Công dụng thuốc Psocabet

Thốc Psocabet được sản xuất bởi Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây. Psocabet có thành phần chính là Calcipotriol và Betamethason, được chỉ định để điều trị vảy nến. Tuân thủ chỉ định, liều dùng của thuốc Psocabet sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

1. Psocabet là thuốc gì?

Pocabet được xếp vào nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu, có thành phần hoạt chất chính là Calcipotriol và Betamethason.

Dạng bào chế: Thuốc mỡ bôi da.

Dạng đóng gói: Tuýp 15g. Mỗi tuýp chứa 0,75mg Calcipotriol; 7,5mg Betamethason và tá dược vừa đủ.

2. Thuốc Psocabet có tác dụng gì?

Dược lực học:

  • Calcipotriol là dẫn xuất của vitamin D, có tác dụng biệt hóa và ngăn ngừa sự tăng sinh của tế bào sừng. Do đó, ở bệnh nhân vảy nến, Calcipotriol làm tăng sinh và biệt hóa tế bào trở về bình thường.
  • Betamethason có đặc tính kháng viêm, giãn mạch, giảm ngứa, ức chế miễn dịch. Cơ chế kháng viêm của Betamethason chưa được nghiên cứu kỹ.

Dược động học:

  • Hấp thu: Khi bôi trên vùng da bình thường, sự hấp thu vào hệ thống của thuốc Psocabet ít hơn 1%. Khi bôi trên vùng da bị vảy nến và được băng bó kín có thể làm tăng sự hấp thu tại chỗ của thuốc.
  • Phân bố: các nghiên cứu ở chuột cho thấy Psocabet có nồng độ cao nhất ở gan và thận.
  • Chuyển hóa: Thuốc Psocabet được chuyển hóa nhanh và hoàn toàn theo đường toàn thân. Gan là nơi chuyển hóa chủ yếu của Betamethason.
  • Thải trừ: thời gian bán hủy khi bôi ngoài da kéo dài vài ngày do thuốc còn lưu lại trên da. Calcipotriol được thải trừ chủ yếu qua phân, Bethamethason thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Psocabet

Thuốc Psocabet được chỉ định trong điều trị vảy nến thể màng ở người lớn, mức độ nhẹ đến vừa.

Tuyệt đối không sử dụng Psocabet trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Psocabet;
  • Vảy nến tróc vảy, vảy nến thể mủ gây đỏ da;
  • Bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa calci;
  • Tổn thương ở da do virus (Varicella, Herpes);
  • Các bệnh ở da do nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng;
  • Các tổn thương trên da do lao, teo da, rạn da, trứng cá đỏ, loét, vết thương,...

4. Liều lượng và cách dùng thuốc

Liều lượng:

  • Người lớn: Bôi 1 - 2 lần/ ngày vào vùng da tổn thương. Dùng tối đa 100g/ tuần và không quá 4 tuần;
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận: Chưa có đầy đủ bằng chứng về tính an toàn của Psocabet khi dùng cho bệnh nhân suy gan, suy thận;
  • Trẻ em: Chưa có đánh giá về tính an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc ở trẻ dưới 18 tuổi.

Cách dùng:

  • Rửa sạch nhẹ nhàng vùng da tổn thương;
  • Bôi một lớp thuốc mỏng lên vùng da tổn thương, xoa nhẹ để thuốc được hấp thu tốt;
  • Không nên tắm gội sau khi bôi thuốc.

Quên một liều thuốc Psocabet:

  • Bạn hãy bôi thuốc ngay khi nhớ ra. Không được bôi gấp đôi liều lượng để bù lại liều đã quên.

Quá liều thuốc Psocabet:

  • Các triệu chứng quá liều đã được ghi nhận gồm có: Tăng calci máu với các biểu hiện táo bón, tiểu nhiều, yếu cơ, lú lẫn, hôn mê. Dùng Psocabet tại chỗ kéo dài gây suy thượng thận thứ phát (do ức chế chức năng tuyến yên - tuyến thượng thận), tuy nhiên có thể hồi phục được.
  • Cách xử trí: Khi nhiễm độc mãn tính, phải ngưng thuốc ngay và đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được chẩn đoán, điều trị thích hợp.

5. Tác dụng không mong muốn

Trong quá trình sử dụng thuốc Psocabet, bạn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như:

  • Thường gặp: Tróc da, ngứa,...;
  • Ít gặp: Viêm nang tóc; nhiễm khuẩn da do nấm, virus, vi khuẩn; teo da, viêm da, ban đỏ, cảm giác nóng rát, ban xuất huyết, vết bầm máu, bệnh vảy nến nặng hơn, thay đổi màu sắc da, đau vùng da dùng thuốc,...;
  • Hiếm gặp: Quá mẫn, nhọt, tăng calci máu, vảy nến thể mủ, xuất hiện nếp nhăn, nhạy cảm với ánh sáng, mụn, khô da,...

Những tác dụng phụ được liệt kê trên là chưa đầy đủ, bạn cũng có thể gặp phải các biểu hiện bất thường khác trong quá trình dùng thuốc. Vì vậy hãy thông báo ngay với bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong quá trình dùng thuốc để được tư vấn và hướng dẫn xử trí kịp thời.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Psocabet

  • Phụ nữ mang thai: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy corticoid có khả năng gây độc tính sinh sản. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu dịch tễ học trên hơn 300 phụ nữ mang thai sử dụng corticoid trong thai kỳ không cho thấy các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Vì vậy, cần cân nhắc giữa lợi ích điều trị cho mẹ và rủi ro với thai nhi khi sử dụng thuốc Psocabet trong thai kỳ.
  • Phụ nữ cho con bú: Betamethason có bài tiết qua sữa mẹ. Vì vậy cần thận trọng khi dùng và hướng dẫn bà mẹ không bôi thuốc lên vú.
  • Psocabet ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Thận trọng khi phối hợp chung với các steroid khác.
  • Thuốc Psocabet có thể làm tăng calci máu nếu dùng quá liều tối đa. Vì vậy tuyệt đối tuân thủ điều trị và không bôi thuốc quá 30% bề mặt da. Không sử dụng trên da mặt và bộ phận sinh dục.
  • Không sử dụng khi nhận thấy thuốc có các dấu hiệu thay đổi tính chất, màu sắc hay không còn tem mác niêm phong.

7. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Psocabet trong bao bì kín, để ở nơi khô ráo, thoáng mát, dưới 30 độ C.
  • Để thuốc này tránh xa tầm với trẻ em cũng như vật nuôi.

Trên đây là thông tin về tác dụng thuốc Psocabet, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Psocabet theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe