Công dụng thuốc Myternesin

Thuốc Myternesin được bào chế dưới dạng dung dịch uống, với thành phần chính là Terbutalin sulfat và Guaifenesin. Thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng hen phế quản và tình trạng co thắt phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,...

1. Thuốc Myternesin công dụng là gì?

Mỗi 5ml thuốc Myternesin có chứa 1,5mg Terbutalin sulfat và 66,5mg Guaifenesin. Trong đó, Terbutaline sulfate là chất kích thích thụ thể beta-2. Thông qua đó, thành phần này làm giãn phế quản và giãn cơ tử cung. Terbutaline hỗ trợ vận chuyển chất tiết nhầy dễ dàng hơn. Còn Guaifenesin có tác dụng long đờm, kích thích tăng tiết dịch ở đường hô hấp, làm tăng thể tích và làm giảm độ nhớt của dịch tiết ở phế quản và khí quản. Nhờ vậy, thuốc làm tăng hiệu quả của phản xạ ho, giúp người bệnh dễ tống đờm ra ngoài hơn. Đồng thời, thành phần này cũng làm trơn đường hô hấp bị kích thích.

  • Chỉ định sử dụng thuốc Myternesin: Điều trị triệu chứng cơn hen phế quản, đợt kịch phát của viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khí phế thũng khi tình trạng co thắt phế quản còn hồi phục được.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Myternesin: Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc hay các loại thuốc giống thần kinh giao cảm khác

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Myternesin

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

Ở trẻ em:

  • Trẻ em dưới 3 tuổi: Dùng liều 2,5 ml (tương đương 1/2 muỗng cà phê) x 2 - 3 lần/ngày;
  • Trẻ em 3 - 6 tuổi: Dùng liều 2,5 - 5 ml (tương đương 1/2 - 1 muỗng cà phê) x 2 - 3 lần/ngày;
  • Trẻ em 7 - 15 tuổi: Dùng liều 5 - 10 ml (tương đương 1 - 2 muỗng cà phê) x 2 - 3 lần/ngày.

Ở người lớn và trẻ em trên 15 tuổi: Dùng liều 10 - 15ml (tương đương 2 - 3 muỗng cà phê) x 2 - 3 lần/ngày.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Myternesin quá liều, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: Lo âu, nhức đầu, run, hồi hộp, chuột rút, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp,... Đôi khi người bệnh có thể bị tăng đường huyết và nhiễm acid lactic máu. Đồng thời, các chất chủ vận beta-2 có thể gây hạ kali huyết do tình trạng tái phân bố kali nhưng thường không cần điều trị.

Cách xử trí: Với trường hợp từ nhẹ tới trung bình, nên giảm liều dùng thuốc. Sau đó, tăng liều chậm hơn nếu chưa thu được hiệu quả chống co thắt. Với trường hợp nặng, nên thực hiện rửa dạ dày và sử dụng than hoạt tính. Cần kiểm tra cân bằng kiềm toan, điện giải và đường huyết của bệnh nhân, kết hợp theo dõi huyết áp và tần số nhịp tim. Nên điều chỉnh kịp thời các thay đổi về chuyển hóa của người bệnh. Nên sử dụng thuốc ức chế thụ thể beta chọn lọc trên tim như metoprolol để điều trị những trường hợp bị loạn nhịp tim gây rối loạn huyết động học.

3. Tác dụng phụ của thuốc Myternesin

Khi sử dụng thuốc Myternesin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Nhức đầu, bồn chồn, đánh trống ngực, run, chuột rút bàn tay hoặc bàn chân, tăng đường huyết, giảm kali máu;
  • Hiếm gặp: Mề đay, ngoại ban da, giảm kali máu, rối loạn giấc ngủ và hành vi, hình ảnh trên lâm sàng giống phù phổi, có thể tăng khuynh hướng chảy máu tử cung khi mổ sinh con.

Các tác dụng phụ của thuốc Myternesin có thể không giống nhau tùy cơ địa của mỗi người. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà mình gặp phải khi sử dụng thuốc để được tư vấn xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Myternesin

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Myternesin:

  • Thận trọng khi sử dụng Terbutalin sulfat cho bệnh nhân cường giáp, tiểu đường, có tiền sử co giật, bệnh tim, kể cả cao huyết áp, thiếu máu cơ tim và loạn nhịp tim;
  • Để điều trị cơn hen phế quản, sử dụng Terbutalin đường hít, uống hoặc tiêm dưới da đều không gây hại cho bà mẹ mang thai. Trong khi mang thai, thuốc này có thể làm nhịp tim thai nhanh - song song với nhịp tim của mẹ. Tuy nhiên khi sinh ra, bé rất hiếm khi bị nhịp tim nhanh. Đồng thời, đường huyết sau sinh cũng ít bị rối loạn. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc Myternesin trong thời kỳ chuyển dạ thì cần chú ý tới tác dụng giãn mạch ngoại biên của thuốc giống thần kinh giao cảm beta, có thể gây đờ tử cung;
  • Terbutalin có thể tiết vào sữa mẹ nhưng thường với lượng ít và không đủ gây hại cho trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, bà mẹ cho con bú vẫn cần dùng thuốc thận trọng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Muốn dùng thuốc mà không gây ảnh hưởng tới con thì tốt nhất nên ngừng cho con bú;
  • Thuốc Myternesin không ảnh hưởng tới khả năng vận hành máy móc và lái xe.

5. Tương tác thuốc Myternesin

Một số tương tác thuốc của Myternesin gồm:

  • Không sử dụng đồng thời Myternesin với thuốc kích thích giao cảm để tránh nguy cơ gây tai biến trên hệ tim mạch;
  • Sử dụng đồng thời Myternesin với dẫn chất của theophylin có thể làm tăng độc tính trên tim như gây loạn nhịp tim;
  • Dùng đồng thời Myternesin với thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc thuốc ức chế MAO có thể làm tăng tác dụng phụ trên hệ tim mạch;
  • Trong các can thiệp ngoại khoa, khi phối hợp thuốc Myternesin với halothan có thể gây đờ tử cung và nguy cơ xuất huyết, rối loạn nhịp thất nặng.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trị liệu của thuốc Myternesin, người bệnh nên sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân cần thông báo chi tiết cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng để có căn cứ điều chỉnh phù hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe