Công dụng thuốc Micardis plus

Micardis plus là thuốc hạ huyết áp phối hợp 2 thành gồm telmisartan và hydrochlorothiazide. Telmisartan là thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II và hydrochlorothiazide là thuốc lợi tiểu thiazide. Sự phối hợp 2 thành phần trên mang lại tác dụng hạ huyết áp cộng lực, giúp làm giảm huyết áp ở mức độ lớn hơn so với chỉ dùng mỗi thành phần đơn lẻ.

1. Thuốc Micardis plus thuộc nhóm nào?

Thuốc Micardis plus chứa Telmisartan và hydrochlorothiazide. Telmisartan là một thuốc thuộc nhóm đối kháng thụ thể AT1 của angiotensin II. Telmisartan có khả năng chiếm chỗ angiotensin II tại vị trí gắn kết với thụ thể AT1. Telmisartan gắn kết chọn lọc trên thụ thể AT1 và sự gắn kết này kéo dài. Từ đó làm giảm giải phóng aldosterone, giảm co mạch và giúp hạ huyết áp. Telmisartan không cho thấy có ái lực với các thụ thể khác, kể cả AT2 và các thụ thể AT kém điển hình hơn. Hydrochlorothiazide là một thuốc lợi tiểu nhóm thiazide. Cơ chế tác dụng là làm tăng đào thải natri, clorid và kéo theo đào thải nước, từ đó làm giảm thể tích huyết tương, tăng hoạt động renin huyết tương, tăng tiết aldosteron dẫn đến kết quả là tăng bài tiết kali và bicarbonate trong nước tiểu và làm giảm kali huyết thanh. Sau khi uống, tác dụng lợi tiểu xuất hiện sau 2 giờ và đạt đỉnh sau khoảng 4 giờ, duy trì trong khoảng 6 - 12 giờ. Tóm lại, thuốc Micardis plus có tác dụng điều trị tăng huyết áp vô căn. Dạng thuốc phối hợp với liều cố định này thường được chỉ định trên bệnh nhân không hoàn toàn kiểm soát được huyết áp khi chỉ dùng telmisartan hoặc hydrochlorothiazide đơn lẻ.

2. Liều dùng Micardis plus

Người lớn

Thuốc Micardis plus nên được dùng một lần/ ngày.

  • Micardis plus 40/ 12.5mg có thể sử dụng cho bệnh nhân không hoàn toàn kiểm soát được huyết áp khi dùng Micardis 40mg hoặc hydrochlorothiazide.
  • Micardis plus 80/ 12.5mg có thể dùng thay thế micardis 80mg hoặc Micardis plus 40/12.5mg trên bệnh nhân không hoàn toàn kiểm soát được huyết áp khi dùng 2 thuốc trên.
  • Micardis plus 80/ 25mg có thể dùng trên bệnh nhân không kiểm soát hoàn toàn được huyết áp khi dùng Micardis plus 80/ 12.5mg hoặc bệnh nhân đã được kiểm soát huyết áp ổn định với telmisartan và hydrochlorothiazide dùng riêng lẻ.

Hiệu quả tối của thuốc thường đạt được sau 4 - 8 tuần điều trị bằng Micardis plus.

Bệnh nhân suy thận

Do trong thành phần thuốc chứa hydrochlorothiazide, Micardis plus không nên dùng cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng (CrCl < 30mL/ phút). Nhóm thuốc lợi tiểu quai được ưa dùng hơn các thuốc nhóm thiazide trên những bệnh nhân trên.

Bệnh nhân suy gan

Ở bệnh nhân suy gan vừa và nhẹ, liều lượng Micardis plus không nên vượt quá 40/ 12.5mg/ ngày. Không được chỉ định thuốc Micardis plus cho bệnh nhân suy gan nặng. Các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide nên dùng thận trọng ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan.

Người cao tuổi

Không cần điều chỉnh liều Micardis plus

Trẻ em và thanh thiếu niên

Độ an toàn và hiệu quả của Micardis plus chưa được xác định trên đối tượng này. Do đó không khuyến cáo sử dụng thuốc cho các bệnh nhân trên.

