Thuốc Tarimagen thường được bác sĩ kê đơn sử dụng để đẩy lùi hiệu quả các tình trạng nhiễm nấm Candida âm đạo, nấm móng, bàn chân hoặc tay,... Trong suốt quá trình điều trị bằng Tarimagen, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ định của bác sĩ để sớm khỏi bệnh.
1. Thuốc Tarimagen là thuốc gì?
Tarimagen là thuốc kê đơn dùng để điều trị các tình trạng bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, chẳng hạn như nhiễm nấm Candida ở miệng – họng, nhiễm nấm móng chân, nhiễm nấm ngoài da,... Thuốc Tarimagen có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc và được lưu hành rộng rãi tại Việt Nam.
Tarimagen được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và đóng gói theo quy cách hộp gồm 10 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén Tarimagen có chứa các thành phần hoạt chất sau:
- Hoạt chất chính: Itraconazol hàm lượng 100mg.
- Các tá dược khác: Lactose hydrat, Eudragit® E100, tinh bột gelatin hoá, keo silicon dioxid, Acid lactic, Silicon dioxid ngậm nước, Copovidon, Crospovidon, Opadry O4F58644 trắng, magnesi stearat và sáp carnauba.
2. Thuốc Tarimagen có tác dụng gì?
2.1. Công dụng của hoạt chất Itraconazol
Một số nghiên cứu in vitro đã cho thấy, hoạt chất Itraconazol trong thuốc Tarimagen có tác dụng ức chế hiệu quả sự phát triển của các loại vi nấm gây bệnh cho con người khi ở nồng độ thông thường ≤ 0,025 - 0,8mcg/ ml. Những loại vi nấm mà Itraconazol có thể chống lại, bao gồm:
- Vi nấm Dermatophytes như các chủng Microsporum spp., Trichophyton spp., hoặc Epidermophyton floccosum.
- Các chủng C. glabrata, C. albicans, C. krusei, Cryptococus neoformans, Pityrosporum spp., Geotrichum spp., Trichosporon spp.
- Chủng Sporothrix schenckii, Fonsecaea spp., Cladosporium spp., Aspergillus spp., Blastomyces dermatitidis, Pseudallescheria boydii, Penicillium marneffei.
Các thử nghiệm cũng cho thấy, hoạt chất Itraconazol có thể làm rối loạn quá trình tổng hợp ergosterol của các tế bào vi nấm. Thực tế, ergosterol là một trong những thành phần không thể thiếu của màng tế bào vi nấm. Nhờ vào tác dụng làm rối loạn sự tổng hợp chất này mà Itraconazol có thể kháng nấm hiệu quả.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tarimagen
Thuốc Tarimagen thường được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị các trường hợp nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn dưới đây:
- Nhiễm nấm Candida âm đạo hoặc âm hộ.
- Nhiễm nấm ngoài da hoặc lang ben.
- Nhiễm nấm Candida ở miệng hoặc họng.
- Viêm giác mạc mắt do nhiễm nấm.
- Nấm móng do nấm men hoặc Dermatophyte.
- Nhiễm nấm nội tạng do nấm Candida hoặc Aspergillus.
- Nhiễm nấm Cryptococcus, bao gồm cả viêm màng não do Cryptococcus. Thuốc Tarimagen được áp dụng cho những trường hợp nhiễm nấm Cryptococcus ở hệ thần kinh hoặc do suy giảm hệ miễn dịch khi liệu pháp điều trị ban đầu không mang lại hiệu quả hoặc không phù hợp.
- Nhiễm nấm Paracoccidioides, Sporothrix, Histoplasma hoặc Blastomyces.
- Nhiễm nấm nội tạng.
- Nhiễm nấm móng tay/ chân.
- Điều trị duy trì cho những bệnh nhân bị AIDs nhằm phòng nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát.
- Đề phòng nguy cơ nhiễm nấm cho bệnh nhân bị giảm bạch cầu trung tính kéo dài.
Tuy nhiên, cần tránh sử dụng thuốc Tarimagen cho các trường hợp sau khi chưa có chỉ định của bác sĩ:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với Itraconazol hay bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Chống chỉ định tương đối thuốc Tarimagen cho người đang mang thai, bà mẹ nuôi con bú. Chỉ nên dùng thuốc cho những đối tượng này khi tình trạng nhiễm nấm nội tạng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và lợi ích điều trị phải cao hơn so với nguy cơ gây hại.
- Chống chỉ định dùng thuốc Tarimagen cho những bệnh nhân đang sử dụng các thuốc khác như Astemizol, Terfenadin, Triazolam, Midazolam và Cisapride.
3. Liều lượng và hướng dẫn dùng thuốc Tarimagen
3.1. Liều dùng thuốc Tarimagen theo khuyến cáo
Thuốc Tarimagen được kê đơn sử dụng theo đơn của bác sĩ với liều lượng cụ thể như sau:
- Nhiễm nấm Candida âm đạo/ âm hộ: Uống 2 viên x 2 lần/ ngày (dùng trong 1 ngày) hoặc 2 viên/ lần/ ngày (dùng trong vòng 3 ngày).
