Niphadal là thuốc giảm đau, hạ sốt, thường được chỉ định để điều trị các chứng đau mức độ nhẹ đến trung bình. Vậy công dụng và các lưu ý khi dùng thuốc để đạt hiệu tối đa là gì?
1. Niphadal là thuốc gì?
- Niphadal có thành phần Nefopam hydrochloride - là một loại thuốc giảm đau mạnh và tác dụng nhanh không gây nghiện. Nefopam không gây ức chế hô hấp và có thể gây tình trạng quen thuốc.
- Niphadal hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, liên kết với protein huyết tương 73% và đạt nồng độ đỉnh trong máu sau từ 1 đến 3 giờ uống thuốc. Cuối cùng thuốc thải trừ chủ yếu qua đường nước tiểu và phân.
2. Chỉ định của thuốc Niphadal
Niphadal được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau
- Các cơn đau cấp và mạn tính mức độ nhẹ đến trung bình.
- Đau sau phẫu thuật.
- Đau răng.
- Bệnh lý đau cơ xương khớp.
- Đau do chấn thương.
- Đau trong bệnh lý ung thư.
- Đau bụng kinh nguyên phát.
3. Chống chỉ định của thuốc Niphadal
Niphadal không được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
- Dị ứng với Nefopam hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân có tiền sử co giật, bí tiểu, glaucoma góc đóng.
- Bệnh nhân đang dùng các thuốc IMAO.
- Trẻ em dưới 12 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Niphadal.
Lưu ý khi sử dụng Niphadal:
- Sử dụng Niphadal kéo dài có thể gây nguy cơ lệ thuộc thuốc.
- Khi ngừng điều trị với các thuốc chứa morphin ở những bệnh nhân bị phụ thuộc Niphadal, bệnh nhân có nguy cơ mắc hội chứng cai thuốc.
- Theo dõi chức năng gan, thận trước và trong khi dùng thuốc đối với các bệnh nhân suy gan, suy thận.
- Thận trọng trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim, vì Niphadal làm nhanh nhịp tim.
- Niphadal tác dung đối kháng cholinergic nên cân nhắc lợi ích trước khi dùng cho người cao tuổi.
- Chưa có nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn cho thai nhi và trẻ em, vì vậy cần cân nhắc các yếu tố nguy cơ trước khi dùng thuốc Niphadal cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
4. Tương tác thuốc của Niphadal
- Không phối hợp Niphadal và các thuốc ức chế monoamine oxidase (IMAO).
- Sử dụng đồng thời các thuốc chống trầm cảm 3 vòng sẽ tăng nguy cơ động kinh trên bệnh nhân.
- Rượu bia và thực phẩm chứa cồn có thể làm tăng tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương khi dùng chung với Niphadal.
- Các thuốc tác dụng kháng muscarin, thuốc tác dụng giống thần kinh giao cảm, thuốc an thần,... sẽ làm tăng các triệu chứng không mong muốn khi dùng đồng thời với Niphadal.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
Thuốc Niphadal được bào chế dưới dạng viên nang uống. Người bệnh uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn để tránh các kích ứng dạ dày (thức ăn không làm thay đổi chuyển hóa của thuốc).
Liều dùng ở người lớn:
- Liều thông thường: 1 viên (30mg)/ lần x 3 - 4 lần/ ngày.
- Các trường hợp đau nặng có thể dùng liều đến 90 mg/ lần.
- Liều tối đa: 300mg/ 24 giờ.
6. Tác dụng phụ của thuốc Niphadal
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Niphadal gồm:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Buồn ngủ, đau đầu, chóng mặt.
- Tăng nhịp tim, đánh trống ngực, đau ngực.
- Buồn nôn, nôn, khô miệng.
- Bí tiểu.
- Vã mồ hôi.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Dễ kích động, bồn chồn, ảo giác.
- Hội chứng lệ thuộc thuốc.
- Co giật.
- Phản ứng phản vệ, phù Quincke, mày đay.
- Nhìn mờ, ngủ gà.
Tóm lại, Niphadal là một thuốc kê đơn bắt buộc, dùng để điều trị các triệu chứng đau cấp hoặc mạn tính. Thuốc có tác dụng nhanh và mạnh, tuy nhiên cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là gây lệ thuộc thuốc. Vì vậy, sử dụng thuốc phải theo đúng chỉ định về thời gian và liều lượng của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Niphadal để sử dụng tại nhà.