Thuốc Sunamo thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Sau đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Sunamo.
1. Sunamo có tác dụng gì?
Thuốc Sunamo có thành phần là Amoxicilin (dưới dạng Amoxicilin trihydrate) 500mg, Sulbactam (dưới dạng Sulbactam pivoxil) 250mg, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và đóng gói với quy cách là hộp 3 vỉ x 5 viên.
Công dụng của thuốc Sunamo là sử dụng trong những trường hợp bị nhiễm khuẩn do hoặc nghi mắc do các vi khuẩn sinh beta - lactamase gây ra nhưng dùng aminopenicilin đơn độc không có tác dụng. Thuốc Sunamo được chỉ định để điều trị các trường hợp mắc nhiễm khuẩn sau:
- Các nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên và dưới, bao gồm cả tai - mũi - họng hoặc bị viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản do vi khuẩn;
- Nhiễm khuẩn đường niệu, sinh dục;
- Nhiễm khuẩn ở da và mô mềm, xương khớp;
- Mắc các nhiễm khuẩn khác như sảy thai nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn sản khoa, nhiễm khuẩn ổ bụng.
2. Liều dùng và cách dùng thuốc Sunamo
2.1 Liều dùng:
Dạng Amoxicilin có trong thuốc là liều lượng thường được biểu thị.
- Đối với người lớn: Sử dụng 1-2 viên/ lần x 3 lần/ ngày, mỗi lần cách 8 tiếng;
- Đối với trẻ em có cân nặng lớn hơn 40kg: Liều dùng sử dụng như người lớn;
- Đối với trẻ em có cân nặng dưới 40kg: Sử dụng 20mg Amoxicilin/ kg/ ngày chia làm nhiều lần và cách nhau 8 tiếng.
Với điều trị viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và nhiễm khuẩn nặng, liều thông thường là 40mg Amoxicilin/ kg/ ngày chia làm nhiều lần và mỗi lần cách nhau 8 tiếng, sử dụng trong 5 ngày.
Cả người lớn và trẻ em đều phải tiếp tục điều trị trong 48 tiếng nữa ngay cả khi đã hết sốt và cả những dấu hiệu bất thường. Thông thường thời gian điều trị là 5 đến 14 ngày nhưng có thể kéo dài thêm trong trường hợp cần thiết.
Với bệnh nhân suy thận cần phải giảm liều theo hệ số thanh thải creatinin:
- Cl creatinin <10ml/ phút: Sử dụng 1 viên cách mỗi 24 giờ;
- 10ml/ phút < Cl creatinin < 30ml/ phút: Sử dụng 1 viên cách mỗi 12 giờ.
2.2 Cách dùng:
Thuốc Sunamo được dùng theo đường uống, có thể uống thuốc trước hoặc sau bữa ăn. Uống cả viên thuốc với nước. Thời gian sử dụng thuốc không quá 14 ngày, nếu muốn kéo dài cần kiểm tra và xem xét lại cách điều trị.
2.3 Xử trí khi quá liều:
Trường hợp bệnh nhân sử dụng quá liều có thể xảy ra các phản ứng thần kinh, bao gồm cả co giật nếu nồng độ beta - lactam cao trong dịch não tủy. Cách xử trí trong trường hợp này là Amoxicilin và sulbactam có thể được loại bỏ khỏi tuần hoàn chung bằng cách thẩm phân máu. Quá trình này được tiến hành có thể làm tăng thải trừ thuốc trong trường hợp quá liều ở người bệnh suy thận.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sunamo
3.1 Chống chỉ định:
Không sử dụng thuốc Sunamo với bất cứ bệnh nhân nào có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại penicilin nào hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
3.2 Tác dụng phụ:
Thường gặp là tiêu chảy hoặc đi phân lỏng, buồn nôn hoặc nôn, nóng rát vùng thượng vị, đau bụng hoặc co thắt cơ bụng, viêm đại tràng, viêm đại tràng giả mạc (hiếm khi xảy ra);
Đôi khi có xuất hiện mẩn đỏ trên da và ngứa.
3.3 Thận trọng:
Nếu điều trị dài ngày phải định kỳ kiểm tra chỉ số huyết học, chức năng gan, thận;
Ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicilin hoặc các dị nguyên khác có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trầm trọng. Vì vậy, trước khi bắt đầu điều trị bằng amoxicilin cần phải điều tra kỹ tiền sử dị ứng với penicilin, cephalosporin và các dị nguyên khác;
Tình trạng quá sản của các vi sinh vật không nhạy với thuốc, bao gồm cả nấm thì cần theo dõi liên tục các dấu hiệu. Trường hợp có dấu hiệu bội nhiễm phải ngừng ngay thuốc và điều trị với loại thuốc thích hợp hơn;
Thuốc có khả năng làm tăng khả năng rối loạn tiêu hóa, vì có chứa thành phần dầu thầu dầu, triệu chứng là đau bụng và tiêu chảy;
Đối với phụ nữ đang mang thai cần thận trọng khi dùng thuốc, trường hợp muốn dùng thuốc thì cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ;
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ, vì vậy, cần thận trọng khi dùng thuốc cho nhóm đối tượng này;
Đối với khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc không làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
3.4 Tương tác thuốc:
Nếu sử dụng thuốc Sunamo cùng lúc với một hoặc nhiều loại thuốc khác thường dễ xảy ra tương tác thuốc, dẫn đến hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng.
Nếu sử dụng thuốc Sunamo với các loại thực phẩm hoặc đồ uống như rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích,... có thể làm ảnh hưởng hoặc gây hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng với các thành phần có trong thuốc. Việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi sử dụng thuốc hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi kết hợp với thuốc khác hoặc đồ ăn, đồ uống khác là đặc biệt cần thiết.
Hy vọng với những chia sẻ về thuốc Sunamo sẽ giúp cho quá trình sử dụng thuốc ở bệnh nhân được hiệu quả, an toàn và đạt được kết quả cao khi điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.