- Lang ben: Uống 2 viên/ lần/ ngày và điều trị trong vòng 7 ngày.
- Nhiễm nấm ngoài da: Uống 2 viên/ lần/ ngày (dùng trong 7 ngày) hoặc 1 viên/ lần/ ngày (dùng trong vòng 15 ngày). Đối với các vùng sừng hoá cao như nhiễm nấm ở lòng bàn tay và chân, người bệnh nên uống 2 viên x 2 lần/ ngày (dùng trong 7 ngày) hoặc 1 viên/ lần/ ngày (dùng trong vòng 30 ngày).
- Nhiễm nấm Candida ở miệng/ họng: Uống 1 viên/ lần/ ngày và điều trị trong vòng 15 ngày. Đối với bệnh nhân bị AIDs, giảm bạch cầu trung tính hoặc cấy ghép cơ quan nên uống 2 viên/ lần/ ngày và dùng trong vòng 15 ngày.
- Điều trị nấm móng: Uống 4 viên/ ngày, tương đương sáng 2 viên và chiều 2 viên. Uống thuốc Tarimagen từ 2 – 3 đợt, mỗi đợt khoảng 7 ngày và nên cách nhau khoảng 3 tuần. Hoặc bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc Tarimagen điều trị liên tục 2 viên/ lần/ ngày trong vòng 3 tháng.
- Điều trị nhiễm nấm nội tạng: Uống từ 1 – 2 viên/ lần/ ngày. Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng nhiễm nấm cụ thể của người bệnh.
3.2. Cách dùng thuốc Tarimagen hiệu quả
Tarimagen được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, vì vậy bệnh nhân cần dùng thuốc bằng đường uống. Khi uống, bạn nên nuốt nguyên viên thuốc và tránh nhai hay nghiền nát thuốc. Ngoài ra, để đảm bảo thuốc Tarimagen được hấp thu tối đa, bạn nên dùng thuốc vào thời điểm ngay sau khi ăn no.
Trước khi điều trị bằng Tarimagen, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ theo mọi khuyến cáo của bác sĩ. Tránh tự ý áp dụng hoặc điều chỉnh liều thuốc không đúng với chỉ định.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Tarimagen
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Tarimagen, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:
- Tác dụng phụ thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, táo bón, buồn nôn, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hoá.
- Tác dụng phụ ít gặp: Phản ứng dị ứng (ngoại ban, ngứa, phù mạch, nổi mày đay), hội chứng Stevens – Johnson, rối loạn kinh nguyệt, viêm gan, tăng men gan có hồi phục, viêm gan, phù, rụng lông, rụng tóc, giảm kali huyết hoặc bệnh thần kinh ngoại vi.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Nhức đầu, choáng váng, tiêu chảy, nhiễm độc gan nặng, hói đầu, nhạy cảm với ánh sáng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên sau khi dùng thuốc Tarimagen, người bệnh cần ngừng điều trị và nhanh chóng báo cho bác sĩ biết để sớm có biện pháp khắc phục.
5. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Tarimagen
Dưới đây là một số khuyến cáo chung dành cho tất cả bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Tarimagen, bao gồm:
- Cần cho người bệnh thực hiện kiểm tra độ nhạy với Itraconazol trước khi quyết định sử dụng thuốc Tarimagen. Điều này là do Candida kháng Fluconazol và có thể không nhạy cảm với Itraconazol trong nhiễm nấm Candida.
- Mặc dù điều trị ngắn ngày bằng thuốc Tarimagen không gây rối loạn chức năng gan, tuy nhiên cần tránh dùng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh gan hoặc nhiễm độc gan do điều trị bằng thuốc khác.
- Trong trường hợp cần điều trị trên 30 ngày bằng thuốc Tarimagen, bệnh nhân cần giám sát định kỳ chức năng gan.
- Thuốc Tarimagen có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt hoặc đau đầu, làm ảnh hưởng đến khả năng điều khiển máy móc hoặc xe cộ của người bệnh. Do đó, những bệnh nhân thường xuyên phải làm các công việc này cần thận trọng khi điều trị bằng Tarimagen.
- Trong trường hợp uống quá liều Tarimagen và xuất hiện các triệu chứng đáng chú ý, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức các triệu chứng và có thể rửa dạ dày nếu cần thiết. Hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho quá liều Tarimagen, mặt khác không thể loại bỏ Itraconazol bằng phương pháp chạy thận nhân tạo (thẩm tách máu).
- Tránh dùng phối hợp Tarimagen với các thuốc được chuyển hóa bởi hệ thống enzym cytochrom Pxss 3A nhằm ngăn ngừa nguy cơ tương tác làm tăng nồng độ của những thuốc này trong huyết tương và kéo dài tác dụng điều trị cũng như các tác dụng phụ ngoài ý.
- Kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng của Tarimagen trước khi dùng. Khi nhận thấy thuốc có dấu hiệu nấm mốc, đổi màu hoặc chảy nước, bệnh nhân cần loại bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Tarimagen, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị.