Ofxaquin có thành phần Ofloxacin 200 mg, thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Thuốc có dạng bào chế viên nén bao phim, quy cách đóng gói là hộp 10 vỉ x 10 viên.
1. Ofxaquin là thuốc gì? Công dụng thế nào?
Ofxaquin là thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon. Thuốc Ofloxacin có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm Pseudomonas aeruginosa, Enterobacteriaceae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus, Neisseria spp., Streptococcus pneumoniae và 1 vài vi khuẩn gram dương khác.
Hiện nay, thuốc Ofxaquin được dùng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm khuẩn do virus hoặc nấm như: Viêm phế quản do vi khuẩn, viêm phổi, nhiễm khuẩn Chlamydia tại cổ tử cung, viêm đại tràng do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn da và mô mềm...
2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Ofxaquin
2.1 Chỉ định
Thuốc Ofxaquin được chỉ định điều trị các trường hợp:
- Người bị viêm phế quản nặng do vi khuẩn
- Người bị viêm phổi.
- Người bị nhiễm khuẩn Chlamydia tại cổ tử cung hoặc niệu đạo có hoặc không kèm lậu, viêm tuyến tiền liệt, lậu không biến chứng, viêm đường tiết niệu.
- Người bị nhiễm khuẩn da và mô mềm.
- Người bị viêm đại tràng do nhiễm khuẩn.
2.2 Chống chỉ định của Ofxaquin
Thuốc Ofxaquin chống chỉ định với các trường hợp:
- Quá mẫn với thành phần của thuốc.
- Trẻ dưới 15 tuổi, người mang thai và cho con bú.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Ofxaquin
Cách dùng:
- Thuốc Ofxaquin dùng bằng đường uống. Người bệnh nên uống cả viên thuốc thay vì nghiền nát hoặc nhai.
Liều lượng:
- Trường hợp bị viêm phổi hoặc phế quản: Liều 400mg mỗi 12 giờ x 10 ngày.
- Trường hợp nhiễm Chlamydia ở cổ tử cung và niệu quản: Liều 300mg mỗi 12 giờ x 7 ngày.
- Trường hợp viêm tuyến tiền liệt: Liều 300mg mỗi 12 giờ x 6 tuần.
- Trường hợp bị lậu, lậu không biến chứng: Liều duy nhất 400mg.
- Trường hợp viêm bàng quang do E.Coli hoặc K. pneumoniae: Liều 200mg mỗi 12 giờ x 3 ngày.
- Trường hợp viêm bàng quang do các vi khuẩn khác: Liều 200mg mỗi 12 giờ x 7 ngày.
- Trường hợp nhiễm khuẩn da và mô mềm: Liều 400mg mỗi 12 giờ x 10 ngày.
Lưu ý: Đối với những trường hợp là trẻ em, người bị suy chức năng thận hoặc xơ gan thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có liều dùng phù hợp nhất.
Xử trí khi quên liều, quá liều:
- Trường hợp dùng quá liều thuốc Ofxaquin thì cần ngừng thuốc ngay lập tức và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
- Trong trường hợp quên liều thuốc Ofxaquin thì nên uống bù càng sớm càng tốt. Tuy nhiên nếu thời gian gần đến lần sử dụng tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên và uống liều mới.
4. Tác dụng phụ của thuốc Ofxaquin
Khi dùng thuốc Ofxaquin, người bệnh có thể gặp 1 số tác dụng không mong muốn như:
- Buồn nôn, nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, ói, tiêu chảy, nổi mẩn
- Viêm âm đạo.
- Đau cơ hay khớp.
- Các phản ứng phản vệ nặng như co giật, viêm đại tràng giả mạc, nhạy cảm với ánh sáng có thể đưa đến nhiễm độc quang.
Mặc dù các tác dụng phụ của Ofxaquin là hiếm khi xảy ra nhưng nếu gặp phải thì bạn cần ngừng sử dụng thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
5. Tương tác thuốc Ofxaquin
Cần phải thận trọng khi kết hợp thuốc Ofxaquin với:
- Các muối khoáng, vitamin có sắt hay muối khoáng.
- Các chất kháng acid chứa calcium, aluminium, magnesium, sucralfat...
- Cyclosporin, warfarin.
- Thuốc kháng viêm không steroid.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Ofxaquin, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.