Thuốc Sodilena được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Amisulpride. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh tâm thần, đặc biệt là tâm thần phân liệt.
1. Thuốc Sodilena có tác dụng gì?
Thuốc Sodilena là thuốc gì? Một viên thuốc Sodilena có chứa 200mg Amisulpride và các tá dược khác. Amisulpride là thuốc chống loạn thần nhóm benzamides. Amisulpride có hiệu lực chống rối loạn tâm thần.
Thuốc Sodilena được chỉ định điều trị các bệnh tâm thần, tiêu biểu là rối loạn tâm thần phân liệt cấp tính và mãn tính. Người bệnh có thể có biểu hiện triệu chứng (ảo giác, hoang tưởng, rối loạn suy nghĩ,...) hoặc không có triệu chứng (không biểu lộ cảm xúc, thích sốc cô lập,...), kể cả trường hợp không có triệu chứng chiếm ưu thế.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Sodilena:
- Bệnh nhân quá mẫn hoặc dị ứng với thành phần của thuốc;
- Một số trường hợp cao huyết nặng được ghi nhận ở bệnh nhân u tế bào ưa crom dùng thuốc kháng dopaminergic (trong đó có một số loại thuốc thuộc nhóm benzamides như Amisulpride). Do vậy, không chỉ định dùng thuốc cho người bệnh đã xác định hoặc nghi ngờ mắc u tủy thượng thận;
- Trẻ em dưới 15 tuổi (do thiếu số liệu lâm sàng về việc dùng thuốc cho những trẻ ở dưới độ tuổi này);
- Người có bướu lệ thuộc prolactin đã được xác định hoặc nghi ngờ (ví dụ adenoma tuyến yên, ung thư vú);
- Sử dụng cùng với Levodopa;
- Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút);
- Phụ nữ mang thai.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Sodilena
Thuốc được sử dụng bằng đường uống với liều dùng khuyến cáo như sau:
- Với liều ≤ 400mg thì dùng 1 lần duy nhất, với liều trên 400mg thì dùng 2 lần;
- Liều tối đa với thuốc dạng tiêm bắp là: 400mg/ngày;
- Ở giai đoạn các triệu chứng âm tính chiếm ưu thế: Dùng liều 50 - 300mg/ngày, nên điều chỉnh liều ở từng bệnh nhân. Liều dùng thuốc tối ưu trong khoảng 100mg/ngày;
- Ở giai đoạn hỗn hợp (có cả triệu chứng dương tính và âm tính): Khởi đầu điều trị dùng liều để kiểm soát triệu chứng dương tính, thông thường 400 - 800mg/ngày. Sau đó, nên điều chỉnh liều dùng thuốc theo đáp ứng của người bệnh để đạt được liều dùng tối thiểu có hiệu quả;
- Ở giai đoạn có các cơn rối loạn tâm thần cấp tính: Khởi đầu điều trị với liều có hiệu quả ngay khi bắt đầu mà không cần dò liều. Liều khuyến cáo với dạng uống là 400 - 800mg/ngày, liều tối đa không vượt quá 1200mg/ngày. Tiếp theo, liều duy trì hoặc được điều chỉnh theo đáp ứng của người bệnh. Trong mọi trường hợp, nên tìm liều tối thiểu có hiệu quả cho từng người bệnh;
- Bệnh nhân suy thận: Do thuốc Amisulpride được đào thải qua thận nên liều dùng cho người bệnh suy thận nên giảm 1⁄2 đối với người bệnh có Clcr 30 - 60ml/phút, giảm còn 1⁄3 ở người bệnh có Clcr 10 - 30ml/phút. Hiện chưa có dữ liệu dùng thuốc Sodilena ở người bệnh suy thận nặng có Clcr dưới 10ml/phút nên chống chỉ định dùng thuốc Amisulpride cho nhóm bệnh nhân này;
- Bệnh nhân suy gan: Vì Amisulpride chuyển hóa kém ở gan nên không cần thiết phải giảm liều dùng thuốc ở người bệnh suy gan.
Cho tới nay, chưa có nhiều dữ liệu về quá liều cấp tính đối với Amisulpride. Các dấu hiệu, triệu chứng được ghi nhận thường là tăng cường tác động dược lý, biểu hiện cụ thể là ngủ li bì, hạ huyết áp, hôn mê và hội chứng ngoại tháp.
Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu cho Amisulpride. Trong trường hợp người bệnh bị ngộ độc cấp tính, nên tìm hiểu xem có phối hợp với thuốc nào hay không, tiến hành các biện pháp cấp cứu thích hợp như theo dõi các chức năng sống, theo dõi điện tâm đồ (đoạn QT) cho tới khi người bệnh hồi phục. Trường hợp xảy ra hội chứng ngoại tháp nặng thì bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng cholinergic.
