Thuốc Omaxu thuộc nhóm thuốc kháng sinh, kháng virus, kháng nấm có thành phần chính là Erythromycin. Thuốc được chỉ định điều trị hoặc dự phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn tai, da, mô mềm hay đường tiêu hoá.
1. Thuốc Omaxu là thuốc gì?
Thuốc Omaxu có thành phần chính Erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid, có phổ tác dụng rộng chủ yếu là kìm khuẩn đối với vi khuẩn gram dương, gram âm và các vi khuẩn khác bao gồm mycoplasma, spirochetes, chlamydia và rickettsia. Về cơ chế erythromycin gắn thuận nghịch với tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn nhạy cảm và ức chế tổng hợp protein. Tuy nhiên, Erythromycin hầu như không có tác dụng trên vi khuẩn ưa khí gram âm.
Về dược động học, Erythromycin chỉ có tác dụng khi ở dạng base nhưng khi uống thì dạng base bị mất hoạt tính bởi acid dịch vị do đó thường dùng dạng muối và ester (như erythromycin stearate hay erythromycin ethylsuccinate) hoặc bào chế dưới dạng tan trong ruột, hấp thu được qua đường uống và đường trực tràng. Thuốc liên kết chủ yếu với protein huyết tương, phân bố rộng khắp các mô và dịch cơ thể, được chuyển hoá chủ yếu qua gan và cuối cùng là thải trừ qua phân.
Thuốc Omaxu thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên: Viêm amidan, áp xe amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang, nhiễm trùng thứ phát ở bệnh cúm và cảm lạnh.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm khí quản, viêm phế quản cấp và mạn, viêm phổi (viêm phổi thuỳ, viêm phế quản phổi, viêm phổi không điển hình), giãn phế quản, bệnh Legionnaire.
- Nhiễm trùng tai: Viêm tai giữa, viêm tai ngoài, viêm xương chũm.
- Nhiễm trùng miệng/ nha khoa: Viêm lợi, viêm họng vincent.
- Nhiễm trùng mắt: Viêm bờ mi.
- Nhiễm trùng da và mô mềm: Mụn đinh, nhọt, nhiễm trùng quanh móng, mụn trứng cá, chốc lở, viêm mô bào.
- Nhiễm trùng tiêu hoá: Viêm túi mật, viêm ruột non.
- Dự phòng trước và sau phẫu thuật, bỏng, thấp khớp.
- Các nhiễm trùng khác như: Viêm tủy xương, viêm niệu đạo, lậu, giang mai, bệnh u hạt lympho sinh dục, bạch hầu, viêm tuyến tiền liệt, sốt tinh hồng nhiệt
Các chống chỉ định của thuốc Omaxu gồm có:
- Bệnh nhân quá mẫn với Erythromycin hoặc có tiền sử rối loạn về gan, tiền sử bị điếc.
- Bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
- Bệnh nhân có bệnh tim, loạn nhịp, nhịp tim chậm, khoảng Q-T kéo dài, tim thiếu máu cục bộ, hoặc người bệnh có rối loạn điện giải.
2. Liều sử dụng của thuốc Omaxu
Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Omaxu sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:
Người lớn kể cả người cao tuổi và trẻ em trên 8 tuổi:
- Dùng liều 2g/ ngày chia theo liều. Các trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dùng đến 4g/ ngày.
- Liều thông thường: 10ml x 4 lần/ ngày hoặc 20ml x 2 lần/ ngày.
Trẻ em từ 2 - 8 tuổi:
- Dùng liều 30mg/ kg/ ngày chia đều theo liều. Đối với các trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dùng đến 50mg/ kg/ ngày chia theo liều.
- Liều thông thường: 5ml x 4 lần/ ngày hoặc 10ml x 2 lần/ ngày.
Trẻ em dưới 2 tuổi:
- Dùng liều 30mg/ kg/ ngày chia đều theo liều, có thể dùng lên tới 50mg/ kg/ ngày.
- Liều thông thường: 2.5ml x 4 lần/ ngày hoặc 5ml x 2 lần/ ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Omaxu
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Omaxu có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Tăng bạch cầu ái toan.
- Dị ứng, mày đay, shock phản vệ.
- Ảo giác.
- Lú lẫn, co giật, chóng mặt.
- Điếc, ù tai.
- Kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim gồm nhịp nhanh thất.
- Hạ huyết áp.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm tuỵ, chán ăn, hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh, viêm đại tràng giả mạc .
- Viêm gan cấp tỉnh, vàng da, suy gan.
- Phát ban, ngứa, nổi mề đay, hội chứng Steven-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng.
- Viêm thận kẽ.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Omaxu
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Omaxu gồm có:
- Thận trọng khi sử dụng erythromycin cho bệnh nhân suy gan hoặc suy thận, rối loạn nhịp tim và các bệnh khác về tim. Trong các trường hợp này tương tác thuốc có thể gây tác dụng phụ chết người.
- Chế phẩm chứa sorbitol nên thận trọng với bệnh nhân không dung nạp fructose di truyền.
- Erythromycin đi qua nhau thai và nồng độ trong bào thai thấp. Tuy nhiên để an toàn không được dùng dạng thuốc này trong thai kỳ.
- Erythromycin tiết vào sữa mẹ với nồng độ cao hơn nồng độ trong huyết tương của người mẹ có thể gây ra 3 vấn đề tiềm ẩn với trẻ: Thay đổi vi khuẩn hệ đường ruột, dị ứng, ảnh hưởng kết quả nuôi cấy khi xảy ra sốt xuất huyết không rõ nguồn gốc.
5. Các tương tác thuốc với thuốc Omaxu
- Erythromycin giúp giảm sự thanh thải trong huyết tương và giúp kéo dài thời gian tác dụng của Alfentanil.
- Chống chỉ định phối hợp Astemizol hoặc Terfenadin với Erythromycin vì nguy cơ gây độc với tim như xoắn đỉnh, nhịp nhanh thất và tử vong.
- Erythromycin có thể ức chuyển hoá của Carbamazepin và acid valproic, làm tăng nồng độ các thuốc này trong huyết tương và tăng độc tính.
- Erythromycin có thể đối kháng tác dụng của Cloramphenicol hoặc Lincomycin.
- Thuốc có thể ảnh hưởng đến tác dụng diệt khuẩn của Penicillin trong điều trị viêm màng não.
- Erythromycin làm tăng nồng độ digoxin trong máu.
- Erythromycin làm giảm sự thanh thải của xanthin như Aminophylin, Theophylline, Cafein, do đó làm tăng nồng độ của những chất này trong máu.
- Erythromycin làm giảm độ thanh thải của Midazolam hoặc Triazolam và làm tăng tác dụng của những thuốc này.
- Dùng liều cao Erythromycin với các thuốc có độc tính với tai ở người bệnh suy thận có thể làm tăng tiềm năng độc tính với tai ở những thuốc này.
- Dùng Erythromycin với các thuốc có độc tính với gan có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan.
- Erythromycin làm tăng nồng độ ciclosporin trong huyết tương và tăng nguy cơ độc với thận
- Erythromycin ức chế chuyển hóa của Ergotamin và làm tăng tác dụng co mạch của thuốc này.
- Thận trọng khi sử dụng Erythromycin với Lovastatin và có thể làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân.