Thuốc Sumatriptan được chỉ định trong điều trị cơn đau nửa đầu có hoặc không có triệu chứng báo trước, cơn đau do mạch máu ở mặt,...Vậy cách sử dụng thuốc Sumatriptan như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Sumatriptan qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Sumatriptan là thuốc gì?
- Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Sumatriptan
- Loại thuốc: Thuốc chủ vận thụ thể serotonin 5-HT1B, 1D, thuốc chống đau nửa đầu.
- Dạng thuốc: Viên nén (dưới dạng Sumatriptan Succinat): 50 - 100 mg.
- Hàm lượng: Dung dịch tiêm (dưới Sumatriptan dạng Sumatriptan Succinat): 12 mg/ml.
- Thuốc phun (xịt) mũi: 10 - 20 mg/ống. Mỗi ống tương đương 1 xịt duy nhất 10mg hay 20mg Sumatriptan.
2. Công dụng thuốc Sumatriptan
2.1 Chỉ định
Sumatriptan thuốc chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị cơn đau nửa đầu có hoặc không có triệu chứng báo trước: Dung dịch phun mũi đặc biệt thích hợp với người bệnh buồn nôn và nôn trong cơn.
- Điều trị cơn đau nửa đầu nặng, khi các điều trị khác không tác dụng trong các cơn trước.
- Điều trị cơn đau do mạch máu ở mặt (cơn đau nửa đầu kịch phát mạn tính, cluster headache): Dùng dung dịch tiêm.
2.2 Liều lượng và Cách dùng
Liều dùng:
Người lớn
Thuốc viên:
- Liều khuyến cáo uống 1 viên 50 mg, nên uống càng sớm càng tốt ngay sau khi cơn đau bắt đầu, mặc dù hiệu quả của thuốc có tác dụng ở bất cứ giai đoạn nào của cơn đau. Nếu không đỡ, không nên uống thêm liều thứ 2 trong cùng một cơn.
- Có thể dùng Paracetamol, Aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Sumatriptan có thể dùng cho những cơn sau tiếp theo. Nếu sau khi uống viên đầu tiên đã đỡ nhưng các triệu chứng lại tái lại, có thể dùng một viên thứ hai trong 24 giờ sau, với điều kiện phải bảo đảm một khoảng cách ít nhất 2 giờ giữa 2 lần uống.
- Liều 100 mg có thể cần cho một số người bệnh khi liều 50mg không hiệu quả. Không được vượt quá 300 mg/24 giờ, giữ một khoảng cách tối thiểu 2 giờ giữa 2 lần uống.
Dung dịch phun mũi:
- Liều khuyến cáo: 1 xịt vào 1 lỗ mũi. Liều đầu là 10 mg đã có hiệu quả. Nếu không đỡ với liều 10 mg, cơn sau có thể dùng liều 20 mg.
- Không khuyến cáo dùng liều thứ hai trong cùng một cơn.
- Tuy vậy, cơn này có thể điều trị bằng paracetamol, aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Nếu đã đỡ với liều đầu tiên nhưng các triệu chứng lại xuất hiện lại, có thể dùng một liều thứ hai trong 24 giờ sau, với điều kiện phải bảo đảm một khoảng cách tối thiểu 2 giờ giữa 2 lần dùng thuốc. Không dùng quá 2 lần xịt trong 24 giờ.
Dung dịch tiêm:
Dành cho người lớn trên 18 tuổi và dưới 65 tuổi: Cơn đau nửa đầu: 6 mg tiêm duới da càng sớm càng tốt. Nếu không đỡ sau mũi tiêm đầu, không khuyến cáo tiêm mũi thứ hai trong cùng một cơn. Tuy vậy, cơn này có thể điều trị bằng paracetamol, aspirin, hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Sumatriptan có thể dùng cho cơn sau. Nếu đã đỡ sau mũi tiêm đầu, nhưng triệu chứng trở lại, có thể tiêm mũi thứ hai trong 24 giờ sau, với điều kiện bảo đảm một khoảng cách tối thiểu 2 giờ giữa 2 lần tiêm.
