Paluzine thuộc nhóm khoáng chất và vitamin, dạng bào chế siro. Thuốc có thành phần chính là kẽm (dưới dạng kẽm gluconat) 10mg, đóng gói hộp 10 - 20 ống x 5ml, hộp 10 - 20 ống x 10ml hoặc hộp 1 chai 100ml. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thuốc Paluzine có tác dụng gì? Liều lượng và cách sử dụng ra sao?
1. Thuốc Paluzine có tác dụng gì?
Thuốc Paluzine dùng để bổ sung hoặc điều trị dự phòng cho các trường hợp sau:
- Người bị còi xương hoặc suy dinh dưỡng.
- Trẻ em chậm tăng trưởng.
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Người đang có chế độ ăn kiêng hoặc nuôi ăn lâu dài bằng đường tĩnh mạch.
- Người đang bị tiêu chảy cấp/ mạn tính.
- Người bị rối loạn tiêu hóa.
- Người bị nhiễm trùng tái diễn đường hô hấp, tiêu hóa hoặc ở da.
- Người bị khô da hoặc có vết thương chậm lành.
- Người bị khô mắt, quáng gà hoặc loét giác mạc.
- Người thiếu kẽm nặng với các triệu chứng điển hình như: Viêm da đầu chi, viêm ruột, loạn dưỡng móng (móng nhăn, chậm mọc, có vệt trắng), khô mắt và tiêu chảy.
2. Chống chỉ định của thuốc Paluzine
Không dùng thuốc Paluzine trong trường hợp:
- Người bị quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc Paluzine.
- Người suy gan, suy thận hoặc suy tuyến thượng thận trầm trọng.
- Người có tiền căn bệnh sỏi thận.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Paluzine
Cách sử dụng: Thuốc Paluzine dùng bằng đường uống. Để Paluzine phát huy hiệu quả tốt nhất thì người bệnh nên uống thuốc trước khi ăn 1 giờ hoặc 2 giờ sau khi ăn no. Trường hợp bị rối loạn tiêu hóa thì có thể uống Paluzine cùng với bữa ăn để khắc phục.
Liều dùng:
- Đối với trẻ em dưới 10kg: Liều 5ml x 2 lần/ ngày.
- Đối với trẻ em từ 10 - 20 kg: Liều 10ml x 1 - 3 lần/ ngày.
- Đối với trẻ em và người lớn > 30kg: Liều 20ml x 1 - 3 lần/ ngày.
Lưu ý: Liều dùng thuốc Paluzine trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng Paluzine cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng Paluzine phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Paluzine:
- Trong trường hợp quên liều thuốc Paluzine thì nên bổ sung bù càng sớm càng tốt. Tuy nhiên nếu thời gian gần đến lần sử dụng tiếp theo thì nên bỏ qua liều Paluzine đã quên và sử dụng liều mới.
- Khi sử dụng thuốc Paluzine quá liều thì có thể gây thiếu máu. Người bệnh cần ngừng thuốc ngay lập tức và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
4. Tương tác thuốc Paluzine
Paluzine có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với:
- Các chế phẩm chứa Sắt;
- Thuốc Photpho;
- Thuốc Penicilamin;
- Thuốc Tetracyclin.
Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Paluzine thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Paluzine phù hợp.
5. Tác dụng phụ của thuốc Paluzine
Ở liều điều trị, thuốc Paluzine được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Paluzine, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
- Đau bụng;
- Khó tiêu;
- Buồn nôn và nôn mửa;
- Tiêu chảy;
- Kích thích dạ dày hoặc viêm dạ dày.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Paluzine và thông báo cho bác sĩ ngay để có hướng xử trí phù hợp.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Paluzine
- Không dùng thuốc Paluzine nếu người bệnh đang trong giai đoạn loét dạ dày tiến triển hoặc bị nôn ói cấp tính.
- Nếu bắt buộc phải dùng Paluzine đồng thời với đồng, canxi, sắt thì cần uống cách xa nhau từ 2-3 giờ để tránh xảy ra tương tác thuốc.
- Tuyệt đối không sử dụng khi thuốc Paluzine có dấu hiệu bị đổi màu, mốc, chảy nước hay hết hạn dùng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Paluzine, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Paluzine điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.