Thuốc Olavex 10mg là thuốc an thần kinh với hoạt chất chính là Olanzapin. Olavex 10mg được sử dụng trong điều trị tâm thần phân liệt, bệnh lưỡng cực, đơn trị liệu tâm thần hưng cảm.
1. Thuốc Olavex 10mg là thuốc gì?
Olanzapin là thuốc an thần kinh không điển hình, là dẫn chất của dibenzodiazepin. Olanzapin có nhiều đặc tính dược lý khác với thuốc chống loạn thần điển hình là dẫn chất của butyrophenon hay phenothiazin như ít làm tăng tiết prolactin, ít gây hội chứng ngoại tháp và gây loạn vận động muộn khi điều trị kéo dài. Bên cạnh đó, Olanzapin có hiệu quả trên cả các biểu hiện âm tính, dương tính và ức chế của bệnh tâm thần phân liệt.
Tác dụng chống loạn thần của Olanzapin có cơ chế phức tạp và chưa được làm rõ hoàn toàn. Cơ chế tác dụng của thuốc có liên quan đến tính đối kháng của Olanzapin ở các thụ thể serotonin typ 2 (5-HT2A, 5-HT2C), typ 3 (5-HT3), typ 6 (5-HT6) và dopamin ở hệ thần kinh trung ương. Olanzapin có tác dụng ức chế và giảm đáp ứng (điều hòa âm tính) đối với thụ thể 5-HT2A, điều này có liên quan đến tác dụng chống hưng cảm của thuốc.
Ngoài ra, Olanzapin làm ổn định tính khí do ức chế một phần thụ thể D2 của dopamin. Olanzapin có tác dụng đối kháng với thụ thể muscarin (M1, M2, M3, M4 và M5). Tác dụng kháng cholinergic của Olanzapin ngoài việc giải thích giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, còn liên quan đến một số tác dụng phụ khác của Olanzapin. Olanzapin còn có tác dụng đối kháng thụ thể alpha-1 adrenergic và thụ thể H1 của histamin, tác dụng này liên quan đến khả năng gây hạ huyết áp tư thế và ngủ gà khi sử dụng thuốc.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Olavex 10mg
Thuốc Olavex 10mg được sử dụng trong điều trị các bệnh lý sau:
- Tâm thần phân liệt, bệnh lưỡng cực: dùng trong đợt cấp hưng cảm hay hỗn hợp, bệnh lưỡng cực chu kỳ nhanh, kích động cấp do tâm thần phân liệt hoặc bệnh lưỡng cực.
- Đơn trị liệu tâm thần hưng cảm ở người lớn và trẻ em từ 12 - 18 tuổi (dùng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa).
Không chỉ định loại thuốc này đối với người bệnh dị ứng hoặc quá mẫn với Olanzapin và phụ nữ đang cho con bú.
3. Cách dùng thuốc Olavex 10mg
3.1 Cách dùng
Olavex 10mg được dùng đường uống, thuốc có thể uống trong bữa ăn hoặc cách xa bữa ăn. Các bệnh nhân có biểu hiện buồn ngủ kéo dài có thể sử dụng liều hàng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Liều dùng thuốc Olavex 10mg phải được hiệu chỉnh thận trọng trên từng bệnh nhân. Nên sử dụng thuốc Olavex liều thấp nhất có hiệu quả, liều được tăng dần và chia thành nhiều lần trong ngày khi khởi đầu điều trị giúp giảm tác dụng không mong muốn.
3.2 Liều dùng
- Bệnh nhân tâm thần phân liệt, liều khởi đầu thuốc Olavex được khuyến cáo là 10mg/ngày.
- Cơn hưng cảm: Liều khởi đầu là 15mg/lần x 1 lần/ngày khi dùng đơn trị liệu, hoặc 10mg/ngày trong liệu pháp phối hợp.
- Phòng ngừa rối loạn lưỡng cực: Khuyến cáo liều khởi đầu là 10mg/ngày. Đối với bệnh nhân đã dùng Olanzapin để điều trị cơn hưng cảm, tiếp tục điều trị dự phòng tái phát ở liều tương tự. Nếu xuất hiện cơn hưng cảm mới, cơn hỗn hợp hoặc cơn trầm cảm, nên tiếp tục điều trị Olanzapine (với liều tối ưu nếu cần), với liệu pháp bổ sung để điều trị các triệu chứng tâm trạng theo chỉ định lâm sàng.