Cơn đau nửa đầu ác tính mãn tính (cơn đau mạch máu ở mặt, cluster headache): Tiêm dưới da 6mg/lần cho mỗi cơn.
Trẻ em
- Thuốc viên và dung dịch tiêm: Trẻ em dưới 18 tuổi: Không khuyến cáo dùng vì chưa nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả.
- Dung dịch phun mũi: Thiếu niên trên 12 tuổi: Sử dụng giống liều người lớn.
Đối tượng khác
- Người cao tuổi: Kinh nghiệm sử dụng Sumatriptan ở bệnh nhân trên 65 tuổi còn hạn chế, việc sử dụng Sumatriptan không được khuyến cáo.
- Bệnh nhân suy gan: Đối với bệnh nhân suy gan nhẹ đến vừa, nếu cần thiết phải điều trị, liều duy nhất tối đa không được vượt quá 50 mg.
Cách dùng
Sumatriptan có thể uống (không nhai, uống với một cốc nước đầy) hoặc tiêm nhưng chỉ được tiêm dưới da và nên dùng dạng Sumatriptan Succinat tiêm vào mặt bên của đùi hoặc cơ delta. Thuốc cũng có thể phun vào mũi.
2.3 Quá liều - Quên liều và xử trí
Quá liều:
Liều duy nhất tới 200 mg (đường trực tràng), 40 mg (đường mũi), trên 16 mg tiêm dưới da và uống 400mg không gây tác dụng phụ nào đã được thông báo.
Đối với quá liều mãn tính, các dữ liệu hiện có từ theo dõi sau khi đưa ra thị trường và điều trị lâu dài cho thấy Sumatriptan tiêm dưới da hoặc uống không phải tăng dần liều hoặc có hội chứng cai thuốc. Phải tránh dùng Sumatriptan để dự phòng.
Xử trí:
Trong trường hợp quá liều, phải theo dõi người bệnh ít nhất 10 giờ và điều trị triệu chứng, nếu cần. Chưa biết tác dụng của thẩm phân máu và màng bụng đối với nồng độ Sumatriptan trong huyết tương.
Quên liều và xử trí:
Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
3. Tác dụng phụ của thuốc Sumatriptan
Thường gặp:
- Chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn cảm giác (dị cảm, giảm cảm giác), huyết áp tăng nhất thời, xảy ra ngay sau điều trị, nóng bừng, khó thở, buồn nôn, nôn (không xác định được do bệnh hay do thuốc), cảm giác nặng nề (thường nhất thời, nhưng có thể nặng và xảy ra ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể, kể cả lồng ngực và bụng).
- Đau, cảm giác nóng lạnh, cảm giác đè nén. Cảm giác yếu cơ, mệt mỏi (hai ADR này thường nhẹ và nhất thời).
- Phun mũi: Rối loạn vị giác, kích ứng nhẹ tạm thời, cảm giác bỏng ở mũi, họng, có thể chảy máu cam.
- Tiêm: Đau do phản ứng ở chỗ tiêm, nóng bừng, cảm giác nóng.
Hiếm gặp:
- Dị ứng ở da cho tới phản ứng phản vệ, co giật, động kinh có tiền sử hoặc không, run, loạn trương lực, rung giật nhãn cầu, ám điểm.
- Rối loạn thị lực, nhìn đôi, giảm thị lực, mất thị lực (đôi khi vĩnh viễn), tim đập chậm, đập nhanh, đánh trống ngực, loạn nhịp tim, hội chứng Raynaud, giảm huyết áp, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, cứng gáy.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sumatriptan
Chống chỉ định
Sumatriptan chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Quá mẫn với một trong các thành phần của thuốc.
- Tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim, co thắt động mạch vành (đau thắt cơ tim kiểu Prinzmetal), bệnh lý mạch ngoại biên.
- Tiền sử tai biến mạch máu não hoặc tai biến thiếu máu cục bộ não nhất thời.
