Thuốc Poncif được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là acid mefenamic. Thuốc được sử dụng trong điều trị giảm đau do nhiều nguyên nhân như: Đau cơ, đau răng, nhức đầu, đau hậu phẫu,... hoặc kháng viêm,...
1. Công dụng của thuốc Poncif DHG
Poncif DHG là thuốc gì? Thuốc Poncif được sản xuất bởi công ty cổ phần Dược Hậu Giang nên còn được gọi là thuốc Poncif DHG. Thuốc có thành phần chính là acid mefenamic hàm lượng 500mg.
Acid mefenamic thuộc nhóm NSAIDs, có hoạt tính giảm đau, kháng viêm và hạ sốt. Thuốc có tác động ức chế men cyclo - oxygenase liên quan tới sinh tổng hợp prostaglandin và thromboxane từ acid arachidonic. Trong đó, prostaglandin là chất đóng vai trò gây viêm, đau và sốt. Với hoạt chất chính là acid mefenamic, thuốc Poncif ngăn chặn quá trình sản sinh prostaglandin, giúp giảm đau, giảm sưng viêm và hạ sốt do bất kỳ nguyên nhân gây viêm nào.
Thuốc Poncif được chỉ định sử dụng để:
- Giảm đau cho các trường hợp bị đau cơ, đau răng, nhức đầu, đau do chấn thương, đau hậu phẫu, đau hậu sản, đau bụng kinh;
- Kháng viêm cho các trường hợp bị viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp;
- Điều trị chứng rong kinh đi kèm với đau do co thắt, do hạ vị;
- Cải thiện các triệu chứng ở giai đoạn tiền mãn kinh.
Thuốc Poncif chống chỉ định:
- Quá mẫn cảm với acid mefenamic, aspirin, các thuốc kháng viêm không steroid;
- Loét dạ dày - tá tràng mức độ tiến triển
- Bệnh nhân suy thận nặng hoặc suy gan nặng;
- Trẻ em dưới 14 tuổi.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Poncif
Cách dùng: Đường uống, uống trong các bữa ăn.
Liều dùng: Với người lớn và trẻ em từ 14 tuổi trở lên, uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày. Mỗi đợt điều trị bằng thuốc Poncif không quá 7 ngày. Lưu ý: Bác sĩ có thể chỉ định liều dùng cụ thể tùy theo thể trạng, mức độ diễn tiến của bệnh ở từng bệnh nhân.
Quá liều: Khi sử dụng thuốc Poncif quá liều cấp tính, bệnh nhân có thể bị co giật, nôn mửa, tiêu chảy. Trong trường hợp này, cần làm rỗng dạ dày bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày. Trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, người bệnh nên gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất.
Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Poncif, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Trường hợp gần với liều kế tiếp thì bạn có thể bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo đúng thời điểm như kế hoạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc Poncif
Khi sử dụng thuốc Poncif, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như: Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, táo bón), nổi mẩn, ngứa da, cơn hen phế quản (ở bệnh nhân bị dị ứng với aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid khác), suy gan, suy thận, giảm tạm thời số lượng bạch cầu và tiểu cầu, chóng mặt,...
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Poncif, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và báo ngay cho bác sĩ hoặc tới bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Poncif
Một số lưu ý người dùng cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Poncif:
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Poncif ở phụ nữ có thai và cho con bú;
- Ngưng dùng thuốc nếu xuất hiện mẩn đỏ trên da, xuất huyết dạ dày, ruột, tiêu chảy;
- Thuốc Poncif có thể gây ra các tác dụng phụ như hoa mắt, buồn ngủ, rối loạn thị giác, mệt mỏi,... Nếu bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ này, người bệnh tốt nhất không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc Poncif
Một số tương tác thuốc Poncif gồm:
- Không nên phối hợp thuốc Poncif với các thuốc chống đông dạng uống, heparin dạng tiêm, salicylat liều cao, các thuốc kháng viêm không steroid khác, lithium, methotrexat liều cao trên 15mg/tuần, ticlopidine;
- Thận trọng khi phối hợp thuốc Poncif với thuốc lợi tiểu, methotrexat liều thấp dưới 15mg/tuần, zidovudin, pentoxifyllin;
- Thận trọng khi phối hợp thuốc Poncif với thuốc trị cao huyết áp (thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu), thuốc làm tan huyết khối.
Để tránh nguy cơ tương tác thuốc hoặc các phản ứng khó lường, người bệnh nên báo cho bác sĩ về tiền sử sức khoẻ và các loại thuốc mình đang sử dụng. Đồng thời, bệnh nhân nên tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị với thuốc Poncif để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.