Thuốc Pefloxacin là thuốc gì? Thuốc có thành phần chính chứa hoạt chất Pefloxacin với hàm lượng 400mg cùng các loại tá dược vừa đủ 1 viên. Thuốc thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Cùng tìm hiểu rõ hơn công dụng thuốc Pefloxacin qua bài viết dưới đây.
1. Tác dụng của thuốc Pefloxacin
Thuốc Pefloxacin được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:
- Thuốc Pefloxacin chỉ được sử dụng trên đối tượng là người lớn.
- Chỉ định điều trị thuốc Pefloxacin cho viêm tuyến tiền liệt cấp tính và mạn tính kể cả ở dạng nặng, sử dụng trong điều trị nối tiếp trong nhiễm khuẩn xương khớp.
- Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, mô mềm và da, đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, đường niệu, nhiễm khuẩn huyết và trong phụ khoa.
- Khi không có sự kết hợp với kháng sinh Fluoroquinolon, Pefloxacin được chỉ định dùng một lần trong các trường hợp: viêm bàng quang cấp tính không có biến chứng ở phụ nữ tiền mãn kinh, viêm niệu đạo.
- Vì phế cầu khuẩn và liên cầu khuẩn kháng Pefloxacin nên không được dùng thuốc Pefloxacin làm thuốc khi có sự nghi ngờ do có nhiễm các loại vi khuẩn đó. Cần phải phối hợp với một loại thuốc kháng sinh khác trong điều trị nhiễm khuẩn do Staphylococcus aureus và Pseudomonas aeruginosa thì đã có chủng kháng thuốc.
Không được chỉ định thuốc Pefloxacin trên các đối tượng sau:
- Không dùng thuốc Pefloxacin cho đối tượng là phụ nữ đang có thai, bà mẹ đang cho con bú, trẻ em và thiếu niên (cho đến khi hết thời kỳ tăng trưởng vì có thể gây bệnh khớp nặng, đặc biệt đối với cá khớp lớn vì gây các độc tính với khớp).
- Chống chỉ định đối với người bệnh có tiền sử quá mẫn với Pefloxacin, Quinolon hoặc bất cứ thành phần tá dược nào có trong thuốc Pefloxacin.
- Bệnh nhân thiếu enzyme Glucose-6 Phosphat Dehydrogenase (G6PD).
- Người bệnh có tiền sử tổn thương gân do Fluoroquinolon.
2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Pefloxacin
2.1. Cách dùng của thuốc Pefloxacin
Thuốc Pefloxacin được sử dụng bằng đường uống. Nên sử dụng vào giữa bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn no để tránh gây ra tình trạng khó chịu trên đường tiêu hóa.
2.2. Liều dùng của thuốc Pefloxacin
- Ở người có chức năng gan thận bình thường: Dùng ngày 2 viên (tương đương 800mg), chia làm 2 lần uống 1 viên vào buổi sáng và 1 viên vào buổi tối. Trong lần đầu để đạt nhanh nồng độ thuốc có hiệu quả trong máu có thể dùng một liều tấn công với hàm lượng 800mg (tương đương 2 viên thuốc Pefloxacin)
- Bệnh nhân suy giảm chức năng gan: Cần điều chỉnh liều bằng cách tăng khoảng thời gian giữa 2 lần dùng thuốc ở người có giảm lưu lượng máu tới gan hoặc suy gan:
- Ở bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi: Sử dụng liều 1 viên/ ngày (tương đương 400mg), chia làm 2 lần/ ngày, một lần uống nửa viên thuốc Pefloxacin.
3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Pefloxacin
Trong quá trình sử dụng thuốc Pefloxacin, ngoài các tác dụng điều trị, người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn như sau:
- Tác dụng phụ thường gặp như: Buồn nôn, nôn, đau dạ dày, mất ngủ, đau cơ, đau khớp, phát ban, mày đay.
- Tác dụng phụ ít gặp như: bạch cầu eosin cao, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy, nhạy cảm với ánh sáng.
- Tác dụng phụ hiếm gặp như: khó chịu, ảo giác, giảm tiểu cầu, viêm ruột (viêm đại tràng giả mạc), tăng bilirubin, tăng phosphatase kiềm và Transaminase, mẩn đỏ dưới da, ngứa.
- Tác dụng phụ rất hiếm gặp: suy thận cấp.
- Tác dụng phụ không xác định tần suất: Giảm số lượng các loại tế bào máu, sốc phản vệ, phản ứng dị ứng, xuất huyết dưới da dạng đốm đỏ, giật rung cơ, co giật, đau đầu, lú lẫn, tăng áp lực nội sọ, mất phương hướng, ảo giác, dị cảm, nhược cơ, mất ngủ, dễ bị kích thích, viêm gân, tràn dịch khớp, đứt gân gót chân, hội chứng Lyell, hội chứng Stevens – Johnson.
Khuyến cáo bệnh nhân khi gặp bất cứ tác dụng ngoại ý nào trong quá trình sử dụng thuốc Pefloxacin cần ngưng sử dụng thuốc ngay, báo cho bác sĩ để tiến hành điều trị các triệu chứng gặp phải.
4. Tương tác thuốc Pefloxacin
- Sinh khả dụng của Pefloxacin bị giảm khi dùng cùng các muối kẽm và các muối sắt với liều lớn hơn 30 mg/ngày do giảm khả năng hấp thu của thuốc Pefloxacin qua đường tiêu hóa, nên uống cách các loại thuốc này với Pefloxacin hơn 2 giờ.
- Đối với các muối, oxit và hydroxyd megnesi, calci và nhôm: Làm giảm sự hấp thu của Pefloxacin qua đường tiêu hóa nên phải uống các loại thuốc này các xa Pefloxacin hơn 4 giờ.
- Khi sử dụng chung với Didanosin (DDI), sự hấp thu của Pefloxacin bị giảm qua đường tiêu hóa do làm tăng acid dạ dày, nên cần uống hai loại thuốc này cách xa khoảng hơn 2 giờ.
- Pefloxacin làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu dạng uống là tăng nguy cơ chảy máu. Cần phải theo dõi INR một cách thường xuyên hơn và tiến hành điều chỉnh lượng thuốc chống đông trong hoặc sau khi ngừng điều thị bằng thuốc Pefloxacin nếu cần.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Pefloxacin
- Khuyến cáo bệnh nhân tránh tiếp xúc với tia cực tím hoặc phơi nắng vì nguy cơ nhạy cảm với ánh sáng trong quá trình điều trị và 4 ngày sau khi ngừng điều trị.
- Viêm gân hoặc thậm chí đứt gân có thể xảy ra, nhất là gân gót chân và ở người cao tuổi. Tránh dùng Pefloxacin ở đối tượng người cao tuổi, người đang điều trị bằng corticoid dài ngày, tập luyện nặng hoặc có tiền sử viêm gân, có thể sử dụng giảm 1⁄2 liều để giảm bớt nguy cơ.
- Ở người có tiền sử bị co giật hoặc các yếu tố làm dễ bị co giật và người bị bệnh suy gan nặng hoặc nhược cơ, cần thận trọng khi sử dụng thuốc Pefloxacin.
- Ở người bệnh bị thiếu enzyme G6PD có thể bị gây tan máu cấp tính khi sử dụng thuốc Pefloxacin. Trên nguyên tắc không dùng thuốc Pefloxacin hoặc các thuốc thuộc nhóm Quinolon cho người bị thiếu G6PD.
- Không dùng thuốc Pefloxacin cho đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
- Các tác động thần kinh có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Pefloxacin, nên bệnh nhân cần được cảnh báo không lái xe hoặc vận hành máy móc trong khi sử dụng thuốc Pefloxacin vì có thể gặp các dấu hiệu không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.