Smetstad là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tiêu chảy cấp và mãn tính. Để dùng thuốc hiệu quả, an toàn, người bệnh có thể tìm hiểu về công dụng, liều dùng trong bài viết dưới đây.
1. Thuốc Smetstad công dụng thế nào?
Thành phần chính của Smetstad là hoạt chất Diosmectit với hàm lượng 3g. Đây vốn là hoạt chất có cấu trúc từng lớp và tính nhầy cao, có khả năng bao phủ niêm mạc tiêu hóa mạnh. Khi tương tác với glycoprotein của chất nhầy niêm mạc, diosmectite sẽ gia tăng khả năng chịu đựng của lớp gel niêm mạc khi gặp các tác nhân tấn công vào cơ thể.
Khả năng bảo vệ niêm mạc tiêu hóa của Diosmectit phát huy tốt nhờ tính năng kết dính cao và tác động trên hàng rào niêm mạc tiêu hóa.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Smetstad
2.1. Chỉ định dùng thuốc Smetstad
Với tác dụng trên, thuốc Smetstad được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:
- Dùng thuốc trong điều trị tiêu chảy cấp ở đối tượng người lớn và trẻ nhỏ kết hợp với việc bổ sung nước, các chất điện giải đường uống.
- Sử dụng Smetstad điều trị triệu chứng trong tiêu chảy mạn tính ở người lớn.
- Hỗ trợ giảm đau liên quan đến rối loạn chức năng ruột ở người lớn.
2.2. Chống chỉ định thuốc Smetstad
Không dùng Smetstad cho bệnh nhân nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, trẻ em tiêu chảy cấp mất nước và điện giải nặng.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Smetstad
Liều dùng thuốc Smetstad:
- Người lớn: Mỗi lần dùng 1 gói Smetstad, chia làm 3 lần uống trong ngày. Với những trường hợp bị ỉa chảy cấp cần tăng liều gấp hai lần.
- Trẻ em trên 2 tuổi: Sử dụng từ 2 đến 3 gói/ngày.
- Trẻ em từ 1 đến 2 tuổi: Sử dụng từ 1 đến 2 gói/ngày.
- Trẻ em dưới 1 tuổi: Sử dụng Smetstad với liều 1 gói/ngày.
Cách dùng thuốc Smetstad:
- Do thuốc Smetstad được bào chế dạng bột pha uống nên bệnh nhân có thể hòa với nước khi uống để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Thời điểm dùng thuốc lý tưởng là sau mỗi bữa ăn hàng ngày.
- Bệnh nhân cần chú ý tuân thủ theo liều dùng quy định hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Không nên uống quá liều, đặc biệt nên dùng thuốc liên tục để có thể đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.
4. Tác dụng phụ của thuốc Smetstad
Thuốc Smetstad có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ cho người sử dụng, phổ biến là táo bón hoặc tình trạng táo bón nặng. Lúc này, bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị bằng cách giảm liều.
Trong quá trình điều trị tiêu chảy bằng Smetstad, nếu bệnh nhân nhận thấy xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào dù là mức độ nhẹ nghi ngờ do sử dụng thuốc, hãy liên hệ bác sĩ điều trị để có thể xử trí kịp thời.
5. Thận trọng khi dùng Smetstad
- Trong trường hợp bệnh nhân bị sốt, lưu ý không dùng thuốc Smetstad quá 2 ngày.
- Đối với những bệnh nhân mắc viêm thực quản, nên sử dụng thuốc ngay sau bữa ăn để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh ảnh hưởng sức khỏe.
- Smetstad không điều trị mất nước nên người bệnh cần áp dụng thêm các biện pháp bù nước như thông qua đường uống, tiêm truyền tĩnh mạch tùy thuộc vào mức độ tiêu chảy, độ tuổi và tình trạng bệnh nhân.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho những bệnh nhân có tiền sử táo bón mạn tính nghiêm trọng.
- Trong thời gian điều trị, người bệnh nên ăn cơm và đồ nấu chín. Đặc biệt cần tránh dùng một số loại thực phẩm, đặc biệt là rau sống, thực phẩm và đồ uống đông lạnh.
- Khuyến cáo không sử dụng Smetstad cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú.
Trên đây là những thông tin cơ bản về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Smetstad. Để biết cách sử dụng thuốc phù hợp nhất, người bệnh hãy liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.