3. Tác dụng phụ của thuốc Sodilena
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Sodilena gồm:
- Thường gặp: Tăng prolactin máu, thường hồi phục khi ngưng thuốc. Tình trạng này có thể gây một số triệu chứng lâm sàng như vú to ở nam giới, tăng tiết sữa, bất lực, căng vú, lãnh cảm;
- Hiếm gặp: Buồn ngủ; rối loạn tiêu hóa (khô miệng, buồn nôn, nôn ói, táo bón)
- Rất hiếm gặp:
- Loạn trương lực cơ cấp tính (xoay mắt, vẹo cổ, cứng khít hàm,...) có thể xảy ra. Các rối loạn này sẽ khỏi khi người bệnh dùng thuốc chống liệt rung kháng cholinergic. Vì vậy, không cần ngưng dùng thuốc Amisulpride;
- Rối loạn vận động muộn đặc trưng bởi tình trạng vận động không tự chủ ở lưỡi hoặc mặt (đặc biệt khi dùng thuốc kéo dài). Với trường hợp này, việc sử dụng thuốc chống liệt rung kháng cholinergic không có hiệu quả, thậm chí khiến triệu chứng nặng thêm;
- Triệu chứng khác: Hạ huyết áp, chậm nhịp tim, kéo dài đoạn QT (rất hiếm khi gây xoắn đỉnh), dị ứng, xuất hiện cơn co giật, hội chứng ác tính.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Sodilena
Trước và trong khi dùng thuốc Sodilena, người bệnh cần lưu ý:
- Amisulpride có thể gây ra hội chứng ác tính (cứng cơ, tăng thân nhiệt, mất nhận thức, rối loạn thần kinh thực vật, tăng CPK - creatine phosphokinase,...). Trường hợp bị tăng thân nhiệt, đặc biệt là khi dùng thuốc liều cao dài ngày, người bệnh nên ngưng thuốc ngay;
- Tùy thuộc vào liều dùng, thuốc Amisulpride có thể gây kéo dài đoạn QT, dễ dẫn đến các rối loạn nhịp thấp kiểu gây xoắn đỉnh. Tác động này sẽ được tăng cường nếu người bệnh bị hạ kali huyết, chậm nhịp tim, QT dài bẩm sinh hoặc do phối hợp với các loại thuốc kéo dài đoạn QT;
- Trường hợp lâm sàng cho phép, trước khi chỉ định sử dụng thuốc Amisulpride, người bệnh nên được kiểm tra chắc chắn rằng không có những tác nhân có thể gây loạn nhịp tim như: Hạ kali huyết; nhịp tim chậm dưới 55 nhịp/phút; đoạn QT dài bẩm sinh; đang dùng các thuốc có thể gây chậm nhịp tim đáng kể (dưới 55 nhịp/phút), thuốc làm chậm dẫn truyền trong tim, thuốc làm hạ kali huyết, thuốc kéo dài đoạn QT,...;
- Nên làm điện não đồ trước khi điều trị dài hạn bằng các thuốc an thần kinh;
- Các thuốc an thần kinh có thể làm giảm ngưỡng gây động kinh nên cần thận trọng, theo dõi chặt chẽ khi sử dụng Amisulpride cho những bệnh nhân có tiền sử bị bệnh động kinh;
- Thận trọng khi dùng thuốc Amisulpride cho người cao tuổi do nhóm đối tượng này thường nhạy cảm cao với thuốc;
- Chỉ nên chỉ định sử dụng thuốc an thần kinh cho bệnh nhân parkinson khi thực sự cần thiết.
5. Tương tác thuốc Sodilena
Một số tương tác thuốc của Sodilena gồm:
- Không nên phối hợp thuốc Sodilena với Levodopa do có đối kháng tương tranh giữa Levodopa với sc thuốc an thần kinh. Trường hợp xảy ra hội chứng ngoại tháp gây ra bởi các thuốc an thần kinh thì không được điều trị bằng Levodopa mà nên sử dụng 1 thuốc kháng cholinergic. Với những bệnh nhân bị parkinson được điều trị bằng Levodopa, trường hợp cần phải dùng thêm thuốc an thần kinh thì không nên tiếp tục dùng Levodopa do có khả năng làm nặng thêm các rối loạn tâm thần, không có hiệu quả vì các thụ thể đã bị phong bế bởi tác dụng của các thuốc an thần kinh;
- Không nên phối hợp thuốc Sodilena với rượu vì rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc an thần kinh. Khi bị giảm tập trung và tỉnh táo, người bệnh có thể bị nguy hiểm khi lái xe hoặc vận hành máy móc. Nên tránh uống rượu hay thức uống có cồn trong thời gian dùng thuốc Sodilena;
- Thận trọng khi phối hợp thuốc Sodilena với thuốc trị cao huyết áp do hiệp đồng tác dụng trên việc hạ huyết áp, có thể dẫn đến hạ huyết áp tư thế;
- Thận trọng khi phối hợp thuốc Sodilena với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như thuốc giảm đau và chống ho họ morphine, thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần, thuốc giải lo âu, thuốc kháng histamin H1 có tác dụng an thần, thuốc thuộc nhóm barbiturat, clonidine, thuốc ngủ, methadone, thalidomide,... Nguyên nhân là vì sự phối hợp này có thể làm tăng ức chế thần kinh trung ương, giảm tỉnh táo, có thể gây nguy hiểm khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
Sử dụng thuốc Sodilena đúng theo khuyến nghị của bác sĩ là biện pháp tiên quyết để điều trị bệnh hiệu quả. Do đó, người bệnh nên phối hợp với mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.