin huyết và chảy máu nguyên nhân do thiếu hụt vitamin K và sử dụng liệu pháp chống đông máu bằng coumarin. Phytomenadion được dùng làm thuốc giải độc khi dùng quá liều các thuốc chống đông kiểu coumarin hoặc Warfarin.
Phytomenadion không có tác dụng ngay lập tức, dù được dùng đường tiêm tĩnh mạch. Phytomenadion tác dụng nhanh và kéo dài hơn so với Menadion.
2. Chi định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tonadione
2.1. Chỉ định
Thuốc Tonadione được chỉ định trong các trường hợp:
- Dự phòng và điều trị giảm prothrombin huyết do sử dụng thuốc chống đông đường uống (thuốc kháng vitamin K).
- Dự phòng và điều trị xuất huyết do thiếu hụt vitamin K: nguyên nhân do cơ thể không hấp thu được vitamin K (hội chứng kém hấp thu, tắc mật); sử dụng các thuốc gây thiếu vitamin K chẳng hạn như dùng kháng sinh liệu pháp phổ rộng kéo dài (phá hủy hệ vi khuẩn chí tổng hợp vitamin K ở ruột).
2.2. Chống chỉ định
Chống chỉ định dùng thuốc Tonadione trong trường hợp người bệnh quá mẫn với Phytomenadion hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc. Không được dùng Tonadione đường tiêm bắp ở bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết cao.
3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tonadione
- Thuốc Tonadione có thể gây tan huyết ở bệnh nhân có thiếu glucose - 6 - phosphat dehydrogenase.
- Khi sử dụng liều cao cho bệnh nhân có bệnh lý gan nặng có thể làm suy giảm thêm chức năng gan.
- Liều dùng thuốc Tonadione cho trẻ sơ sinh không nên vượt quá 5mg/ngày trong những ngày đầu mới chào đời do hệ enzym gan của trẻ chưa trưởng thành.
- Dầu thầu dầu đã polyethoxy hóa có trong thuốc tiêm phytomenadion có thể gây phản ứng nặng kiểu phản vệ cho bệnh nhân. Dầu thầu dầu này khi dùng nhiều dài cho bệnh nhân cũng có thể sinh ra lipoprotein bất thường, làm thay đổi độ nhớt của máu và kết tập hồng cầu.
- Trong trường hợp bệnh nhân xuất huyết nặng, hiệu quả của thuốc sẽ chậm bất kể dùng đường nào, do đó cần thiết phải truyền máu toàn phần hoặc truyền các thành phần của máu.
- Phụ nữ mang thai: Phytomenadion đi qua nhau thai ít. Phytomenadion không độc khi sử dụng ở liều <20mg. Do đó, phytomenadion là thuốc được chọn trong điều trị giảm prothrombin huyết ở mẹ và dự phòng bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh. Việc bổ sung vitamin K cho phụ nữ mang thai là không cần thiết, trừ khi người mẹ có nguy cơ thiếu vitamin K. Một thực đơn hàng ngày trong thai kỳ nên có 45mcg Phytomenadion.
- Phụ nữ đang cho con bú: Nồng độ Phytomenadion trong sữa mẹ thường thấp. Hầu hết các mẫu sữa đều chứa < 20nanogam/ml, nhiều mẫu <5 nanogam/ml. Tuy không phải tất cả nhưng nhiều trẻ sơ sinh thiếu hụt vitamin K là do nồng độ vitamin K chuyển qua nhau thai rất ít. Chỉ cho trẻ bú mẹ thôi sẽ không ngừa được sự giảm sút vitamin K dự trữ vốn đã thấp ở trẻ và có thể tiến triển thành thiếu hụt vitamin K trong 48 - 72 giờ. Người mẹ cho con bú nếu dùng một số thuốc như thuốc chống co giật, thuốc điều trị lao hoặc warfarin có thể gây bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh điển hình và sớm. Ngược lại bú mẹ được coi là một căn nguyên của bệnh xuất huyết ở trẻ điển hình và muộn. Sử dụng Phytomenadion cho trẻ sơ sinh để phòng ngừa bệnh do ngăn cản các yếu tố II, VII, IX và X tiếp tục giảm sút. Tóm lại, hàm lượng vitamin K tự nhiên trong sữa mẹ quá thấp, không có tác dụng bảo vệ được trẻ sơ sinh khỏi thiếu hụt vitamin K, dẫn đến bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh. Nên tiêm cho tất cả trẻ sơ sinh 0,5 - 1,0mg Phytomenadion để phòng ngừa bệnh, có thể cần liều lớn hơn hoặc tiêm lặp lại cho trẻ trường hợp người mẹ dùng thuốc chống co giật hoặc thuốc uống chống đông.
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Sử dụng thuốc Tonadione có thể xuất hiện các tác dụng không mong muốn như hạ huyết áp, chóng mặt, hoa mắt có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
- Phytomenadion có thể kháng nhất thời với chất chống đông ức chế prothrombin, đặc biệt khi sử dụng Phytomenadion liều cao. Trường hợp sử dụng liều tương đối lớn Phytomenadion, có thể dùng liều thuốc chống đông ức chế prothrombin cao hơn liều bình thường một ít, hoặc dùng chất tác dụng theo cơ chế khác như heparin natri.
4. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Tonadione
Sử dụng thuốc Tonadione đường tiêm, đặc biệt là đường tĩnh mạch có thể gây nóng bừng, hạ huyết áp, mạch yếu, toát mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt, tím tái, vị giác thay đổi, phản ứng dạng phản vệ, dị ứng. Khi sử dụng Tonadione với liều lớn hơn 25mg có thể gây tăng bilirubin máu ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ sinh non.
Thuốc Tonadione dùng đường tiêm tĩnh mạch có thể gây các phản ứng nặng kiểu phản vệ, dẫn đến sốc, ngừng tim, ngừng hô hấp và tử vong.
Phytomenadion có thể gây kích ứng da và đường hô hấp. Dung dịch thuốc Tonadione có tính gây rộp da. Phản ứng da tại chỗ khi sử dụng Tonadione hiếm gặp.
5. Tương tác thuốc
- Không trộn lẫn thuốc Tonadione với các dung dịch tiêm truyền khác.
- Dicumarol và các dẫn chất có tác dụng đối kháng với vitamin K: khi dùng đồng thời với Tonadione có thể bị giảm hoặc mất tác dụng của các thuốc này.
- Khi bị giảm prothrombin huyết do điều trị với Gentamicin và Clindamycin thì bệnh nhân không đáp ứng với vitamin K tiêm truyền tĩnh mạch.
- Sử dụng đồng thời thuốc Tonadione với thuốc chống co giật có thể làm giảm tác dụng của vitamin K1.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.