Thuốc Rohapam có công dụng trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày - thực quản, loét dạ dày, tăng tiết do hội chứng Zollinger-Ellison gây ra. Đây là thuốc kê đơn, người bệnh cần tư vấn ý kiến bác sĩ và tìm hiểu một số thông tin về công dụng, liều dùng, lưu ý khi sử dụng Rohapam trong bài viết dưới đây để dùng thuốc an toàn, có hiệu quả.
1. Rohapam là thuốc gì?
Rohapam thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột. Thành phần Pantoprazole (dưới dạng Pantoprazol natri) với hàm lượng 40mg trong Rohapam là thuốc ức chế bơm proton, ức chế giai đoạn cuối của quá trình tạo thành acid ở dạ dày bằng cách liên kết đồng hóa trị với hệ men (H+, K+)-ATPase tại bề mặt tiết của tế bào thành dạ dày.
Cơ chế này dẫn đến ức chế tiết acid dạ dày thông thường và do các tác nhân kích thích khác. Sự gắn kết với hệ men (H+, K+)-ATPase sẽ làm tác dụng kháng tiết acid kéo dài hơn 24 giờ cho tất cả các liều đã được thử nghiệm.
Nồng độ đỉnh của hoạt chất Pantoprazol trong huyết tương đạt được khoảng 2 - 2.5 giờ sau khi uống. Khoảng 98% Pantoprazol sẽ gắn kết với protein huyết tương. Pantoprazol chuyển hóa rộng rãi ở gan, chủ yếu qua cytochrom P450 isoenzym CYP2C19, thành desmethylpantoprazol. Một lượng nhỏ Pantoprazol cũng được chuyển hóa bởi CYP3A4, CYP2D6 và CYP2C9. Những chất chuyển hóa được đào thải chủ yếu qua nước tiểu, phần còn lại thải trừ qua mật.
2. Công dụng của thuốc Rohapam
Thuốc Rohapam có công dụng trong điều trị các tình trạng sau:
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD).
- Loét đường tiêu hóa.
- Phòng ngừa loét dạ dày do thuốc kháng viêm không steroid.
- Tình trạng tăng tiết do hội chứng Zollinger-Ellison gây ra.
3. Liều lượng, cách dùng thuốc Rohapam
Liều điều trị hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản (GERD):
- Liều thường dùng: Rohapam 20 - 40mg x 1 lần/ ngày trong 4 tuần, có thể kéo dài điều trị đến 8 tuần.
- Liều duy trì: Rohapam 20-40mg mỗi ngày.
- Trường hợp tái phát: Rohapam 20mg/ngày.
Liều điều trị loét đường tiêu hóa:
- Liều thường dùng: Rohapam 40mg x 1 lần/ngày. Thời gian điều trị từ 2-4 tuần đối với loét tá tràng hoặc 4-8 tuần nếu bị loét dạ dày lành tính.
Diệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori cần dùng phác đồ trị liệu phối hợp bộ ba 1 tuần như sau:
- Rohapam 40mg x 2 lần/ ngày kết hợp với Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày và Amoxicillin 1g x 2 lần/ ngày hoặc Metronidazol 400mg x 2 lần/ ngày.
Phòng ngừa loét do thuốc kháng viêm không steroid:
- Liều Rohapam 20mg/ngày.
Hội chứng Zollinger - Ellison:
- Liều khởi đầu: Rohapam 80mg/ngày. Có thể dùng liều lên đến 240mg/ngày. Nếu dùng Rohapam trên 80mg/ngày, nên chia làm 2 lần.
Bệnh nhân suy gan:
- Liều tối đa: Rohapam 20mg/ngày hoặc 40mg/ngày đối với liều cách ngày.
Bệnh nhân suy thận:
- Liều tối đa: Rohapam 40mg/ngày.
Cách sử dụng thuốc:
- Uống thuốc Rohapam ngày 1 lần vào buổi sáng. Nuốt nguyên viên Rohapam, không được nghiền hoặc nhai viên thuốc.
Lưu ý: Liều thuốc Rohapam trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều Rohapam cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều Rohapam phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Rohapam
Rohapam chống chỉ định trong trường hợp người bệnh quá mẫn với hoạt chất Pantoprazol hay bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc dẫn xuất Benzimidazol khác như Esomeprazol, Omeprazol, Lansoprazol, Rabeprazol.
5. Tương tác thuốc
- Rohapam có độ hấp thu phụ thuộc pH của dạ dày như Ampicillin ester, muối sắt, Ketoconazol nên có thể làm tăng hoặc giảm độ hấp thu của thuốc khi tăng độ pH của dạ dày.
- Thuốc Rohapam có tác động lên hệ thống men gan
- Có khả năng tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi dùng đồng thời Warfarin cùng với các thuốc ức chế bơm proton, kể cả Pantoprazol. Vì nguy cơ về chảy máu bất thường và tử vong nên cần theo dõi sự tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi Pantoprazol được dùng đồng thời với thuốc Warfarin.
- Sucralfat có thể làm chậm hấp thu và giảm sinh khả dụng của các thuốc ức chế bơm proton như Lansoprazol và Omeprazol. Vì vậy cần uống thuốc ức chế bơm proton ít nhất 30 phút trước khi sử dụng Sucralfat.
Để tránh xảy ra các tương tác không mong muốn khi sử dụng Rohapam, người bệnh hãy thông báo với bác sĩ/ dược sĩ tất cả những loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin và thảo dược... đang dùng.
6. Tác dụng phụ của thuốc Rohapam
Nhìn chung, Rohapam dung nạp tốt ngay cả khi điều trị ngắn và dài hạn. Một số tương tác thuốc có thể gặp phải như:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Mệt mỏi, đau đầu;
- Phát ban da, nổi mề đay;
- Đau cơ/ khớp.
Tác dụng phụ ít gặp:
- Suy nhược, choáng, chóng mặt;
- Ngứa;
- Tăng enzym gan.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Đổ nhiều mồ hôi;
- Phù ngoại biên;
- Khó chịu;
- Phản vệ;
- Ban dát sần;
- Mụn trứng cá, rụng tóc;
- Viêm da tróc vảy;
- Phù mạch;
- Hồng ban đa dạng;
- Viêm miệng;
- Ợ hơi, rối loạn tiêu hóa;
- Nhìn mờ;
- Sợ ánh sáng.
- Mất ngủ, ngủ gà;
- Kích động hoặc ức chế;
- Ù tai;
- Run, nhầm lẫn;
- Ảo giác, dị cảm.
- Tăng bạch cầu ưa acid;
- Mất bạch cầu hạt;
- Giảm bạch cầu, tiểu cầu;
- Liệt dương;
- Đái máu;
- Viêm thận kẽ;
- Viêm gan, bệnh não ở người suy gan;
- Vàng da, tăng triglycerid;
- Giảm natri máu.
Nếu xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc Rohapam thì người bệnh cần thông báo với bác sĩ/ dược sĩ điều trị để có hướng xử trí kịp thời.
Những thông tin cơ bản về thuốc Rohapam trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng Rohapam, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.