Thuốc Eskafoxim được chỉ định để điều trị các nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm phổi cấp tính cộng đồng, nhiễm lậu cầu cấp chưa có biến chứng và nhiễm khuẩn đường tiểu...Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về công dụng thuốc Eskafoxim qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Eskafoxim là thuốc gì?
- Tên thuốc: Eskafoxim
- Dạng bào chế: Viên nang.
- Đóng gói: 4 vỉ x 4 viên/ hộp.
- Thành phần: Cefpodoxime proxetil hàm lượng 100mg.
- Nhà sản xuất: Eskayef Bangladesh - Bangladesh.
2. Công dụng thuốc Eskafoxim
2.1 Chỉ định
Thuốc Eskafoxim được chỉ định để điều trị các trường hợp:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên như: Viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa cấp và viêm họng;
- Viêm phổi cấp tính cộng đồng;
- Nhiễm lậu cầu cấp;
- Nhiễm khuẩn đường tiểu;
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da.
2.2 Liều lượng - Cách dùng thuốc Eskafoxim
Liều dùng thuốc Eskafoxim như sau:
Đối với người lớn:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm amidan và viêm họng: 100mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
- Viêm phổi cấp tính cộng đồng: 200mg mỗi 12 giờ trong 14 ngày.
- Nhiễm lậu cầu cấp: Liều duy nhất 200mg.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: 100mg mỗi 12 giờ trong 7 ngày.
- Nhiễm khuẩn da và cấu trúc mô: 400mg mỗi 12 giờ trong 7 - 14 ngày.
Đối với trẻ em:
- Viêm tai giữa cấp tính: 10 mg/ kg/ ngày, trong 10 ngày (tối đa 400 mg/ ngày chia làm 2 lần).
- Viêm họng/ viêm amidan: 10mg/ kg/ ngày (tối đa 200mg/ngày chia làm 2 lần) trong 10 ngày.
- Người suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 30 ml/phút thì khoảng cách giữa liều nên được tăng đến 24 giờ.
- Bệnh nhân xơ gan: Không cần phải điều chỉnh liều.
Cách sử dụng: Thuốc Eskafoxim dùng bằng đường uống, cùng với bữa ăn.
2.3 Quá liều
Khi dùng quá liều thuốc Eskafoxim thì có thể xảy ra tình trạng buồn nôn, nôn, đau thượng vị và tiêu chảy. Trong trường hợp có phản ứng của nhiễm độc nặng thì thẩm phân máu hay thẩm phân phúc mạc có thể giúp loại bổ cefpodoxim ra khỏi cơ thể, đặc biệt khi người bệnh bị suy giảm chức năng thận.
3. Chống chỉ định của thuốc Eskafoxim
Thuốc Eskafoxim chống chỉ định với người có tiền sử mẫn cảm với cefpodoxime proxetil.
4. Lưu ý/ Thận trọng khi dùng thuốc Eskafoxim
Cảnh báo:
- Trước khi điều trị với cefpodoxim proxetil thì người bệnh nên xác định xem có các phản ứng quá mẫn với cefpodoxim, các cephalosporin khác và penicillin hay không. Thận trọng khi dùng cefpodoxim cho những bệnh nhân nhạy cảm với penicillin. Vì sự quá mẫn chéo giữa các kháng sinh beta-lactam đã được chứng minh rõ ràng ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin (có thể xảy ra lên đến 10%).
- Viêm kết tràng màng giả đã được báo cáo với gần như tất cả các tác nhân kháng khuẩn kể cả cefpodoxim, và có thể thay đổi mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Do đó cần thận trọng khi sử dụng thuốc Eskafoxim trên đối tượng này.
- Điều trị với các kháng sinh phổ rộng kể cả cefpodoxim proxetil có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường của ruột già và có thể làm tăng trưởng quá mức của closiridia.
Thân trọng:
- Ở những bệnh nhân thiểu niệu thoáng qua hoặc dai dẳng do suy thận thì nên giảm tổng liều hàng ngày của cefpodoxim proxetil.
- Cefpodoxim nên được dùng thận trọng ở những bệnh nhân điều trị đông thời với các thuốc lợi tiểu mạnh.
- Không dùng cefpodoxim dài ngày vì có thể dẫn đến sự tăng trưởng quá mức của những vi khuẩn không nhạy cảm. Trường hợp bội nhiễm xảy ra trong quá trình điều trị, nên sử dụng các biện pháp thích hợp.
Đối với phụ nữ có thai:
- Không cho thấy bất kỳ biểu hiện gây quái thai hoặc gây độc cho thai (các nghiên cứu đã tiến hành ở nhiều loài động vật thí nghiệm). Cefpodoxim có thể được dùng cho phụ nữ có thai chỉ khi thật sự cần thiết.
Bà mẹ đang cho con bú:
- Cefpodoxim được bài tiết vào sữa mẹ. Vì khả năng có những phản ứng nghiêm trọng xảy ra cho trẻ đang bú mẹ, nên cần có quyết định ngưng thuốc hoặc ngưng cho con bú có. Cân nhắc lợi ích quan trọng của Eskafoxim đối với người mẹ.
5. Tác dụng phụ của thuốc Eskafoxim
- Thuốc Eskafoxim có thể gây ra 1 số tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua như: Đi tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, viêm đại tràng và đau đầu.
- Eskafoxim hiếm khi gây ra phản ứng quá mẫn, nổi ban, chứng ngứa, chóng mặt, chứng tăng tiểu cầu, chứng giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hoặc tăng bạch cầu ưa eosin.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Eskafoxim và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Eskafoxim, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Eskafoxim điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.