Thuốc Oxafar là một kháng sinh đường uống, có phổ tác dụng rộng trên nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt trên vi khuẩn gram âm. Đây là loại thuốc được dùng dưới chỉ định của bác sĩ, cho những trường hợp nhiễm các loại vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh này gây ra.
1. Thuốc oxafar chữa bệnh gì?
Oxafar thuốc biệt dược của kháng sinh Ofloxacin, nghĩa là thuốc Oxafar có thành phần chính là Ofloxacin 200mg, bào chế dạng viên nén bao phim.
Ofloxacine là một loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon giống như ciprofloxacin, nhưng ofloxacin khi uống có sinh khả dụng cao hơn 95%. Ofloxacin có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm nhiều loại vi khuẩn như Enterobacteriaceae, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Neisseria spp., Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus Và một số vi khuẩn gram dương khác. Người ra, nhận thấy kháng sinh Ofloxacin có tác dụng mạnh hơn ciprofloxacin đối với Chlamydia trachomatis, Ureaplasma urealyticum, Mycoplasma pneumoniae và cũng có tác dụng đối với một số vi khuẩn như Mycobacterium leprae, cả Mycobacterium spp. khác.
Giống như các thuốc quinolon kháng khuẩn khác, ofloxacin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ức chế DNA-gyrase là enzym cần thiết trong quá trình nhân đôi, phiên mã và tu sửa DNA của vi khuẩn.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Oxafar
Thuốc Oxafar được chỉ định điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm:
- Nhiễm trùng đường tiểu có biến chứng và không có biến chứng.
- Nhiễm trùng trên da và mô mềm.
- Viêm tuyến tiền liệt.
- Bệnh lây truyền qua đường sinh dục như: Nhiễm lậu cầu cấp ở niệu đạo và cổ tử cung không biến chứng, viêm niệu đạo và viêm cổ tử cung không do lậu cầu.
- Viêm phổi do H. influenza hay Streptococcus pneumoniae.
- Viêm phế quản mạn đợt cấp.
Chống chỉ định: Chống chỉ định dùng thuốc Oxafar cho người mẫn cảm với ofloxacin hay tá dược. Hoặc mẫn cảm với bất kỳ một dẫn xuất của quinolone.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Oxafar
Cách dùng: Thuốc Oxafar được chỉ định dùng đường uống, nên uống thuốc với nhiều nước.
Liều dùng:
- Người lớn :
- Nhiễm khuẩn đường tiểu:
- Viêm bàng quang do E. coli hay viêm bàng quang do K. pneumoniae: Uống 200mg mỗi 12 giờ trong 3 ngày.
- Viêm bàng quang do nhiễm các loại vi khuẩn khác: Uống 200 mg mỗi 12 giờ trong vòng 7 ngày.
- Viêm niệu đạo hay viêm cổ tử cung do C. trachomatis: Uống 300mg mỗi 12 giờ trong 7 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường tiểu có biến chứng: Uống 200mg mỗi 12 giờ trong vòng 10 ngày.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm ở mức độ trung bình hoặc nhẹ: Uống 400mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
- Viêm phổi hay viêm phế quản mạn tính đợt cấp: Uống với liều 400mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
- Bệnh lây truyền qua đường sinh dục:
- Nhiễm lậu cầu không biến chứng thì uống 400mg một liều duy nhất.
- Viêm tuyến tiền liệt: Uống với liều 300mg mỗi 12 giờ trong 6 ngày.
- Bệnh nhân suy thận: cần giảm liều tùy theo độ thanh thải creatinin.
- Nhiễm khuẩn đường tiểu:
Tác dụng không mong muốn của thuốc Oxafa
Tác dụng phụ có thể gặp của thuốc Oxafar bao gồm:
- Ðường tiêu hoá: Gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng.
- Da: Ngứa, phản ứng da do tăng nhạy cảm ánh sáng, viêm mạch máu, phát ban và mẩn đỏ da.
- Hệ thống thần kinh trung ương: Có thể gặp là chóng mặt, cảm giác lâng lâng, hay quên, run rẩy, co giật, cảm giác dị cảm, tăng kích thích.
- Thận: Có thể suy thận cấp thứ phát sau viêm thận mô kẽ.
- Cơ quan khác: Nhìn mờ, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, có thể giảm tiểu cầu, đau cơ, chứng vú to.
Nếu gặp phải các tác dụng phụ trên hay các tác dụng phụ khác mà nghĩ do dùng thuốc bạn nên báo với bác sĩ hay thăm khám lại để được tư vấn.
4. Cần lưu ý gì khi dùng thuốc Oxafar
- Những bệnh nhân có tình trạng mẫn cảm với một fluoroquinolone khác hay với những dẫn xuất của quinolone có cấu trúc hóa học tương tự thì cũng có thể mẫn cảm với ofloxacin. Do có tình trạng mẫn cảm chéo nên hết sức thận trọng khi dùng.
- Nên xem xét một cách thận trọng giữa lợi ích và yếu tố nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng ofloxacin trong những trường hợp có bệnh lý như bệnh hệ thống thần kinh trung ương kể cả động kinh và xơ cứng động mạch não.
- Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng đã được nhận thấy ở một số bệnh nhân đang dùng các thuốc thuộc fluoroquinolone. Nên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dùng thuốc, dùng kem chống nắng hay các biện pháp che chắn khi dùng. Nếu xảy ra phản ứng nhạy cảm ánh sáng thì phải ngưng dùng thuốc.
- Phản ứng phụ trên gân và cơ của thuốc này chưa rõ, nhưng giống như các kháng sinh cùng nhóm khác, bạn nên thận trọng khi dùng nếu như có những biểu hiện đau cơ hay đau ở gân. Nếu có nên ngừng thuốc và kiểm tra.
- Tính an toàn và hiệu quả của ofloxacin ở trẻ em, người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú thì chưa được biết rõ. Cho nên những đối tượng này không nên sử dụng thuốc nếu không thật sự cần thiết.
- Cũng như những quinolone khác, ofloxacin cũng có thể gây ra triệu chứng kích thích thần kinh trung ương gây ra triệu chứng run rẩy, cảm giác nhẹ lâng lâng, bồn chồn, lú lẫn và ảo giác. Nếu những triệu chứng này xuất hiện, người bệnh nên ngưng thuốc và cần thăm khám để được tiến hành những biện pháp điều trị thích hợp.
- Người già: Những nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy không có những biến chứng đặc hiệu riêng ở người già đến mức phải hạn chế sự sử dụng fluoroquinolone ở nhóm người này. Tuy nhiên, do ở người già thường có tình trạng suy giảm chức năng thận theo tuổi tác cho nên cần phải điều chỉnh liều dùng khi sử dụng fluoroquinolone.
- Bảo quản: Bảo quản thuốc Oxafar ở nhiệt độ không quá 25 độ C, tránh ẩm ướt. Giữ thuốc ở nơi xa tầm tay trẻ em.
Thuốc kháng sinh Oxafar là một thuốc dùng theo chỉ định của bác sĩ, cho nên không được dùng nếu như chưa có chỉ định. Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường nên tham khảo ngay ý kiến bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.