Công dụng thuốc Pletaz

Pletaz thuộc nhóm thuốc chống đông máu được kê đơn sử dụng trong các trường hợp điều trị triệu chứng giúp đi bộ không đau ở những bệnh nhân mắc bệnh lý mạch máu ngoại biên Fontaine hay thiếu máu cục bộ khác. Vậy thuốc Pletaz nên được sử dụng thế nào?

1. Công dụng của thuốc Pletaz là gì?

1.1. Thuốc Pletaz là thuốc gì?

Pletaz thuộc nhóm thuốc chống đông máu, có thành phần chính: Cilostazol hàm lượng 100mg. Tá dược trong 1 viên nén: Carmellose calcium, Microcrystalline cellulose, Hypromellose, Magnesium stearate, Maize starch.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 100mg.

Thuốc Pletaz được khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành. Nếu cần thiết có thể dùng cho trẻ em nhưng cần được giám sát nghiêm ngặt.

1.2. Thuốc Pletaz có tác dụng gì?

Cilostazol là chất có khả năng ức chế phosphodiesterase một cách có chọn lọc nên có tác dụng giãn mạch và ngăn ngừa tế bào tiểu cầu kết tập lại với nhau, hạn chế sự hình thành cục máu đông. Thuốc còn có vai trò tăng cường khả năng gắng sức trong bệnh đau cách hồi, do do có quá ít oxy được chuyển tới các cơ bắp.

Thuốc Pletaz được bác sĩ kê đơn sử dụng trong các trường hợp:

Nâng cao khả năng đi bộ mà không bị đau ở những bệnh nhân trong giai đoạn II của bệnh lý mạch máu ngoại biên Fontaine không cải thiện được triệu chứng đau mặc dù đã cải thiện lối sống.
Điều trị thiếu máu cục bộ của hội chứng tắc nghẽn động mạch mãn tính do đái tháo đường, xơ cứng động mạch.

Thuốc cũng được dùng để ngăn ngừa sự xuất hiện tình trạng nhồi máu não.

2. Cách sử dụng của thuốc Pletaz

2.1 Cách dùng thuốc Pletaz 100mg hiệu quả

Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên uống thuốc khoảng 30 phút trước bữa sáng và bữa tối. Nuốt viên Pletaz 100mg với một ly nước lọc, không bẻ hay nghiền nát thuốc khi uống, thời điểm uống thuốc mỗi ngày nên giống nhau.

2.2 Liều dùng của thuốc Pletaz 100mg

Liều thường dùng của Cilostazol là 100 mg x 2 lần mỗi ngày. Cilostazol nên dùng trước khi ăn 30 phút trước bữa sáng và bữa tối. Uống Cilostazol cùng với bữa ăn làm tăng nồng độ huyết tương tối đa của Cilostazol, có thể liên quan đến việc tăng các phản ứng bất lợi.

Giảm liều xuống 50 mg x 2 lần mỗi ngày được khuyến cáo ở những bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế mạnh CYP3A4, ví dụ như một số macrolides, thuốc chống nấm nhóm azol, các chất ức chế protease, hoặc các chất ức chế mạnh CYP2C19 như omeprazole.

Đối với người cao tuổi: Không có yêu cầu liều đặc biệt cho người cao tuổi.

Đối với trẻ em: Sự an toàn và hiệu quả ở trẻ em chưa được thiết lập.

2.3 Quá liều

Thông tin về quá liều cấp tính ở người còn hạn chế. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể được dự đoán là nhức đầu dữ dội, tiêu chảy, nhịp tim nhanh và loạn nhịp tim.

Bệnh nhân cần được quan sát và điều trị hỗ trợ. Dạ dày phải được làm sạch bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày.

3. Chống chỉ định của thuốc Pletaz

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất kì thành phần hay tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Pletaz
  • Suy thận nặng: độ thanh thải creatinin < 25 ml / phút.
  • Suy gan vừa hoặc nặng.
  • Suy tim xung huyết.
  • Phụ nữ có thai.
  • Bệnh nhân có tiền sử loạn nhịp nhanh.
  • Người bệnh tiền sử rung thất, ngoại tâm thu thất đa, nhịp nhanh thất có hay không được điều trị hợp lý hoặc người bệnh có khoảng QT kéo dài.
  • Bệnh nhân dễ chảy máu như xuất huyết não trong vòng 6 tháng gần đây, loét dạ dày - tá tràng,... hoặc bệnh tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, bệnh võng mạc tăng sinh do đái tháo đường.
  • Bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định, đã điều trị nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng, hay phải tiến hành phẫu thuật động mạch vành trong vòng 6 tháng.
  • Bệnh nhân được điều trị đồng thời hai hoặc nhiều hơn các thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống tập kết tiểu cầu (ví dụ như acetylsalicylic acid, heparin, clopidogrel, acenocoumarol, dabigatran, warfarin, rivaroxaban hoặc apixaban).

4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Pletaz

Pletaz được bào chế ở dạng uống, không dùng theo các đường khác. Sau khi dùng Pletaz 3 tháng, nếu thấy không có hiệu quả điều trị nên xin ý kiến của bác sĩ để có sự điều chỉnh thích hợp.

Pletaz nên được bắt đầu điều trị bởi các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm trong điều trị bệnh đau cách hồi. Hiệu quả của việc điều trị cho bệnh nhân nên được đánh giá lại sau ba tháng sử dụng thuốc để xem xét việc có nên ngừng sử dụng thuốc trong trường hợp thuốc không phát huy tác dụng hoặc các triệu chứng lâm sáng không được cải thiện.

Bệnh nhân điều trị với Pletaz nên tiếp tục thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống (như ăn uống điều độ, luyện tập và ngừng hút thuốc) kết hợp với sử dụng các biện pháp khác (như giảm lipid máu và chống kết tập tiểu cầu) để làm giảm nguy cơ tai biến tim mạch.

Nguy cơ gây ra cơn đau thắt ngực do Cilostazol có thể gây nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tụt huyết áp. Theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân có nguy cơ cao bị các tác dụng bất lợi trên tim.

Trong quá trình điều trị có thể xuất hiện chảy máu hoặc bầm tím. Ngưng thuốc nếu phát hiện xuất huyết võng mạc.

Gây tăng chảy máu trong các phẫu thuật do Cilostazol có tác dụng chống kết tập tiểu cầu. Ngừng thuốc 5 ngày trước khi phẫu thuật.

Một vài trường hợp giảm toàn thể huyết cầu và thiếu máu bất sản đã gây tử vong. Cẩn trọng khi kết hợp với thuốc ức chế kết tập tiểu cầu.

Phụ nữ mang thai: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính trên sinh sản nhưng chưa có dữ liệu cụ thể trên người. Do vậy không sử dụng Cilostazol cho phụ nữ có thai.

Bà mẹ cho con bú: Cilostazol bài tiết qua sữa khi nghiên cứu trên động vật. Không sử dụng trên bà mẹ đang cho con bú do có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.

Tác dụng phụ chóng mặt ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Nên thận trọng trong trường hợp này.

Kiểm tra lại hạn dùng của thuốc được in trên vỏ hộp và trên mỗi vỉ thuốc. Không sử dụng nếu thuốc đã hết hạn ,viên thuốc bị nát, chảy nước hoặc các biến đổi khác về chất lượng.

Thận trọng khi sử dụng thuốc, đọc kỹ các thông tin do nhà sản xuất đưa ra hoặc theo dặn dò của bác sĩ.

5. Tác dụng phụ của thuốc Pletaz

Các rối loạn máu và hệ bạch huyết: Bầm máu, thiếu máu, thời gian chảy máu kéo dài. Xu hướng ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu bất sản

Rối loạn hệ thống miễn dịch: Phản ứng dị ứng

Rối loạn tim mạch: Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, loạn nhịp tim. Nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, suy tim sung huyết, nhịp nhanh thất, ngất

Rối loạn mạch máu: Xuất huyết mắt, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết không rõ nguyên nhân, hạ huyết áp tư thế đứng. Nóng bừng mặt, tăng huyết áp, hạ huyết áp, xuất huyết não, xuất huyết phổi, xuất huyết cơ, xuất huyết đường hô hấp, xuất huyết dưới da

Rối loạn hô hấp: Viêm mũi, viêm họng. Khó thở, viêm phổi, ho. Viêm phổi kẽ

Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, phân bất thường. Buồn nôn và nôn, khó tiêu, đầy hơi, đau bụng. Viêm dạ dày...

Hy vọng với những chia sẻ trên đây giúp người dùng hiểu rõ hơn về cách sử dụng thuốc Pletaz thông qua những thông tin về thành phần, liều dùng, cách uống. Nếu có thêm thắc mắc gì bệnh nhân có thể hỏi ý kiến bác sĩ kê đơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe