Olanxol 10mg là thuốc điều trị cho các trường hợp mắc chứng hưng cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo những hướng dẫn của bác sĩ và bảo quản thuốc đúng cách để đạt được hiệu quả cao nhất.
1. Olanxol là thuốc gì?
Olanxol 10mg là thuốc chủ trị cho các tình trạng như tâm thần hưng cảm và tâm thần phân liệt. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để điều trị và dự phòng tái phát bệnh rối loạn lưỡng cực.
Thuốc Olanxol được bào chế dưới dạng viên nén bao phim màu vàng nhạt, có hình trụ tròn, một mặt có vạch ngang và một mặt nhẵn. Thuốc được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược Danapha, với quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ x 10 viên (vỉ Alu – Alu), kèm theo tờ giấy hướng dẫn sử dụng. Thành phần chính trong Olanxol là olanzapin (hàm lượng 10mg), cùng tá dược vừa đủ một viên.
2. Chỉ định và công dụng của thuốc Olanxol 10mg
2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Olanxol 10mg
Thuốc Olanxol 10mg thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Điều trị cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt: Cơn kích động cấp do bệnh lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt, bệnh lưỡng cực chu kỳ nhanh, đợt cấp hưng cảm hoặc hỗn hợp.
- Ngăn ngừa nguy cơ tái phát ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có tiền sử đáp ứng với olanzapin trong quá trình điều trị giai đoạn hưng cảm.
- Đơn trị liệu cho bệnh tâm thần hưng cảm ở trẻ em độ tuổi từ 12 – 18 và người trưởng thành. Tuy nhiên, điều trị bằng Olanxol cho trẻ em cần được sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
2.2 Công dụng của thuốc Olanxol 10mg
Dược lực học
Thành phần olanzapin trong Olanxol thuộc dẫn chất dibenzodiazepin và là thuốc chống loạn thần không điển hình thế hệ thứ 2. So với các thuốc chống loạn thần điển hình, olanzapin có nhiều đặc tính dược lý khác như ít làm tăng tiết prolactin, hạn chế gây hội chứng ngoại tháp, ít gây loạn vận động muộn, đồng thời mang lại hiệu quả trên các biểu hiện âm tính, dương tính và ức chế của tâm thần phân liệt.
Theo nghiên cứu, cơ chế chống loạn thần của olanzapin tương đối phức tạp, có liên quan mật thiết đến tính đối kháng của thuốc trên một số thụ thể serotonin type 2, 3, 6 và dopamin tại hệ thần kinh trung ương. Tác dụng của olanzapin là gây ức chế và làm giảm sự đáp ứng dành cho thụ thể 5 – HT2A – liên quan đến khả năng chống hưng cảm của thuốc. Ngoài ra, olanzapin cũng góp phần làm ổn định tính khí do khả năng ức chế thụ thể D2 của chất dopamin.
Không những vậy, olanzapin cũng có vai trò nhất định trong việc đối kháng với các thụ thể muscarinic. Đối với tác dụng kháng cholinergic cho thấy, olazapin có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, tuy nhiên có thể dẫn đến một số tác dụng ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, olazapin cũng có tác động đáng kể thụ thể H1 (histamin) và alpha – 1 andrenergic. Tác động này thường dẫn đến một số triệu chứng như hạ huyết áp tư thế hoặc ngủ gà khi sử dụng thuốc.
Dược động học
- Hấp thu: Thành phần olanzapin trong thuốc Olanxol 10mg hấp thu tốt qua đường uống, với nồng độ đỉnh trong huyết tương dao động từ 5 – 8 giờ sau khi uống. Nhìn chung, thức ăn không gây ảnh hưởng gì đến quá trình hấp thu thuốc. Sinh khả dụng đường uống của olanzapin đạt 60% do bị chuyển hoá bước một ở gan. Nồng độ olanzipin trong huyết tương sẽ đạt trạng thái ổn định sau từ 7 – 10 ngày khi sử dụng liều nhắc lại. Theo nghiên cứu, nồng độ trong huyết tương của thuốc có xu hướng thay đổi giữa các bệnh nhân, phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi và thói quen hút thuốc lá.
- Phân bố: Olanzapin có tốc độ phân bố nhanh, chủ yếu vào các mô trong cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương. Đa phần olazapin liên kết với protein huyết tương (chiếm 93%), chủ yếu với acid α1 – glycoprotein và albumin. Chất chuyển hoá liên hợp glucuronic và olanzapin có thể đi qua nhau thai và bài tiết vào đường sữa mẹ. Theo nghiên cứu, thể tích phân bố của olanzapin là khoảng 1000 lít.
- Chuyển hoá: Olanzapin được chuyển hoá phần lớn ở gan thông qua glucuronic hoá trực tiếp và quá trình oxy hóa gián tiếp qua cytochrome P450 - CYP1A2 (một phần nhỏ qua cytochrom P450 - CYP2D6). Trong đó, 2 chất chuyển hoá chính là 4’ - N - demethyl olanzapin và 10 - N – glucuronid không có hoạt tính của olanzapin.
- Thải trừ: Thời gian bán thải của olanzapin trong huyết tương dao động từ 21 – 54 giờ, có khả năng tăng lên khoảng 1.5 lần đối với người lớn tuổi. Ở người hút thuốc lá, thanh thải olanzapin tăng khoảng 40% và giảm khoảng 30% ở nữ giới so với nam giới. Khoảng 30% và 57% lượng thuốc được đào thải tương ứng vào phân và nước tiểu, đa phần dưới dạng các dẫn chất chuyển hoá (chỉ khoảng 7% dưới dạng nguyên vẹn). Ở những bệnh nhân suy thận, dược động học của thuốc không có dấu hiệu thay đổi nhiều.
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Olanxol 10mg
3.1 Liều dùng thuốc Olanxol 10mg
Liều lượng sử dụng thuốc Olanxol 10mg sẽ được xác định tuỳ thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân nhất định, cụ thể:
Người mắc tâm thần phân liệt
Liều khởi đầu từ 5 – 10mg (dùng 1 lần trong vòng 24 giờ mà không phải chú ý đến bữa ăn), liều mục tiêu là 10mg / ngày. Việc điều chỉnh liều thuốc tới 10mg / ngày có thể thực hiện theo từng đợt cách nhau trên một tuần dựa trên đánh giá lâm sàng. Không sử dụng olanzapin quá 20mg / ngày.
Người mắc bệnh hưng cảm
- Đơn trị liệu: Uống liều từ 10 – 15mg / ngày. Thời gian thực hiện điều chỉnh liều 5mg nên cách nhau trên 24 giờ, sao cho liều thuốc nằm trong khoảng khuyến nghị từ 5 – 10mg / ngày. Nếu nhận thấy có sự đáp ứng, người bệnh có thể tiếp tục được điều trị với liều tương tự để dự phòng nguy cơ tái phát.
- Đa trị liệu: Uống liều olanzapin 10mg / ngày.
- Liều phòng ngừa tái phát trên bệnh nhân đã bị hưng cảm trước đó đáp ứng với olanzapin: Uống liều khởi đầu 10mg / ngày.
Liều dành cho trẻ em
Mức độ hiệu quả và an toàn của thuốc Olanxol 10mg cho trẻ dưới 18 tuổi vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo nghiên cứu cho thấy thuốc có thể mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh tâm thần phân liệt cho trẻ ở lứa tuổi này.
Liều dành cho người cao tuổi
Người cao tuổi không nên sử dụng thuốc Olanxol 10mg, nhất là đối với người trên 65 tuổi có các yếu tố lâm sàng không thuận lợi kèm theo. Trong trường hợp cần thiết, người cao tuổi có thể uống liều olanzapin khởi đầu là 5mg.
Liều dành cho người bị suy gan hoặc suy thận
Có thể cân nhắc sử dụng liều Olanxol khởi đầu thấp là 5mg. Đối với người bị xơ gan loại A hoặc loại B Child – Pugh (suy gan trung bình) có thể dùng liều khởi đầu là 5mg, tuy nhiên cần thận trọng khi tăng liều.
3.2 Cách sử dụng thuốc Olanxol 10mg
Thuốc Olanxol 10mg thường được dùng đường uống. Người bệnh có thể sử dụng thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày do thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc dưới dạng bào chế khác sao cho phù hợp với từng chỉ định.
4. Cần làm gì khi uống quá liều hoặc quên liều thuốc Olanxol 10mg?
4.1 Cách xử lý khi bỏ lỡ liều thuốc Olanxol 10mg
Trong trường hợp trót bỏ lỡ một liều thuốc Olanxol 10mg, người bệnh cần dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, bạn cần bỏ qua liều đã lỡ nếu thời gian uống quá sát với liều thuốc tiếp theo. Khi đó, bạn nên tránh uống bù hoặc gấp đôi liều mà chỉ nên dùng liều thuốc tiếp theo đúng lịch trình mà bác sĩ chỉ định.
4.2 Cách xử lý khi uống quá liều thuốc Olanxol 10mg
Bệnh nhân khi uống quá 200mg olanzapin có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng quá liều thuốc Olanxol thường xuất hiện trong 1 – 2 giờ sau khi uống, mạnh nhất là 4 – 6 giờ với các biểu hiện như: Kháng cholinergic, kích động, giãn đồng tử, nhịp tim nhanh, co cứng cơ, tăng tiết nước bọt, triệu chứng ngoại tháp. Đôi khi, bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc cũng có thể gặp phải tình trạng ức chế hô hấp, ngừng tim, hội chứng thần kinh ác tính, tăng / hạ huyết áp hoặc động kinh.
Trong trường hợp dùng quá liều thuốc và có các biểu hiện nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến ngay trung tâm y tế để được bác sĩ chữa trị tích cực. Việc điều trị chủ yếu tập trung giải quyết các triệu chứng quá liều, chăm sóc hỗ trợ, duy trì đường truyền tĩnh mạch, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và chức năng tim mạch.
Bệnh nhân uống quá liều Olanxol có thể được điều trị bằng phương pháp rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt tính cùng sorbitol nhằm giúp loại bỏ và ngăn chặn sự hấp thu phần thuốc còn sót lại ở đường tiêu hoá. Ngoài ra, liệu pháp oxygen và duy trì thông khí hỗ trợ cũng được áp dụng. Bác sĩ có thể điều trị suy tuần hoàn và hạ huyết áp bằng thuốc vận mạch (phenylephrine, noradrenalin) hoặc dung dịch truyền tĩnh mạch, tuy nhiên cần tránh sử dụng adrenalin và dopamin.
5. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Olanxol 10mg
5.1 Các trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Olanxol 10mg
Dưới đây là một số đối tượng không nên sử dụng thuốc Olanxol 10mg theo khuyến cáo của chuyên gia, bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với bất kỳ thành phần hay tá dược trong thuốc. Một số triệu chứng dị ứng thuốc, bao gồm phát ban, nổi mẩn đỏ, phù môi / mặt, khó thở.
- Phụ nữ cho con bú.
- Người có nguy cơ cao mắc bệnh glaucoma góc đóng.
5.2 Tác dụng phụ của thuốc Olanxol 10mg
Trong một số trường hợp nhất định, việc sử dụng thuốc Olanxol 10mg có thể gặp phải các tác dụng phụ sau đây:
- Tăng cân, buồn ngủ, tăng prolactin máu.
- Chóng mặt, uể oải, nhất là khi người bệnh nằm / ngồi, tuy nhiên triệu chứng này sẽ dần biến mất trong quá trình dùng thuốc.
- Tăng đường huyết, mệt mỏi, nhanh đói, tăng men gan, tăng acid uric, co giật, sốt, đổ nhiều mồ hôi, chảy máu mũi, mất trí nhớ, nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, co cứng cơ, hay quên, làm trầm trọng thêm bệnh đái tháo đường.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch, rối loạn máu và hạch bạch huyết.
- Rối loạn tim mạch (hạ huyết áp tư thế đứng).
- Cử động bất thường ở lưỡi / mặt.
- Huyết khối tĩnh mạch kèm triệu chứng sưng đỏ, đau ở chân.
Khi nhận thấy có bất kỳ tác dụng phụ nào ở trên, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp khắc phục phù hợp và ngăn các biến chứng nguy hiểm khác đối với sức khỏe.
5.3 Phụ nữ mang thai và cho con bú có nên dùng thuốc Olanxol 10mg?
Hiện nay chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về việc kiểm soát sử dụng thuốc Olanxol 10mg đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, người đang trong thai kỳ hoặc có dự định sinh con chỉ nên sử dụng thuốc khi lợi ích đem lại lớn hơn hẳn so với rủi ro gây nguy hại cho thai nhi.
Đối với phụ nữ cho con bú, thuốc Olanxol có thể được bài xuất vào đường sữa mẹ và gây ức chế thần kinh trung ương cho trẻ. Do đó, người mẹ nên tránh sử dụng loại thuốc này khi đang nuôi con bằng sữa mẹ, hoặc không cho con bú trong trường hợp người mẹ bắt buộc phải sử dụng thuốc.
5.4 Thuốc Olanxol 10mg tương tác với thuốc nào?
Thuốc Olanxol 10mg có thể xảy ra tương tác khi phối hợp sử dụng với một số loại thuốc sau đây:
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp, dopamin, carbamazepin, than hoạt, fluvoxamine.
- Rượu phối hợp cùng Olanxol có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng và khiến cơn buồn ngủ trở nên trầm trọng hơn.
Để đảm bảo an toàn và mức độ hiệu quả của thuốc Olanxol 10mg, người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn / không kê đơn, viên uống thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.
5.5 Một số khuyến cáo khác khi dùng thuốc Olanxol 10mg
Ngoài những lưu ý trên, khi sử dụng thuốc Olanxol 10mg, người bệnh cần tuân thủ về cách bảo quản cũng như liều lượng sử dụng thuốc, cụ thể:
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, có độ thoáng phù hợp, tránh để nơi ẩm thấp hoặc nhiệt độ cao.
- Bảo quản thuốc ở xa tầm tay trẻ em hoặc nơi cao ráo, tránh tiếp xúc với vật nuôi.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn về thời gian uống, liều lượng khuyến nghị cũng như hạn sử dụng thuốc trước khi dùng.
- Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa khi có bất kỳ băn khoăn nào về Olanxol 10mg.
- Báo ngay cho bác sĩ nếu xảy ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Xử lý thuốc hết hạn hoặc hư hỏng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý xả thuốc xuống cống rãnh hoặc toilet dễ gây ô nhiễm môi trường.
Olanxol 10mg là thuốc điều trị cho các trường hợp mắc chứng hưng cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo những hướng dẫn của bác sĩ và bảo quản thuốc đúng cách để đạt được hiệu quả cao nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ chăm sóc y tế chất lượng cao với đội ngũ bác sĩ, dược sĩ có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn tốt. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe, khách hàng có thể liên hệ tới bệnh viện để được thăm khám và có những chỉ định tốt nhất cho việc dùng thuốc điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.