Thuốc Sanagum được chỉ định trong điều trị chứng khó tiêu, đầy hơi, cảm giác căng trướng bụng, ăn không ngon miệng, kém hấp thu dinh dưỡng... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Sanagum qua bài viết dưới đây.
1. Sanagum là thuốc gì?
Thuốc Sanagum được bào chế dưới dạng viên nang. Trong 1 viên nang Sanagum chứa các hoạt chất sau đây:
- Papain 100mg;
- Alpha Amylase 100mg;
- Simethicone 30mg.
Thuốc Sanagum được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Điều trị chứng khó tiêu, đầy hơi, ăn không ngon miệng;
- Người bệnh kém hấp thu thức ăn hoặc bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý tiêu hóa khác.
Cơ chế tác dụng:
- Tác dụng của hoạt chất Alpha Amylase: Alpha Amylase là enzyme nội sinh có khả năng thủy phân tinh bột, các polysaccharide thông qua cơ chế tấn công và mối nối Alfa – 1,4 Glucosidic tạo ra các Oligosaccharide, Dextrine, Monosaccharide. Alpha Amylase có tác dụng kháng viêm và được tổng hợp từ vi khuẩn Bacillus Subtilis. Enzyme tổng hợp từ vi khuẩn có ưu điểm là bền hơn trong môi trường acid dạ dày.
- Tác dụng của hoạt chất Papain: Hoạt chất Papain được chiết xuất từ nhựa đu đủ xanh – một enzyme thực vật. Papain thuộc nhóm Cystein – Protease bởi trung tâm hoạt động có chứa nhóm – SH của cystein. Enzyme Papain đóng vai trò vừa là một Exoprotease, vừa là một Endoprotease nên có công dụng thủy phân protein thành các axit amin và polypeptid. Đây là enzyme có tính đặc hiệu cơ chất rộng, có khả năng thủy phân hầu hết các liên kết peptide (ngoại trừ liên kết với acid glutamic có chứa nhóm – COOH tự do và với liên kết proline. Papain giúp tiêu hóa thức ăn giàu protein một cách dễ dàng hơn, phân giải và loại bỏ lớp da chết trên bề mặt cơ thể, vì vậy Papain còn được dùng trong lĩnh vực chế biến mỹ phẩm.
- Tác dụng của hoạt chất Simethicone: Simethicone tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của bọt khí, làm vỡ hoặc kết tụ bọt khí lại và tống chúng ra ngoài, nhờ đó giúp giảm đầy hơi. Ngoài ra, Simethicone còn được chứng minh là có tác dụng kháng Helicobacter Pylori.
2. Liều dùng của thuốc Sanagum
Sanagum thuộc nhóm thuốc không kê đơn, tuy nhiên người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần có chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế.
Một số khuyến cáo về liều thuốc Sanagum như sau:
- Người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1 viên/lần x 2 – 3 lần/ngày;
- Trẻ em dưới 12 tuổi: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Sanagum
Rất hiếm gặp phản ứng phụ khi sử dụng thuốc Sanagum. Một số phản ứng không mong muốn có thể xảy ra với tỷ lệ rất thấp như ngứa, phát ban, phù lưỡi, phù mặt, khó hô hấp... Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Sanagum.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sanagum
Lưu ý không sử dụng thuốc Sanagum trong điều trị cơn đau bụng ở trẻ em vì chưa có đủ nghiên cứu về lợi ích, độ an toàn ở độ tuổi này.
Đối với phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú: Chỉ sử dụng Sanagum ở đối tượng này khi có chỉ định của bác sĩ dựa trên lợi ích và nguy cơ.
Bảo quản thuốc Sanagum ở nhiệt độ phòng, tránh nơi có ánh nắng trực tiếp hoặc nơi có độ ẩm cao.
5. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Sanagum, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Sanagum.
Bài viết đã cung cấp thông tin Sanagum là thuốc gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hay người có chuyên môn trước khi sử dụng.