Thuốc Sagotopxin có thành phần là Dextromethorphan và Terpin hydrat, thường được sử dụng trong điều trị ho. Hãy cùng tìm hiểu về công dụng thuốc Sagotopxin trong bài viết dưới đây.
1. Sagotopxin là thuốc gì?
Thuốc Sagotopxin được sản xuất bởi Công ty TNHH Dược phẩm Sài Gòn (SAGOPHAR) - VIỆT NAM và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VD-14591-11. Sagotopxin được phân loại vào nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, thuốc có thành phần hoạt chất chính là Dextromethorphan và Terpin hydrat.
Dạng bào chế: Mỗi viên chứa 5mg Dextromethorphan hydrobromid + 100mg Terpin hydrat và các tá dược khác vừa đủ một viên.
Dạng đóng gói: Chai 100 viên
2. Thuốc Sagotopxin có tác dụng gì?
2.1. Tác dụng của thành phần Dextromethorphan
Dược lực học: Dextromethorphan hydrobromid có công dụng giảm ho qua cơ chế tác dụng trên trung tâm ho ở hành não. Dextromethorphan là hoạt chất có hiệu quả nhất trong điều trị ho mãn tính không đờm.
Hiệu lực giảm ho của thuốc gần tương đương với codein và ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa hơn. Dextromethorphan thường được phối hợp với các chất khác trong điều trị triệu chứng của đường hô hấp trên, không có tác dụng long đờm. Với liều điều trị, tác dụng chống ho của Dextromethorphan kéo dài 5 – 6 giờ. Dextromethorphan có độc tính thấp nhưng với liều rất cao có thể ức chế hệ thần kinh trung ương.
2.2. Tác dụng của thành phần Terpin hydrat
Terpin hydrat có tác dụng làm lỏng dịch tiết bằng cơ chế kích thích trực tiếp các tế bào xuất tiết, do đó làm tăng bài tiết chất tiết phế quản và giúp loại dễ dàng các chất tiết (đàm) bằng phản xạ ho.
3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Sagotopxin
Thuốc Sagotopxin thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị ho không đờm, mạn tính
- Điều trị triệu chứng trong viêm phế quản cấp và mãn tính
- Ho do họng và phế quản bị kích thích (khi cảm lạnh, hít phải chất kích thích).
Chống chỉ định sử dụng Sagotopxin trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Sagotopxin
- Suy hô hấp
- Ho trong hen suyễn
- Cao huyết áp, bệnh tim
- Tiểu đường
- Bệnh tuyến giáp
- Người bệnh đang dùng các loại thuốc ức chế monoamin oxydase IMAO
- Trẻ em dưới 2 tuổi.
4. Liều lượng và cách dùng thuốc Sagotopxin
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc Sagotopxin, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế về liều lượng, đường dùng và thời gian điều trị. Không tự thay đổi liều lượng và đường dùng thuốc. Đồng thời, không dùng chung thuốc Sagotopxin với người khác hoặc đưa cho người khác sử dụng khi có cùng triệu chứng.
Liều lượng tham khảo:
- Người lớn: uống 2 viên/lần, ngày 2 – 3 lần.
- Trẻ em trên 2 tuổi: uống 1 - 2 viên/ngày, chia ra 2 - 3 lần trong ngày.
Cách dùng:
- Thuốc Sagotopxin được bào chế dưới dạng viên nang và dùng theo đường uống.
- Nếu quên liều, bạn có thể uống ngay một liều khác thay thế. Không uống nữa nếu đã gần đến thời điểm sử dụng thuốc tiếp theo.
- Khi nghi ngờ quá liều, bệnh nhân cần nhanh chóng đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí. Mang theo sổ khám bệnh và tất cả thuốc bệnh nhân đã dùng trước đó để hỗ trợ cho việc chẩn đoán.
5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Sagotopxin
Ngoài hiệu quả điều trị, thuốc Sagotopxin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng như mệt mỏi, buồn nôn, táo bón, dị ứng ngoài da, buồn ngủ, co thắt phế quản, ...
Thông báo với bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng và dấu hiệu bất thường nào khi dùng thuốc Sagotopxin.
6. Tương tác thuốc
Khi điều trị cùng 2 loại thuốc trở lên, có thể xảy ra tương tác thuốc. Những tương tác này thường khá phức tạp do ảnh hưởng của nhiều thành phần trong thuốc. Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc như suy giảm miễn dịch, ung thư, đái tháo đường, suy gan, suy thận, ...
Để đảm bảo an toàn, bạn cần liệt kê và báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về tất cả các thuốc đang dùng, bao gồm cả thực phẩm chức năng, khoáng chất và vitamin, thảo dược,...
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Sagotopxin cùng với rượu bia, đồ uống có cồn hoặc lên men, thuốc lá. Những hóa chất có trong các loại thực phẩm, đồ uống này có thể ảnh hưởng đến các thành phần trong thuốc.
Các tương tác với thuốc Sagotopxin đã được nghiên cứu là:
- Thuốc ức chế monoamin oxydase (MAO): Khi dùng chung với Sagotopxin sẽ xảy ra các triệu chứng như sốt cao, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí tử vong.
- Thuốc ức chế thần kinh trung ương: Khi dùng chung với Sagotopxin sẽ làm tăng tác dụng của Sagotopxin. Quinidin làm tăng nồng độ Sagotopxin trong máu và kéo theo tăng các tác dụng không mong muốn.
- Đã có báo cho thấy có sự tương kỵ giữa Sagotopxin với Penicilin, Tetracyclin, Salicyclat, natri phenobarbital.
7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Sagotopxin
- Sử dụng thuốc Sagotopxin trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú: Chưa có đầy đủ bằng chứng về tính an toàn khi sử dụng thuốc Sagotopxin trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú, do đó không dùng thuốc cho đối tượng này.
- Thuốc Sagotopxin có thể gây buồn ngủ, vì vậy nên lưu ý khi sử dụng cho người lái xe, vận hành máy móc, làm các công việc cần sự tỉnh táo.
- Thận trọng khi chỉ định Sagotopxin cho người bệnh ho có nhiều đờm và ho mãn tính ở người hút thuốc lá, hen phế quản hoặc tràn khí, đối tượng có nguy cơ hoặc đang có suy hô hấp.
- Thành phần Dextromethorphan trong thuốc Sagotopxin có liên quan đến giải phóng histaimin, do đó nên thận trọng với trẻ bị dị ứng.
8. Bảo quản thuốc Sagotopxin
- Bảo quản thuốc Sagotopxin trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
- Để Sagotopxin tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
- Thuốc Sagotopxin có hạn sử dụng là 24 tháng, không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, mùi vị, không còn nguyên tem nhãn.
- Không vứt thuốc Sagotopxin vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Sagotopxin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Sagotopxin là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.