3. Chống chỉ định thuốc Micardis plus là gì?

Micardis plus bị chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất cứ thành phần nào trong tá dược.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú.
  • Bệnh nhân có các rối loạn gây ứ mật và tắc nghẽn đường mật.
  • Bệnh nhân suy gan nặng.
  • Bệnh nhân bị suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30mL/ phút).
  • Bị hạ kali huyết, tăng canxi huyết không đáp ứng với điều trị.
  • Chống chỉ định phối hợp Micardis plus với aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận (GFR < 60mL/ phút/ 1.73m2).
  • Chống chỉ định sử dụng nếu bệnh nhân có bệnh lý di truyền hiếm gặp mà có thể dẫn tới không tương thích với một thành phần tá dược của thuốc.

4. Tác dụng không mong muốn của Micardis plus

Khi sử dụng thuốc Micardis plus, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như sau:

  • Tim mạch: Đau ngực, tăng huyết áp, phù ngoại vi, viêm mạch quá mẫn, hạ huyết áp (bao gồm cả tư thế đứng),
  • Hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu, đau, dị cảm, bồn chồn.
  • Da liễu: Loét da, rụng tóc, phát ban da, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mày đay.
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, kích ứng dạ dày.
  • Điện giải: mất cân bằng điện giải.
  • Chuyển hóa: tăng glucose, tăng cholesterol, tăng acid uric.
  • Hệ sinh dục: Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Huyết học và ung thư học: Thiếu máu bất sản, giảm tiểu cầu.
  • Thần kinh cơ và xương: Đau lưng, đau cơ, suy nhược, co thắt cơ.
  • Hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm xoang, ho, các triệu chứng giống cúm, viêm họng.
  • Quá mẫn: Sốc phản vệ, phù mạch.
  • Khác: Áp xe, suy thận cấp, sốc phản vệ, thiếu máu, đau thắt ngực, lo lắng, đau khớp, viêm khớp, suy nhược, hen suyễn, rung nhĩ, nhịp tim chậm, viêm phế quản, viêm kết mạc, táo bón, viêm bàng quang, phù phụ thuộc, viêm da, chàm, phù nề, viêm ruột, tăng bạch cầu ái toan, chảy máu cam, rối loạn cương dương, ban đỏ, đợt cấp của tăng huyết áp, sốt, bốc hỏa, viêm dạ dày, viêm dạ dày ruột, trào ngược dạ dày thực quản,
  • Nhìn mờ (thoáng qua).

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Micardis plus

Thai kỳ: Telmisartan bị chống chỉ định trong thai kỳ do thuốc tác động lên hệ thống renin-angiotensin có thể gây thương tích và tử vong cho thai nhi đang phát triển. Khi phát hiện có thai, nên ngưng dùng thuốc càng sớm càng tốt. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên chuyển sang các liệu pháp điều trị tăng huyết áp thay thế đã chứng minh an toàn, hiệu quả.

Phụ nữ đang cho con bú: Hiện tại chưa rõ liệu thuốc có bài tiết ra sữa mẹ hay không. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy telmisartan có thể được bài tiết trong sữa. Nhà sản xuất khuyến cáo không dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.

Suy gan: Bệnh nhân bị rối loạn ứ mật, tắc nghẽn đường mật hoặc suy gan nặng không nên dùng Micardis plus vì telmisartan phần lớn được đào thải qua mật. Độ thanh thải Telmisartan qua gan sẽ suy giảm ở những bệnh nhân này. Trên bệnh nhân suy chức năng gan hoặc bệnh gan đang tiến triển cần dùng thuốc một cách thận trọng vì những thay đổi nhỏ về cân bằng nước và điện giải cũng có thể dẫn đến hôn mê gan.

Tăng huyết áp do động mạch thận: Thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ tut huyết áp nặng và suy thận ở bệnh nhân bị hẹp động mạch thận hai bên hoặc hẹp động mạch thận đến quả thận duy nhất đang còn chức năng.

Suy thận tụt huyết áp và ghép thận: Không dùng Micardis plus cho những bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30mL/ phút). Kinh nghiệm sử dụng Micardis plus trên bệnh nhân suy thận nhẹ và vừa còn khá ít, vì thế cần theo dõi nồng độ kali, creatinin và axit uric huyết thanh định kỳ. Tình trạng tăng nitơ huyết liên quan đến nhóm thuốc lợi tiểu thiazid có thể xảy ra ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận.