- Suy gan nặng.
- Tăng huyết áp vừa hoặc nặng và tăng huyết áp nhẹ nhưng chưa kiểm soát được.
- Không dùng để dự phòng đau nửa đầu hoặc điều trị đau nửa đầu liệt nửa người hoặc nền sọ.
- Không dùng phối hợp Ergotamin hoặc các dẫn chất của Ergotamin (kể cả methysergid), IMAO (xem tương tác).
- Sumatriptan không được tiêm tĩnh mạch vì có nguy cơ gây co thắt động mạch vành.
Lưu ý
- Khi chưa được chẩn đoán cơn đau nửa đầu hoặc đã được chẩn đoán nhưng có triệu chứng không điển hình, cần thiết phải thăm khám kỹ để loại trừ các bệnh lý thần kinh khác có tiềm năng nặng.
- Cần chú ý người bệnh đau nửa đầu vì có nhiều nguy cơ bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu não cục bộ nhất thời.
- Sau khi uống Sumatriptan, có thể có những triệu chứng nhất thời như đau ngực, cảm giác chèn ép ngực lan lên họng, làm nghĩ đến cơn đau thắt ngực. Không được uống thêm liều bổ sung và phải thăm khám ngay.
- Không nên dùng Sumatriptan cho người nghi có bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, kể cả những người nghiện hút thuốc lá hoặc dùng thuốc thay thế có nicotin mà không được thăm khám tim mạch trước. Phải đặc biệt chú ý đến các phụ nữ mãn kinh và nam giới trên 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ.
- Hội chứng serotonin (thay đổi trạng thái tâm thần, biểu hiện thần kinh thực vật và rối loạn thần kinh cơ) đã xảy ra nhưng rất hiếm sau khi dùng phối hợp với một thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin và Sumatriptan. Phải theo dõi sát người bệnh. Không nên phối hợp một triptan/thuốc chủ vận 5-HT1 với Sumatriptan.
- Người có tiền sử co giật vì có thể có nguy cơ hạ thấp ngưỡng gây động kinh.
- Người suy gan hoặc suy thận. Người mẫn cảm với Sulfamid.
Lưu ý với phụ nữ có thai
Kinh nghiệm về sử dụng Sumatriptan trong khi mang thai còn hạn chế. Tuy nguyên nhân do thuốc chưa được xác định, đã có báo cáo một trường hợp không phát triển thể chai (Corpus Callosum) ở một trẻ nhỏ có mẹ dùng Sumatriptan vào tuần 4 và tuần 6 thai kỳ. Chỉ dùng Sumatriptan cho phụ nữ mang thai sau khi cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi.
Lưu ý với phụ nữ cho con bú
Sumatriptan phân bố vào sữa mẹ. Tránh cho con bú trong 12 giờ sau khi người mẹ điều trị, tiêm dưới da, hoặc phun mũi Sumatriptan.
Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
Không có nghiên cứu nào về ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc đã được thực hiện. Buồn ngủ có thể xảy ra do chứng đau nửa đầu hoặc điều trị bằng Sumatriptan. Do vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc
Tương tác với các thuốc khác
- Tránh dùng phối hợp Sumatriptan với bất cứ thuốc nào sau đây: Dẫn chất Ergot (cựa lúa mạch), chất ức chế MAO, Sibutramin.
- Làm tăng tác dụng/độc tính: Sumatriptan có thể làm tăng nồng độ/ tác dụng của dẫn chất cựa lúa mạch; thuốc điều hòa Serotonin.
- Nồng độ/tác dụng của Sumatriptan có thể tăng do dẫn chất của cựa lúa mạch, thuốc ức chế MAO, Sibutramin.
- Làm giảm tác dụng: Chưa biết có tương tác quan trọng nào làm giảm hiệu lực của Sumatriptan.
Tương tác với thực phẩm
- Tránh dùng chung với rượu, rượu làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa, loét và thủng khi dùng chung với Sumatriptan.
- Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.