Thuốc Sepemax được kê đơn sử dụng để khắc phục hiệu quả các tình trạng như tăng huyết áp vô căn, hạ kali huyết, phù do suy tim sung huyết, hội chứng thận hư,... Trước và trong suốt quá trình điều trị bằng Sepemax, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ để dùng thuốc an toàn và sớm đạt kết quả.
1. Thuốc Sepemax là thuốc gì?
Sepemax thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ và hiện được lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Thuốc Sepemax được sử dụng chủ yếu để điều trị các trường hợp như tăng huyết áp mức nhẹ, thận hư, báng bụng,... Sepemax được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và đóng gói theo quy cách hộp 2 vỉ x 10 viên.
Thành phần hoạt chất chính trong Sepemax là Spironolactone và Furosemide với hàm lượng tương ứng 50mg và 20mg. Ngoài ra, nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số tác dược khác có tác dụng phụ trợ và nâng cao hiệu quả điều trị của các hoạt chất trong Sepemax.
2. Thuốc Sepemax có tác dụng gì?
2.1. Công dụng của các dược chất chính trong thuốc Sepemax
Mỗi hoạt chất trong thuốc Sepemax sẽ giữ vai trò khác nhau, đồng thời giúp hỗ trợ các đặc tính dược động học cũng như dược lực học của nhau, cụ thể:
Hoạt chất Spironolactone
Được biết đến là một chất đối kháng thụ thể Mineralocorticoid, có khả năng ức chế cạnh tranh mạnh mẽ với các Aldosteron, từ đó làm tăng bài tiết nước và natri. Mặt khác, Spironolactone trong thuốc Sepemax còn có tác dụng làm giảm sự bài tiết của các phosphat, amoni (NH4+), H+, ion kali và magnesi. Sau khoảng 2 – 3 ngày dùng thuốc, Spironolactone mới bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nguy cơ gây bài niệu nhanh có thể xảy ra khi người bệnh ngưng dùng thuốc. Các chất chuyển hoá chính của Spironolactone là Canrenone và 7-alpha-thiomethyl-spironolacton đều có khả năng chống Mineralocorticoid.
Theo nghiên cứu cho thấy, chỉ sau 2 tuần điều trị bằng Spironolactone, mức huyết áp tâm trương và tâm thu của người bệnh được giảm tối đa. Liều lượng sử dụng Spironolactone cho bệnh nhân sẽ được điều chỉnh cụ thể dựa trên đáp ứng điều trị. Nguy cơ tăng Aldosteron thứ phát có thể xảy ra khi bệnh nhân bị phù thứ phát do hội chứng thận hư, xơ gan, sau trị liệu với thuốc lợi tiểu thông thường hoặc suy tim sung huyết.
Tác dụng lợi tiểu của hoạt chất Spironolactone trong thuốc Sepemax sẽ được tăng lên đáng kể khi kết hợp cùng một số loại thuốc lợi tiểu thông thường khác. Ngoài ra, hoạt chất này cũng không làm tăng mức glucose hoặc acid uric trong máu.
Hoạt chất Furosemide
Một hoạt chất khác được phối hợp với Spironolactone trong thuốc Sepemax là Furosemide – thuốc lợi tiểu thuộc dẫn chất Sulfonamid. Theo nghiên cứu cho thấy, Furosemide mang lại tác dụng mạnh ở nhanh trên của quai Henle, vì vậy nó được xếp vào phân nhóm thuốc lợi tiểu quai.
Furosemide có khả năng ức chế các chất đồng vận chuyển K+, Na+ và 2Cl-. Ngoài ra, hoạt chất Furosemide còn giúp làm tăng quá trình thải trừ các chất điện giải, đồng thời tăng bài tiết nước. Vì tác dụng lợi tiểu của Furosemide mạnh, do đó hoạt chất này có thể làm hạ huyết áp mức yếu. Tuy nhiên, không nên dùng Furosemide cho người bị phù phổi do nguy cơ tăng thể tích tĩnh mạch và làm giảm huyết áp tiền gánh cho thấy trái.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Sepemax
Thuốc Sepemax được dùng theo đơn của bác sĩ để điều trị cho các tình trạng sức khoẻ dưới đây:
- Điều trị tăng Aldosteron huyết nguyên hoặc thứ phát.
- Dùng cùng với các loại thuốc lợi tiểu giảm K+ trong máu nhằm điều trị hiệu quả tình trạng phù do suy tim sung huyết, suy tim mạn hoặc xơ gan cổ trướng.
- Điều trị hội chứng thận hư trong trường hợp dùng các loại thuốc lợi tiểu khác không mang lại hiệu quả.
- Phối hợp cùng các loại thuốc chống cao huyết áp khác để điều trị tình trạng cao huyết áp vô căn, nhất là người bệnh bị giảm kali huyết.
- Điều trị tình trạng giảm kali huyết khi những biện pháp khác không kiểm soát được.
- Phòng ngừa nguy cơ giảm kali huyết ở những người đang sử dụng thuốc Digitalis.
Tuy nhiên, chống chỉ định sử dụng thuốc Sepemax cho các đối tượng dưới đây khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ:
- Người bị rối loạn chức năng gan.
- Bệnh nhân bị suy thận cấp, vô niệu, suy giảm chức năng thận nặng (có độ thanh thải creatinin dưới 10ml / phút).
- Người bị tăng K+ máu hoặc nhiễm acid máu.
- Người có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với các hoạt chất Furosemide, Spironolactone hay bất kỳ thành phần tá dược có trong công thức thuốc.
- Chống chỉ định tương đối thuốc Sepemax cho thai phụ và người mẹ nuôi con bú.
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Sepemax hiệu quả
Thuốc Sepemax được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống với liều lượng được khuyến cáo cụ thể như sau:
- Liều điều trị cường Aldosterone: Uống từ 100 – 400mg/ ngày trước khi tiến hành phẫu thuật. Trong trường hợp bệnh nhân không thể phẫu thuật, thuốc Sepemax có thể kê đơn dùng dài ngày với liều tối thiểu được xác định dựa trên đáp ứng của bệnh nhân. Cứ sau 14 ngày, người bệnh có thể giảm liều cho đến khi đạt liều tối thiểu mang lại hiệu quả. Khi điều trị bằng Sepemax, bệnh nhân có thể phối hợp thêm với các thuốc lợi tiểu khác theo đơn của bác sĩ để giảm thiểu các tác dụng phụ ngoại ý.
- Liều điều trị phù (hội chứng thận hư, suy tim hoặc xơ gan): Người lớn có thể uống liều ban đầu 100mg x 2 lần/ ngày, hoặc dùng liều từ 25 – 200mg/ ngày. Ở liều cao hơn, thuốc Sepemax có thể dùng chung với một số loại thuốc lợi tiểu có tác dụng ở ống lượn gần. Đối với trẻ em có thể uống Sepemax liều 3mg/ kg thể trọng / ngày, chia từ 1 – 2 lần/ ngày.
- Điều trị bệnh cao huyết áp: Dùng liều ban đầu từ 50 – 100mg x 2 lần/ ngày và dùng chung với một số loại thuốc chống cao huyết áp khác theo chỉ định của bác sĩ. Nên dùng thuốc Sepemax liên tục trong vòng 14 ngày để đạt được hiệu quả tối ưu. Sau đó điều chỉnh liều thuốc dựa trên đáp ứng của cá nhân.
- Điều trị giảm kali huyết: Dùng liều hàng ngày từ 25 – 100mg.
Trước và trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Sepemax, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn về liều dùng cũng như tần suất sử dụng thuốc mà bác sĩ đã khuyến cáo. Tránh tự ý điều chỉnh liều hoặc thay đổi thời gian dùng Sepemax khi chưa được bác sĩ chấp thuận.
4. Thuốc Sepemax gây ra các tác dụng phụ gì?
Trong thời gian điều trị với thuốc Sepemax, người bệnh có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:
- Phản ứng thường gặp: Liệt dương, mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu, vú to ở nam giới, tăng prolactin, rối loạn kinh nguyệt, chảy sữa nhiều, rậm lông, mất kinh, chảy máu âm đạo sau mãn kinh, buồn nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng, hạ huyết áp tư thế đứng hoặc giảm thể tích tuần hoàn máu khi dùng liều cao.
- Phản ứng ít gặp: Nổi mày đay, ngoại ban, phát ban đỏ, giảm natri huyết, hạ kali huyết, hạ canxi huyết, giảm magnesi huyết, tăng acid uric trong máu, giảm clor huyết gây nhiễm kiềm, dị cảm, co thắt cơ, chuột rút, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, ói mửa hoặc tăng creatinin huyết thanh.
- Phản ứng hiếm gặp: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu, mấy bạch cầu hạt, dị cảm, viêm mạch, phát ban da, glucose niệu, ù tai, giảm thính lực khi dùng liều cao, tăng glucose huyết.
Khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên trong quá trình dùng thuốc Sepemax, bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo sớm cho bác sĩ để có hướng khắc phục. Một số phản ứng nếu phát hiện và điều trị muộn có thể để lại các biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe người bệnh.
5. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Sepemax
Để ngăn ngừa tối đa nguy cơ xuất hiện những tác dụng phụ ngoại ý và đảm bảo đạt hiệu quả khi dùng thuốc Sepemax, bệnh nhân cần lưu ý một số khuyến nghị dưới đây:
- Người mắc chứng tăng thoáng qua kali huyết hoặc suy thận cần thận trọng khi dùng Sepemax do nguy cơ phát triển chứng toan huyết chuyển hóa làm tăng clorid máu khả hồi và tăng hàm lượng nitrogen trong nước tiểu.
- Cần kiểm tra thường xuyên chức năng gan/ thận khi điều trị bằng thuốc Sepemax, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi hoặc có chức năng thận yếu.
- Hoạt chất Spironolactone trong Sepemax có nguy cơ làm đảo lộn vị trí Digoxin trong huyết thanh, Epinephrine và Cortisol trong huyết tương.
- Thận trọng khi dùng thuốc Sepemax cho người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận do tiểu đường nhằm ngăn ngừa nguy cơ tăng kali huyết.
- Trong thời gian đầu điều trị, bệnh nhân cần tránh vận hành máy móc hoặc điều khiển các thiết bị di chuyển công cộng.
- Tuyệt đối không dùng đồ uống có cồn trong quá trình điều trị bằng Sepemax.
- Dùng thuốc Sepemax trong thời gian dài có thể thúc đẩy sự phát triển các khối u hoặc bệnh bạch cầu tuỷ bào.
- Nếu dùng quá liều thuốc, bệnh nhân cần được bù điện giải và nước, hoặc tiêm insulin kết hợp glucose. Trong trường hợp có các triệu chứng quá liều nghiêm trọng cần tiến hành thẩm phân.
- Phụ nữ có thai hoặc bà mẹ nuôi con bú cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc Sepemax.
6. Các loại thuốc tương tác với Sepemax
Dưới đây là danh sách các loại thuốc có nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với Sepemax, bao gồm:
- Một số loại thuốc lợi tiểu khác.
- Thuốc Salicylate.
- Thuốc lợi tiểu giữ kali.
- Thuốc chống cao huyết áp.
- Thuốc Amomi clorid.
- Thuốc chống viêm NSAID.
- Thuốc Digoxin.
- Thuốc Glucocortisone.
- Thuốc Fludrocortisone.
- Thuốc Gonadorelin / Triptorelin / Buserelin.
- Thuốc Mitotane.
- Các dẫn xuất Coumarin.
Bài viết cung cấp thông tin Sepemax là thuốc gì, công dụng và những lưu ý khi sử dụng. Dùng thuốc Sepemax an toàn phải có chỉ định của bác sĩ, bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa có đơn kê của người có chuyên môn.