Giảm thể tích nội mạch: Hạ huyết áp có triệu chứng, đặc biệt sau liều đầu tiên, có thể xảy ra trên bệnh nhân bị hạ thể tích và/ hoặc mất natri do lợi tiểu quá mạnh, bệnh nhân kiêng muối nghiêm ngặt, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Tình trạng cần được khắc phục trước khi cho bệnh nhân dùng Micardis plus.

Tăng aldosteron nguyên phát: Bệnh nhân có tăng aldosteron nguyên phát thường không đáp ứng với các thuốc hạ huyết áp tác dụng nhờ vào ức chế hệ renin-angiotensin. Vì thế không khuyến cáo sử dụng Micardis plus cho đối tượng bệnh nhân trên.

Hẹp van động mạch chủ và van hai lá, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn: Giống với các thuốc gây giãn mạch khác, cần lưu ý đặc biệt khi dùng Micardis plus cho bệnh nhân hẹp van động mạch chủ hoặc van hai lá, bệnh nhân có cơ tim phì đại tắc nghẽn.

Các tác dụng lên chuyển hoá và nội tiết: điều trị với lợi tiểu thiazid có thể làm giảm dung nạp glucose. Bệnh nhân đái tháo đường có thể cần điều chỉnh liều insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết đường uống trong quá trình điều trị bằng thiazide. Ngoài ra, tăng nồng độ cholesterol và triglycerid có liên quan đến thuốc lợi tiểu thiazide.

Cân bằng điện giải: bệnh nhân đang dùng liệu pháp thiazide nên kiểm tra định kỳ các chất điện giải. Các thuốc lợi tiểu thiazide có thể gây mất cân bằng nước và điện giải (hạ kali huyết, hạ natri huyết và nhiễm kiềm do hạ clo huyết). Những dấu hiệu cảnh báo mất cân bằng nước và điện giải là khát, khô miệng, yếu người, ngủ lịm, buồn ngủ, đau cơ, vọp bẻ, yếu cơ, hạ huyết áp, thiểu niệu, nhịp tim nhanh và những rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn. Mặc dù hạ kali huyết có thể xuất hiện khi điều trị bằng các thuốc lợi tiểu thiazide, việc điều trị đồng thời với telmisartan có thể làm giảm nguy cơ hạ kali huyết do thuốc lợi tiểu.

Phản ứng quá mẫn: Những phản ứng quá mẫn liên quan tới hydrochlorothiazide có thể xảy ra trên bệnh nhân có hoặc không có tiền sử dị ứng hay bệnh nhân hen phế quản, nhưng có nhiều khả năng xảy ra hơn đối với bệnh nhân có tiền sử như trên. Tình trạng trầm trọng lên hoặc kích hoạt bệnh lupus ban đỏ hệ thống đã được báo cáo đối khi dùng các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide.

Quá liều: Triệu chứng nổi bật nhất của quá liều telmisartan là huyết áp thấp và nhịp tim nhanh hay chậm bất thường. tình trạng quá liều với hydrochlorothiazide có liên quan đến giảm các chất điện giải (hạ kali máu và clo máu) và mất nước do lợi tiểu quá mức. Những dấu hiệu thường gặp nhất là buồn nôn và ngủ gà. Tình trạng giảm kali máu có thể gây co thắt cơ và/ hoặc làm nặng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim khi sử dụng đồng thời với Digitalis hoặc một số thuốc chống loạn nhịp. Hiện tại không có dữ liệu cụ thể về điều trị quá liều Micardis plus. Bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ, điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian kể từ lúc uống thuốc và độ nặng của triệu chứng. Các chất điện giải và creatinin huyết thanh cũng cần được theo dõi thường xuyên. Nếu hạ huyết áp xảy ra, bệnh nhân nên được đặt ở tư thế nằm, bù thể tích và muối.

Tóm lại, thuốc Micardis plus là một thuốc hạ huyết áp phối hợp, giúp mang lại tác dụng hạ huyết áp cao hơn so với từng thành phần riêng lẻ. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe