Thuốc Somatostatin được sử dụng phổ biến trong điều trị chảy máu cấp tính ở đường tiêu hóa trên như xuất huyết do loét dạ dày – tá tràng, bệnh nhân phình thực quản, viêm dạ dày chảy máu. Trong một số trường hợp, thuốc cũng được dùng trong dự phòng biến chứng hậu phẫu sau phẫu thuật tụy tạng.
1. Những công dụng của thuốc Somatostatin
Somatostatin là thuốc được bào chế ở dạng bột pha tiêm với bột pha dung dịch truyền tĩnh mạch. Đây vốn là hormone peptide có khả năng điều chỉnh nội tiết, phát triển tế bào và tác động đến dẫn truyền thần kinh thông qua hoạt động tương tác với protein-coupled G. Thuốc góp phần gây ức chế sản sinh các hormone thứ cấp. Ngoài ra, cơ chế hoạt động của Somatostatin cũng gây ức chế sản xuất insulin và glucagon.
Về những tác động đối với dạ dày, Somatostatin có khả năng ngăn chặn các thành phần trung gian (serotonin, histamin và gastrin). Từ đây sẽ kiềm chế quá trình sản xuất acid dạ dày và làm chậm quá trình tiêu hóa. Do Somatostatin giữ vai trò là một chất chuyển vận tại chỗ, bởi thế thuốc sẽ có chức năng trong việc điều hòa việc bài tiết lượng nội tiết tố và ngoại tiết tố cũng như điều khiển nhu động đường tiêu hóa.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Somatostatin
2.1. Chỉ định
Thuốc Somatostatin thường được sử dụng trong điều trị những bệnh lý sau:
- Sử dụng thuốc trong dự phòng biến chứng sau phẫu thuật tụy tạng.
- Hỗ trợ điều trị chảy máu cấp tính ở đường tiêu hóa trên với các bệnh như xuất huyết do loét dạ dày – tá tràng, phình thực quản, viêm dạ dày dẫn đến chảy máu,...
- Hỗ trợ điều trị viêm tụy cách tính và lỗ rò tụy tạng.
- Hỗ trợ điều trị tăng tiết quá mức các bướu nội tiết đường tiêu hóa.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường ở bệnh nhân nhiễm acid – ceton.
Một số trường hợp khác có thể sử dụng Somatostatin khi có chỉ định của bác sĩ.
2.2. Chống chỉ định
Ngoài chỉ định, bạn cũng cần chú ý Somatostatin chống chỉ định cho những đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú đặc biệt là phụ nữ ở những tháng cuối thai kỳ, trong giai đoạn chuyển dạ, sắp sinh.
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc Somatostatin.
3. Cách sử dụng và liều dùng Somatostatin
Somatostatin là thuốc được sử dụng bằng cách tiêm/ truyền tĩnh mạch với liều dùng tham khảo như sau:
3.1. Somatostatin điều trị chảy máu đường tiêu hóa trên
- Sử dụng thuốc để truyền tĩnh mạch liên tục 3.5mcg/ kg trong thời gian 1 giờ.
- Có thể sử dụng thuốc để tiêm tĩnh mạch chậm (nhiều hơn 3 phút), chú ý kiểm tra huyết áp động mạch trước khi truyền.
- Nên dùng thuốc trong 48 – 72 giờ để giảm thiểu tình trạng chảy máu, đồng thời hạn chế xuất huyết mới.
- Thời gian điều trị Somatostatin tối đa là 120 giờ.
3.2. Điều trị dự phòng biến chứng sau phẫu thuật tụy tạng
Trong trường hợp này, Somatostatin được dùng trong lúc phẫu thuật và sau phẫu thuật.
- Liều dùng thông thường là 3.5mcg/ kg/ giờ.
- Nên duy trì thuốc Somatostatin trong khoảng 5 ngày sau phẫu thuật.
3.3. Hỗ trợ điều trị bệnh nhân tiểu đường nhiễm toan ceton
- Sử dụng Somatostatin với insulin với liều 10 đơn vị và truyền tĩnh mạch từ 1 – 4.8 đơn vị trong thời gian 1 giờ.
- Sau 4 giờ, nồng độ glucose huyết của bệnh nhân sẽ ổn định trở lại.
3.4. Somatostatin điều trị bệnh nhân viêm tụy cấp và lỗ rò tụy tạng
- Sử dụng thuốc để truyền tĩnh mạch 3.5mcg/ kg/ giờ.
- Bệnh nhân cần được duy trì truyền tĩnh mạch trong thời gian từ 7 – 10 ngày.
- Với những trường hợp bệnh nặng có thể cân nhắc điều trị trong thời gian 15 ngày.
4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Somatostatin
Somatostatin có khả năng ức chế sản sinh insulin nên việc sử dụng thuốc có thể gây hạ đường huyết sau khi tiêm truyền.
Trong một số trường hợp tiêm truyền quá nhanh, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, đỏ bừng mặt và đau bụng. Về cơ bản, tác dụng phụ của thuốc khá ít gặp, chỉ xuất hiện thoáng qua và sẽ sớm biến mất khi bạn ngưng dùng thuốc.
5. Tương tác thuốc Somatostatin
Khi pha dung dịch tiêm truyền Somatostatin, không nên pha với dung dịch chứa fructose hay glucose, bởi sẽ dẫn đến tương tác thuốc, gây giảm tác dụng của thuốc.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Somatostatin
Việc sử dụng thuốc Somatostatin có thể gây ra tác dụng ngược nên khi dùng thuốc phải có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Somatostatin có khả năng ngăn cản quá trình sản sinh glucagon và insulin nên cần hết sức thận trọng khi sử dụng cho người bệnh phụ thuộc insulin. Trong quá trình dùng thuốc cần dõi đường huyết chặt chẽ để kịp thời phát hiện tình trạng hạ đường huyết.
Những bệnh nhân bị dò đường tiêu hóa cần điều trị thuốc dài hạn. Bệnh nhân nên được theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa trước khi ngưng điều trị.
Somatostatin có thể gây ức chế sự hấp thu của ruột nên đôi khi bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân sử dụng dinh dưỡng đường tiêm đồng thời để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Somatostatin. Để dùng thuốc đúng cách, giúp phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn cần tuân thủ theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc để tiêm, truyền tại nhà sẽ dẫn đến những biến chứng, tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.