Strychnin thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần có thành phần chính Strychnine sulfate giúp bổ trợ thần kinh, cơ và có hiệu lực với bệnh bại chân tay, đái rắt, kết ruột bàng quang, liệt thần kinh, bắp thịt mỏi mệt, liệt dương, người già ốm dậy, kích thích tiêu hoá cho người dưỡng bệnh.
1. Strychnin là thuốc gì?
Thuốc Strychnin có thành phần chính Strychnin sulfat, là alcaloid của hạt mã tiền được ưu tiên tác dụng trên tuỷ sống theo cơ chế chọn lọc và đối kháng cạnh tranh với glycin trên receptor glycin ở tuỷ sống, giúp kích thích phản xạ tuỷ, tăng dẫn truyền thần kinh và dinh dưỡng, hoạt động cơ.
Thuốc Strychnin gây kích thích tiêu hoá, tăng tiết dịch vị và nhu động ruột giúp ăn ngon dễ tiêu hơn. Ngoài ra thuốc Strychnin làm tăng nhạy cảm của các cơ quan cảm giác do kích thích vào trung tâm nghe, nhìn, ngửi. Thuốc Strychnin thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bổ trợ thần kinh, cơ;
- Bệnh nhân bại chân tay, đái rắt, kết ruột bàng quang;
- Bệnh nhân liệt thần kinh, bắp thịt mỏi mệt, liệt dương, người già ốm dậy;
- Kích thích tiêu hoá cho người dưỡng bệnh;
- Điều trị ngộ độc thuốc ngủ Barbituric và kích thích trong trường hợp mở não.
Thuốc chống chỉ định với các trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp, cứng động mạch, viêm mạch cấp tính, viêm gan, động kinh, bệnh giật rút (Tetanie) và Basedow.
2. Liều sử dụng của thuốc Strychnin
Thuốc Strychnin thường được bào chế dạng dung dịch tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Strychnin sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:
- Tiêm dưới da, người lớn: 0,5-1mg/ lần x 2-3 lần/ ngày;
- Tiêm bắp thịt: 1mg x 2 lần/ngày;
- Trong bệnh tê liệt thần kinh phải dùng liều tăng dần, bắt đầu từ 2mg, mỗi ngày tăng thêm 1mg, dần dần có thể lên tới 5mg/ ngày rối rút xuống mỗi ngày 2mg đến liều ban đầu;
- Liều tối đa cho người lớn: 2mg/ lần, 5 mg/ ngày;
- Liều tối đa cho trẻ em > 2 tuổi: 0,25mg/ lần; 0,5mg/ ngày;
- Trẻ em < 2 tuổi không được dùng thuốc Strychnin.
Khi sử dụng quá liều thuốc Strychnin có thể gây ra ngộ độc sau 15-30 phút và kéo dài nhiều giờ với các triệu chứng như:
- Co cứng cơ, đau cơ tiến triển toàn thân tạo thành tư thế ưỡn cong như bệnh uốn ván;
- Bộ mặt Strychnin: Co cơ mặt tạo ra khuôn mặt cau có, khó chịu và cố định, việc co kéo các cơ miệng làm bộc lộ cả 2 hàm răng ra ngoài;
- Các triệu chứng co cơ xuất hiện sau khi có một kích thích rất nhẹ lên cơ thể như nắn bóp, thăm khám;
- Tăng thân nhiệt, hội chứng tiêu cơ vân cấp, chèn ép khoang, myoglobin niệu và suy thận cấp;
Lúc này xử trí ngộ độc Strychnin chủ yếu là kiểm soát đường thở và hô hấp. Ngoài ra cần điều trị tình trạng tăng thân nhiệt và toan chuyển hoá nếu có, hạn chế kích thích lên người bệnh. Sau đó cần điều trị co cứng cơ, sử dụng các biện pháp hạn chế hấp thu (rửa dạ dày, than hoạt tính) và các biện pháp tăng cường đào thải chất độc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Strychnin
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Strychnin có thể gặp các tác dụng phụ sau:
- Dị ứng nhẹ như nổi ban, ngứa, đỏ da;
- Liều cao có thể gây ra ngộ độc do thần kinh bị kích thích quá mạnh và thậm chí là tử vong do ngừng hô hấp.
Nếu gặp các tác dụng không mong muốn sau khi sử dụng Strychnin, bạn cần phải ngừng sử dụng thuốc ngay, trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng cần tiến hành điều trị hỗ trợ như giữ thoáng khí, thở oxy, dùng kháng Histamin, Corticoid, Epinephrin.
Bài viết đã cung cấp thông tin Strychnin là thuốc gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Strychnin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều hoặc đưa đơn thuốc cho người khác sử dụng.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiêu cơ vân cấp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.