- Trong khi điều trị cơn hưng cảm, tâm thần phân liệt và phòng ngừa tái phát rối loạn lưỡng cực, tuỳ thuộc vào tình trạng lâm sàng của mỗi bệnh nhân mà có thể điều chỉnh liều dùng hàng ngày cho ngày tiếp theo trong giới hạn từ 5-20mg/ngày. Chỉ nên thực hiện tăng liều lớn hơn liều khởi đầu được khuyến cáo sau khi đã đánh giá lại lâm sàng thích hợp và thường trong khoảng thời gian ít nhất 24 giờ.
- Đối với trẻ em: Hiện nay do thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng Olanzapine cho trẻ trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, do đó không khuyến cáo sử dụng thuốc Olavex 10mg ở đối tượng này. Theo một số nghiên cứu ngắn hạn, tăng cân, thay đổi prolactin và lipid xảy ra ở bệnh nhân thanh thiếu niên nhiều hơn so với bệnh nhân ở tuổi trưởng thành.
- Người lớn tuổi: Liều khởi đầu thấp hơn (5mg/ngày) không được chỉ định thường quy nhưng nên cân nhắc đối với những bệnh nhân trên 65 tuổi khi các yếu tố lâm sàng cho phép.
- Suy thận, suy gan: Liều khởi đầu thấp hơn (5mg/ngày) nên cân nhắc cho bệnh nhân này. Bệnh nhân suy gan mức độ trung bình (xơ gan Child-Pugh A hoặc B), khởi đầu với liều 5mg/ngày và cần thận trọng khi tăng liều.
Quá liều gây tử vong ở bệnh nhân thường được quan sát khi sử dụng liều Olanzapin trên 200 mg. Triệu chứng quá liều thường xuất hiện trong vòng 1 - 2 giờ, tác dụng thuốc đạt tối đa sau khi dùng thuốc trong vòng 4 - 6 giờ: kích động, nhịp tim nhanh, đồng tử giãn, kháng cholinergic, co cứng cơ, triệu chứng ngoại tháp, tăng tiết nước bọt, động kinh, hội chứng an thần kinh ác tính...
Xử trí khi quá liều thuốc Olavex 10mg: Điều trị triệu chứng, chăm sóc hỗ trợ, duy trì đường truyền tĩnh mạch kèm theo dõi dấu hiệu sinh tồn và chức năng tim. Loại bỏ và hạn chế hấp thu phần thuốc còn trong đường tiêu hóa bằng cách rửa dạ dày kèm với uống than hoạt tính và sorbitol. Hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho Olanzapin. Thẩm phân phúc mạc và lọc máu có vai trò rất hạn chế trong điều trị ngộ độc cấp Olanzapin.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Olavex 10mg
Thuốc Olavex được chỉ định điều trị trong tâm thần phân liệt, phối hợp điều trị hưng cảm cho bệnh nhi từ 12 - 18 tuổi dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Trẻ em từ 13 - 17 tuổi có nguy cơ tăng cân và tăng lipid máu hơn so với người lớn. Do đó trước khi sử dụng Olanzapin cần đánh giá nguy cơ lâu dài và kế hoạch điều trị chi tiết.
Bệnh nhân lớn tuổi có rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ: thận trọng khi sử dụng Olanzapin do nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong, chủ yếu do nguyên nhân nhiễm khuẩn (viêm phổi) và tim mạch (suy tim, đột tử). Bệnh nhân lớn tuổi là nữ sử dụng thuốc có nguy cơ tăng rối loạn vận động muộn. Trong trường hợp xảy ra có thể cân nhắc khả năng ngưng dùng thuốc.
Bệnh nhân có tiền sử động kinh, chấn thương vùng đầu hoặc đang dùng thuốc có khả năng làm giảm ngưỡng động kinh cần thận trọng khi sử dụng Olanzapin do tác dụng co giật phụ thuộc vào liều có thể xuất hiện trong quá trình điều trị.
Hội chứng an thần kinh ác tính (NMS): khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của hội chứng này cần ngưng sử dụng thuốc Olavex 10mg.
Bệnh nhân phì đại lành tính tuyến tiền liệt, gloucom góc đóng hoặc có tiền sử liệt ruột do tác dụng kháng cholinergic của thuốc Olanzapin cần thận trọng khi dùng thuốc.
Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bệnh mạch não, bệnh lý có khả năng gây hạ huyết áp (mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, đang điều trị bằng thuốc hạ huyết áp): sử dụng Olavex tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế kèm theo nhịp chậm, ngất và ngừng nút xoang. Trước khi sử dụng Olanzapin cần xác định yếu tố nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Olavex có khả năng làm giảm tập trung và hoạt động vận động do liên quan đến tác dụng an thần của thuốc.
Bệnh nhân đái tháo đường, tăng đường máu: Olanzapin có nguy cơ gây tăng đường huyết, thậm chí không kiểm soát được kể cả khi đã ngưng sử dụng thuốc. Theo dõi đường máu trong quá trình điều trị.
Bệnh nhân suy gan hoặc bệnh nhân đang đang được điều trị bằng thuốc gây độc cho gan: cần định kỳ kiểm tra nồng độ transaminase trong quá trình sử dụng thuốc Olavex 10mg.
Ngưng điều trị đột ngột thuốc Olavex 10mg có thể xuất hiện triệu chứng cấp tính như: vã mồ hôi, run, lo âu, mất ngủ, buồn nôn hoặc nôn ói.
Olanzapin có thể gây buồn ngủ, chóng mặt. Không nên lái xe hoặc vận hành máy móc khi xuất hiện các tác dụng phụ này trong thời gian dùng thuốc.
Phụ nữ đang cho con bú: Olanzapin được bài tiết vào sữa mẹ và gây ra tác dụng ức chế thần kinh trung ương ở trẻ. Tránh không sử dụng Olavex ở phụ nữ đang cho con bú hoặc không cho trẻ bú khi sử dụng thuốc cho người mẹ.
5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Olavex 10mg
- Thần kinh trung ương: hội chứng ngoại tháp, mất ngủ, ngủ gà, chóng mặt, ác mộng, rối loạn phát âm, sảng khoái, quên, hưng cảm. Tăng nhạy cảm với ánh sáng, động kinh, hội chứng an thần kinh ác tính.
- Tiêu hóa: khó tiêu, tăng cảm giác thèm ăn, khô miệng, buồn nôn, nôn, táo bón.
- Gan: tăng men gan.
- Cơ - xương: yếu cơ, run.
- Tim mạch: hạ huyết áp, phù ngoại vi, đau ngực, nhịp nhanh hoặc nhịp chậm, khoảng QT kéo dài.
- Nội tiết, chuyển hóa: tăng cholesterol máu, tăng prolactin máu, tăng đường máu.
Ngưng sử dụng thuốc Olavex trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng của hội chứng an thần kinh ác tính. Bệnh nhân sau khi xuất hiện hội chứng này nên lựa chọn thuốc ít gây ra hội chứng hơn và tăng liều từ từ cho bệnh nhân.
6. Tương tác thuốc
- Levomethadyl không nên dùng đồng thời với Olanzapin do tăng nguy cơ độc tính trên tim (khoảng QT kéo dài, xoắn đỉnh, ngừng tim)
- Metoclopramid: dùng đồng thời với Olanzapin tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, hội chứng an thần kinh ác tính.
- Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương như rượu, dẫn chất benzodiazepin làm tăng tác dụng hạ huyết áp tư thế của Olanzapin.
- Thuốc ức chế CYP450 (cimetidin, cafein, ciprofloxacin, erythromycin, quinidin, thuốc chống trầm cảm như fluvoxamin) làm tăng nồng độ trong máu của Olanzapin do đó có thể làm tăng tác dụng và độc tính của thuốc. Các thuốc gây cảm ứng CYP450 (carbamazepin, phenobarbital, phenytoin, omeprazol, rifampicin, nicotin) làm giảm nồng độ Olanzapin trong máu.
- Dopamin, adrenalin hoặc thuốc tác động giống giao cảm khác trên thụ thể beta: dùng ở bệnh nhân đang điều trị bằng Olanzapin làm trầm trọng hơn triệu chứng hạ huyết áp do tác dụng ức chế thụ thể alpha của olanzapin. Không nên dùng đồng thời các thuốc này với Olanzapin.
- Olanzapin làm tăng tác dụng của thuốc kháng cholinergic, làm tăng tác dụng hạ huyết áp của các thuốc chống tăng huyết áp.
- Thuốc điều trị Parkinson: Olanzapin có thể làm giảm tác dụng của các thuốc này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.