Công dụng thuốc Tramabad

Tramabad là thuốc tiêm tĩnh mạch, được sử dụng trong các trường hợp điều trị đau từ vừa đến nặng. Thành phần chính trong thuốc là hoạt chất Tramadol 100mg.

1. Tramabad là thuốc gì?

Tramabad là 1 loại thuốc giảm đau, được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm: Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da. Hoạt chất chính của Tramabad là Tramadol hydroclorid.

Tramadol là loại thuốc giảm đau tổng hợp nhóm opioid, có tác dụng làm giảm đau trung ương và có khả năng gây nghiện. Người dùng sẽ nhận thấy hiệu quả của Tramabad ngay sau 1 giờ đầu tiên, thuốc đạt hiệu quả tối đa sau 2 - 3 giờ sử dụng.

Khi sử dụng Tramabad, người dùng sẽ không cần lo lắng về việc chức năng tim bị ảnh hưởng hay bị ức chế hô hấp như khi sử dụng Morphine.

Tramabad được đóng gói dưới dạng ống dung dịch, mỗi hộp thuốc bao gồm 5 ống 2ml dung dịch thuốc.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Tramabad

2.1. Chỉ định

Các trường hợp được xem xét chỉ định sử dụng thuốc giảm đau Tramabad gồm:

  • Đau từ trung bình đến nặng.
  • Đau sau chẩn đoán.
  • Đau sau phẫu thuật.
  • Xem xét trong trường hợp thiên về táo bón hoặc rối loạn hô hấp
  • Điều trị ung thư.
  • Đau xương khớp cấp tính.
  • Điều trị hỗ trợ cho điều trị NSAID ở bệnh viêm xương khớp mãn tính

2.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định dùng thuốc Tramabad trong trường hợp:

  • Quá mẫn với thành phần của thuốc (Tramadol, Acid citrie monohydrat, natri citrat) hoặc các chất đồng vận Opiat.
  • Ngộ độc cấp.
  • Sử dụng quá liều các chất ức chế thần kinh trung ương như rượu, bia, thuốc an thần, thuốc ngủ, các thuốc giảm đau tác động tới thần kinh trung ương, các thuốc đồng vận Opiat hoặc các loại thuốc hướng thần.
  • Đang sử dụng hoặc mới ngừng (thời gian ngừng thuốc dưới 15 ngày) thuốc ức chế MAO.
  • Bệnh nhân bị suy hô hấp, suy gan nặng.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi.
  • Phụ nữ đang cho con bú.
  • Người bệnh động kinh chưa kiểm soát được bằng điều trị.
  • Nghiện Opioid.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Tramabad

Liều lượng thuốc Tramabad và số lần dùng mỗi ngày phụ thuộc vào khả năng đáp ứng và tình trạng đau (đau cấp tính hoặc mãn tính) của mỗi người.

3.1. Sử dụng Tramabad với đau cấp tính

Hướng dẫn sử dụng: Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm (trong khoảng 2 - 3 phút) hoặc truyền tĩnh mạch. Lưu ý tổng liều lượng thuốc không quá 400mg mỗi ngày.

Giảm đau sau phẫu thuật:

  • Sử dụng 100mg cho liều đầu tiên.
  • Sau liều đầu, cách 10 - 20 phút dùng 50mg. Nếu cần thiết, trong giờ đầu tiên sau phẫu thuật dùng tối đa 250mg (bao gồm cả liều đầu tiên).
  • Sau 4 - 6 giờ, dùng 50 - 100mg.
  • Lưu ý: Tổng liều một ngày không vượt quá 600mg.

3.2. Sử dụng Tramabad với đau mạn tính

Người bệnh đau mãn tính cần phải điều trị lâu dài. Do đó cần điều trị giảm đau thăm dò trước, cụ thể: Sử dụng liều thuốc Tramabad thấp rồi tăng dần để tìm ra liều lượng phù hợp với người bệnh.

  • Khởi điểm: Dùng 25mg/ ngày.
  • Sau 3 ngày, mỗi ngày tăng 50mg, tăng đến khi đạt tổng liều 200mg/ ngày hoặc hơn.
  • Sau khi chọn được liều phù hợp: Dùng liều 50 - 100mg/ lần, mỗi lần cách 4 - 6 giờ, tổng liều mỗi ngày không quá 400mg.

Lưu ý sử dụng Tramabad đối với người bệnh bị suy giảm chức năng gan, thận: Giảm liều và kéo dài thời gian giữa 2 lần dùng thuốc, cụ thể như sau:

  • Đối với người suy giảm chức năng thận (độ thanh thải Creatinin < 30ml/phút): Tổng liều lượng dưới 200mg, khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc là 12 giờ.
  • Đối với người suy thận nặng hơn (độ thanh thải Creatinin < 10ml/phút): Không được dùng.
  • Đối với người suy gan nặng: Mỗi liều 50ml, khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc là 12 giờ.
  • Người chạy thận nhân tạo: Sử dụng đều đặn trong ngày thẩm phân máu.
  • Người lớn tuổi (65 - 75 tuổi): Tổng liều dùng dưới 300mg/ ngày, chia làm nhiều lần dùng.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tramabad

Người dùng thuốc Tramabad cần phải đặc biệt lưu ý với một số vấn đề, bao gồm: Co giật, tự tử và hội chứng Serotonin:

  • Co giật: Nguy cơ co giật tăng cao nếu sử dụng quá liều khuyến cáo. Đồng thời, Tramabad cũng làm tăng nguy cơ co giật ở những người bệnh sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng hay các hoạt chất 3 vòng, SSRIs.
  • Tự tử: Một vài báo cáo cho thấy sự liên quan trong các trường hợp tử vong giữa việc sử dụng Tramabad và người bệnh rối loạn cảm xúc, có ý định tự tử và lạm dụng chất kích thích/ức chế.
  • Hội chứng Serotonin: Hội chứng Serotonin có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng khi dùng Tramabad, đặc biệt khi sử dụng với các thuốc Serotonergic khác.

5. Tương tác của thuốc Tramabad với các thuốc khác

Một số các loại thuốc có tương tác với thuốc Tramabad gồm:

  • Các thuốc ức chế MAO/ IMAO.
  • Các thuốc có tác dụng làm trì trệ hệ thần kinh trung ương, bao gồm cả rượu và thuốc gây mê: Tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
  • Carbamazebin: Suy giảm tác dụng giảm đau
  • Quinidin: Giảm chuyển hóa và tăng tác dụng giảm đau.

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Tramabad thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Tramabad phù hợp.

Để sử dụng thuốc Tramabad an toàn và hiệu quả nhất đối với tình trạng của bản thân, người dùng nên thăm khám với bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe