Công dụng thuốc Tolucombi

Thuốc Tolucombi được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp với thành phần chính là Telmisartan 40mg và Hydrochlorothiazide 12,5. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Tolucombi theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

1. Thuốc Tolucombi là thuốc gì?

Tolucombi thuộc nhóm thuốc tim mạch, được điều chế dưới dạng viên nén, đóng theo hộp 4 vỉ x 7 viên.

Thuốc Tolucombi có thành phần:

  • Telmisartan 40mg;
  • Hydrochlorothiazide 12,5;
  • Các thành phần tá dược: Meglumine, natri hydroxide, povidone K30, lactose monohydrate, sorbitol, magnesium stearate, mannitol, mannitol DC, ferric oxide yellow (E172)/ferric oxide red (E172), hydroxypropylcellulose, colloidal silica anhydrous, natri stearyl fumarate.

2. Thuốc Tolucombi có tác dụng gì?

Thuốc Tolucombi dùng phối hợp Telmisartan và Hydroclorothiazid để điều trị tăng huyết áp vô căn ở người lớn.

Thuốc Tolucombi không được chỉ định điều trị ban đầu trong điều trị tăng huyết áp.

Khi cần có thể phối hợp Tolucombi với một thuốc chống tăng huyết áp khác.

3. Liều lượng, cách dùng thuốc Tolucombi

Cách dùng:

  • Uống thuốc Tolucombi 1 lần/ngày và không phụ thuộc bữa ăn.

Liều dùng:

  • Người lớn: Uống 1 Tolucombi viên mỗi ngày.
  • Nếu cần có thể tăng liều Tolucombi lên đến 160mg Telmisartan và 25mg Hydroclorothiazid.
  • Trước khi tăng liều Tolucombi cần chú ý là tác dụng điều trị tăng huyết áp tối đa thường đạt được sau 4 – 8 tuần điều trị.

Bệnh nhân suy thận:

  • Không dùng thuốc Tolucombi ở người bệnh bị suy chức năng thận nặng (độ thanh thải creatinin ≤ 30ml/phút). Những thuốc lợi tiểu quai được ưa dùng hơn các nhóm Thiazid trên những người bệnh này.
  • Người bệnh suy thận vừa và nhẹ không cần phải điều chỉnh liều Tolucombi.

Bệnh nhân suy gan:

  • Ở những người bệnh suy gan nhẹ hoặc vừa, liều dùng Tolucombi không được vượt quá 1⁄2 viên/1 lần/ngày. Thuốc Tolucombi không được chỉ định ở những người bệnh suy gan nặng. Thận trọng ở những người bệnh bị suy chức năng gan.
  • Người bệnh cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều Tolucombi.
  • Trẻ em < 18 tuổi: Độ an toàn và hiệu quả của Tolucombi chưa xác định được.

Quá liều Tolucombi và cách xử trí:

Thông tin về quá liều Tolucombi ở người còn hạn chế. Biểu hiện quá liều có thể gặp nhịp tim chậm hoặc nhanh, hạ huyết áp quá mức, chóng mặt, choáng váng, rối loạn nước và điện giải, nôn, buồn ngủ.

Trường hợp quá liều thuốc Tolucombi, cần xử lý triệu chứng và kết hợp hỗ trợ (gây nôn, rửa dạ dày, dùng than hoạt, bù nước, cân bằng điện giải, xử trí hôn mê gan, xử trí tình trạng giảm huyết áp), ngừng ngay thuốc Tolucombi và theo dõi kỹ người bệnh.

4. Chống chỉ định dùng thuốc Tolucombi

Thuốc Tolucombi không được dùng trong các trường hợp:

  • Người bệnh mẫn cảm với Telmisartan, với các Thiazid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Phụ nữ đang mang thai (3 tháng đầu, 3 tháng cuối) hoặc đang cho con bú.
  • Người vô niệu.
  • Suy thận/ suy gan nặng, tắc mật.
  • Hạ kali máu, tăng calci huyết.
  • Người bệnh mắc đái tháo đường.
  • Mẫn cảm với dẫn xuất Sulphonamide.

5. Tương tác thuốc Tolucombi

Dưới đây là một số tương tác thuốc Tolucombi đã được báo cáo như:

  • Lithium kết hợp dùng chung với Tolucombi gây tăng nồng độ và độc tính của Lithium.
  • Thuốc lợi tiểu làm mất kali, nhuận tràng, corticosteroids, Penicillin G sodium, ACTH, Amphotericin, Carbenoxolone, Salicylic acid dùng chung với Tolucombi, cần theo dõi nồng độ kali trong huyết tương.
  • Thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu ít kali, muối thay thế chứa kali, thực phẩm bổ sung kali và Cyclosporine khi kết hợp dùng chung với Tolucombi thì cần theo dõi nồng độ kali huyết tương.
  • Tolucombi được dùng với các thuốc Digitalis glycosides, chống loạn nhịp (Quinidine, Hydroquinidine, Disopyramide, Amiodarone, Sotalol, Dofetilide, Ibutilide) và thuốc hạ kali máu thì cần theo dõi định kỳ kali huyết thanh.
  • Thuốc an thần như Thioridazine, Chlorpromazine, Trifluoperazine, Levomepromazine, Cyamemazine, Sulpiride, Sultopride, Amisulpride, Haloperidol, Tiapride, Pimozide, Droperidol.
  • Các thuốc khác như Bepridil, Pentamidine, Cisapride, Diphemanil, Erythromycin IV, Vincamine IV, Halofantrin, Mizolastin, Sparfloxacine, Terfenadine.
  • Glycosidtim kết hợp dùng chung với thuốc Tolucombi có thể làm hạ kali và magnesi huyết.
  • Digoxin kết hợp dùng chung với thuốc Tolucombi tăng trung bình của nồng độ đỉnh là 49% và nồng độ đáy 20%, việc theo dõi Digoxin huyết tương nên được xem xét.
  • Thuốc trị đái tháo đường kể cả thuốc uống và insulin.
  • Thuốc Metformin kết hợp dùng chung với Tolucombi có thể gây nguy cơ nhiễm toan acid lactic, giảm chức năng thận có thể liên quan đến Hydrochlorothiazide.
  • Các thuốc kháng viêm không steroid.
  • Noradrenaline kết hợp dùng chung với thuốc Tolucombi làm giảm tác dụng tăng huyết áp.
  • Các thuốc giãn cơ xương không khử cực có thể được tăng cường tác dụng bởi Hydrochlorothiazide khi kết hợp dùng chung với Tolucombi.
  • Thuốc điều trị gút.
  • Các muối calci kết hợp dùng chung với thuốc Tolucombi có thể làm tăng nồng độ calci huyết thanh do bị giảm đào thải.
  • Thuốc chẹn beta và Diazoxide.
  • Thuốc kháng Cholinergic như Atropine, Biperiden.
  • Thuốc Amantadine
  • Thuốc gây độc tế bào như Cyclophosphamide, Methotrexate kết hợp dùng chung với Tolucombi có thể làm giảm sự bài tiết qua thận của những sản phẩm gây độc tế bào và ảnh hưởng đến tác dụng ức chế tủy của chúng.

6. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Tolucombi

Trong quá trình sử dụng thuốc Tolucombi, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Mệt mỏi, chóng mặt, lo lắng, đau đầu, hạ huyết áp nghiêm trọng, phù tay chân, nhìn mờ, mồ hôi ra nhiều...
  • Kích động, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, đau bụng, khó tiêu, chán ăn, tiêu chảy, trào ngược);
  • Viêm đường hô hấp (ho, viêm họng, viêm xoang, hắt hơi,...).
  • Hiếm gặp các trường hợp bị rối loạn thị giác, nhìn mờ, rối loạn nhịp tim, sốc phản vệ...

7. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Tolucombi

  • Theo dõi nồng độ kali huyết, đặc biệt ở người lớn tuổi và người suy thận. Giảm liều thuốc Tolucombi khởi đầu ở những người bệnh này.
  • Thận trọng dùng thuốc cho người bệnh bị hẹp van động mạch chủ hoặc van hai lá, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, suy tim sung huyết nặng.
  • Thận trọng dùng thuốc Tolucombi cho người bệnh bị loét dạ dày và tá tràng tiến triển hoặc bệnh dạ dày – ruột khác vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày - ruột.
  • Thận trọng dùng thuốc cho người bệnh bị hẹp động mạch thận.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Tolucombi cho người bệnh có tiền sử phù mạch có hoặc không liên quan đến thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin II.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tolucombi cho người bị suy thận nặng do có thể tăng urê huyết và làm suy giảm thêm chức năng thận.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tolucombi cho người bị suy gan do dễ bị hôn mê gan.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tolucombi cho người bị Gút vì bệnh có thể nặng lên.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tolucombi cho người bị đái tháo đường, cần điều chỉnh thuốc insulin, thuốc hạ glucose huyết vì Tolucombi có thể làm tăng glucose huyết.
  • Tác dụng hạ huyết áp của hydroclorothiazid tăng lên ở người bệnh sau cắt bỏ thần kinh giao cảm.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tolucombi ở người cao tuổi vì dễ mất cân bằng điện giải.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Tolucombi cho phụ nữ đang mang thai do thuốc có thể gây suy thận, hạ huyết áp, vô niệu, giảm sản xuất xương sọ ở trẻ sơ sinh, gây chết thai, ít nước ối, co cứng chi, biến dạng sọ mặt và phổi giảm sản đã được thông báo.
  • Chưa có báo cáo chính xác thành phần Telmisartan có tiết vào sữa mẹ hay không, nhưng đã có báo cáo Thiazid qua được sữa mẹ. Vì thế, cần quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc Tolucombi theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nên thận trọng nếu dùng thuốc Tolucombi khi đang lái xe hoặc vận hành máy móc do thuốc có thể gây mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Tolucombi, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe