Công dụng thuốc Sibelium

Sibelium là thuốc kê đơn, dùng điều trị triệu chứng và dự phòng của chứng đau nửa đầu. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Sibelium, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Sibelium công dụng là gì?

1.1 Thuốc Sibelium là thuốc gì?

Thuốc Sibelium thuộc nhóm thuốc trị đau nửa đầu, có số đăng ký VN-15477-12, do công ty dược Janssen – Bỉ sản xuất.

Thuốc được bào chế dạng viên nén, vỉ 20 viên, hộp 5 vỉ. Với các thành phần:

  • Hoạt chất chính: 5,9mg Flunarizine Dihydroclorid tương đương với Flunarizine hàm lượng 5,0mg.
  • Tá dược: Tinh bột ngô, lactose monohydrat, hypromellose 2910 15mPa.s, polysorbate 20, natri croscarmellose, silic dioxyd dạng keo khan, cellulose vi tinh thể, và magnesi stearat.

Thuốc Sibelium khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.

1.2. Thuốc Sibelium có tác dụng gì?

Sibelium được kê đơn chỉ định trong những trường hợp:

  • Điều trị và dự phòng hội chứng đau nửa đầu.
  • Điều trị triệu chứng của rối loạn tiền đình: Chóng mặt, hoa mắt, ù tai.
  • Điều trị chứng rối loạn trí nhớ, thiếu tập trung, kích động và rối loạn giấc ngủ.
  • Điều trị triệu chứng co cứng cơ khi đi bộ hoặc nằm, lạnh đầu chi và dị cảm.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Flunarizine hay bất cứ thành phần tá dược nào được nêu trên đây của thuốc.
  • Bệnh nhân đã bị bệnh Parkinson từ trước khi điều trị
  • Bệnh nhân mất khả năng cầm máu hoàn toàn sau khi bị xuất huyết nội sọ.
  • Bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim cấp tính.
  • Có tiền sử đã từng có triệu chứng ngoại tháp.
  • Bệnh nhân bị trầm cảm hoặc có tiền sử đã từng bị trầm cảm.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi.

2. Cách sử dụng của thuốc Sibelium

2.1. Cách dùng thuốc Sibelium

  • Thuốc Sibelium dùng đường uống, nên uống thuốc trước khi đi ngủ do tác dụng phụ của thuốc gây ngủ gà.
  • Uống nguyên viên thuốc cùng với cốc nước lọc, không nghiền nát viên thuốc hay trộn chung thuốc với dung dịch hay hỗn hợp nào khác.
  • Tuân thủ đúng liều chỉ định của bác sĩ điều trị, không thêm hay bớt liều dùng để thuốc phát huy được tác dụng điều trị.

2.2. Liều dùng của thuốc Sibelium

Người trưởng thành dưới 65 tuổi:

  • Liều 5mg/ ngày (tương đương 1 viên), uống vào buổi tối, trong 4 đến 8 tuần. Nếu có triệu chứng của trầm cảm hay triệu chứng ngoại tháp cần ngưng sử dụng thuốc ngay.
  • Nếu sau 8 tuần điều trị bằng Sibelium không có sự cải thiện, xem như bệnh nhân không đáp ứng với điều trị và nên chuyển thuốc khác.
  • Nếu đáp ứng trên lâm sàng không đầy đủ, có thể tăng liều lên đến 10mg/ ngày (tương đương 2 viên) nhưng cần cân nhắc trong khả năng dung nạp thuốc.
  • Thời gian điều trị thuốc không quá 6 tháng.

Người cao tuổi trên 65 tuổi:

Liều 5mg/ ngày (tương đương 1 viên), uống vào buổi tối, trong 4 đến 8 tuần.

  • Nếu có triệu chứng của trầm cảm hay triệu chứng ngoại tháp cần ngưng sử dụng thuốc ngay.
  • Nếu sau 8 tuần điều trị bằng Sibelium không có sự cải thiện, xem như bệnh nhân không đáp ứng với điều trị và nên chuyển thuốc khác.

Trẻ em:

  • Thời gian điều trị với trẻ không quá 6 tháng.
  • Trẻ em từ 12 tuổi trở lên: với những trường hợp khi đau nửa đầu đang có chiều hướng giảm: 5mg/ngày, uống vào buổi tối.

Xử lý khi quên liều:

  • Để thuốc Sibelium phát huy tác dụng điều trị cố gắng không quên liều. Thuốc thường uống trước khi đi ngủ nên nếu bạn không nhớ có thể nhờ người thân nhắc hộ hoặc đặt lịch ghi nhớ.
  • Nếu đã quên một ngày không uống gấp đôi liều vào ngày hôm sau.

Xử trí khi quá liều:

  • Quá liều (với liều trên 600mg) có thể gây ra an thần, kích động và nhịp tim nhanh.
  • Trong trường hợp này dung các liệu pháp hỗ trợ như tiến hành rửa dạ dày và nếu cần thiết thì có thể dùng than hoạt tính. Vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Sibelium

  • Không dùng thuốc Sibelium khi đã quá hạn sử dụng,thuốc bị mốc, có mùi lạ, hay vỏ thuốc bị hở.
  • Do hoạt chất Flunarizin có thể làm tăng các triệu chứng ngoại tháp (vận động chậm, liệt mặt ngoại tháp, đứng ngồi không yên) và trầm cảm (mệt mỏi, mất sức, rối loạn giấc ngủ, cảm thấy kích động hoặc vô dụng, hay nghĩ đến cái chết) hay bộc phát hội chứng Parkinson (run, giật), đặc biệt với người cao tuổi. Bởi vậy, cần thận trọng khi sử dụng Sibelium trên các bệnh nhân này.
  • Không sử dụng Sibelium quá liều khuyến cáo. Bệnh nhân cần được khám định kỳ đều đặn (thông thường 1 tháng 1 lần), đặc biệt trong thời gian điều trị duy trì để có thể phát hiện sớm các triệu chứng thần kinh và ngừng điều trị kịp thời.
  • Với một vài trường hợp triệu chứng ngoại tháp có thể xuất hiện muộn (sau khoảng 1 năm). Đa phần các trường hợp không nặng, nhưng có thể tồn tại nhiều tháng sau khi ngưng dừng thuốc. Sự cải thiện ở bệnh nhân có thể không hoàn toàn và có thể cần một liệu trình điều trị bằng thuốc chống Parkinson. Một số ít trường hợp, triệu chứng này có thể tồn tại mặc dù đã được can thiệp điều trị.
  • Các trường hợp hội chứng trầm cảm đã được báo cáo, xuất hiện sau 5 đến 8 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị. Các trường hợp này thường không nặng, nhưng trong một vài trường hợp, phải kê đơn thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân hoặc điều trị trong bệnh viện nếu cần.
  • Bệnh nhân có thể tăng cân khi điều trị với chế phẩm có chứa Flunarizin.
  • Thuốc này có chứa lactose. Những bệnh nhân được khuyên không nên dùng thuốc trong trường hợp không dung nạp với lactose, thiếu men tiêu hóa lactose (Lapp lactase) hoặc mắc hội chứng rối loạn hấp thu glucose-galactose (bệnh di truyền hiếm gặp).
  • Do Sibelium có tác dụng an thần hay gây ngủ gà có thể xảy ra ở một vài bệnh nhân nên không nên vận hành máy móc hay lái xe trong khi dùng thuốc để tránh xảy ra tai nạn.
  • Phụ nữ đang cho con bú cần cân nhắc lợi ích cũng như nguy cơ mang lại khi sử dụng Sibelium.

4. Tác dụng phụ của thuốc Sibelium

Ở liều điều trị, thuốc Sibelium được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Sibelium, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

  • Viêm mũi;
  • Tăng cảm giác thèm ăn;
  • Trầm cảm, mất ngủ;
  • Ngủ gà;
  • Bất thường phối hợp vận động, mất định hướng, ngủ lịm, dị cảm, bồn chồn không yên, chậm chạp, uể oải, ù tai và vẹo cổ;
  • Chứng bồn chồn đứng ngồi không yên, vận động chậm chạp, cứng cơ dạng bánh xe răng cưa, rối loạn vận động, run nguyên phát, rối loạn ngoại tháp, hội chứng Parkinson, buồn ngủ và run;
  • Hồi hộp đánh trống ngực.
  • Hạ huyết áp;
  • Táo bón, khó chịu ở dạ dày và buồn nôn;
  • Tắc ruột, khô miệng, rối loạn dạ dày - ruột;
  • Tăng men gan;
  • Tăng tiết mồ hôi;
  • Phát ban;
  • Đau cơ;
  • Co thắt cơ và giật cơ;
  • Cứng cơ;
  • Kinh nguyệt không đều và đau vú;
  • Rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, thưa kinh, phì đại tuyến vú và giảm khả năng tình dục;
  • Tăng tiết sữa;
  • Mệt mỏi;
  • Phù nề toàn thân, phù nề ngoại vi và suy nhược;
  • Tăng cân.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Sibelium và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Sibelium

Các thuốc Atropinic:

  • Cân nhắc khi sử dụng các hoạt chất Atropinic cùng với nhau có thể làm tăng tác dụng không mong muốn của các thuốc này và tăng nhãn áp cấp tính, tăng nguy cơ bí tiểu, táo bón, khô miệng, v.v.
  • Các thuốc Atropinic khác nhau bao gồm các thuốc điều trị Parkinson kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm Imipramine, hầu hết các thuốc kháng histamin H1, thuốc chống co thắt Atropinic, Disopyramide, thuốc an thần kinh Phenothiazin và Clozapine.

Các thuốc an thần:

Cân nhắc khi sử dụng chung Sibelium với các thuốc hoặc hoạt chất có thể làm tăng tác dụng an thần của chúng trên hệ thống thần kinh trung ương và góp phần làm giảm cảnh giác. Ví dụ như các dẫn xuất morphin (điều trị giảm đau, điều trị thay thế và chữa ho), các thuốc nhóm barbiturat, thuốc an thần kinh, thuốc ngủ, các thuốc nhóm benzodiazepin, các thuốc giải lo âu khác không thuộc nhóm benzodiazepin (ví dụ Meprobamat), thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần (Amitriptylin, Doxepin, Mianserin, Mirtazapine, Trimipramin), thuốc kháng histamin H1 có tác dụng an thần, thuốc điều trị tăng huyết áp tác dụng lên thần kinh trung ương, Baclofen và Thalidomid.

Các kết hợp không được khuyến cáo

  • Rượu/cồn: Rượu làm tăng tác dụng an thần của Sibelium.

6. Cách bảo quản thuốc Sibelium

  • Thời gian bảo quản thuốc Sibelium là 36 tháng từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản Sibelium trong bao bì gốc của thuốc ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tại những nơi khô ráo thoáng mát, tránh xa khỏi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, các nguồn nhiệt như lò nướng, tủ lạnh hay tivi và những nơi có độ ẩm dưới 70%.
  • Để thuốc ở nơi trẻ không với tay tới được.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Sibelium, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Sibelium là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe