Công dụng thuốc Midorhum

Midorhum thuộc nhóm hạ sốt- giảm đau- chống viêm không steroid dùng để điều trị cảm cúm, viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Người dùng có thể tham khảo thông tin về thuốc Midorhum qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Midorhum là thuốc gì?

Midorhum được bào chế dưới dạng viên nén gồm có 3 thành phần chính là Acetaminophen, Dextromethorphan, Loratadine được dùng để điều trị các triệu chứng của cảm cúm.

Acetaminophen:

  • Acetaminophen (Paracetamol hay N - acetyl - p - aminophenol) là thuốc giảm đau thay thế cho Aspirin, Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt tương đương Aspirin khi sử dụng liều ngang nhau. Tuy nhiên lại không có tác dụng chống viêm như Aspirin.
  • Acetaminophen là chất chuyển hoá có hoạt tính của phenacetin có tác dụng hạ sốt do ức chế sinh tổng hợp Prostaglandin nên dùng để hạ sốt giảm đau trong các trường hợp đau nhẹ và vừa.
  • Paracetamol chỉ tác dụng đến cyclooxygenase/prostaglandin của hệ thần kinh trung ương nên với liều điều trị, thuốc ít tác động lên hệ hô hấp tim mạch, không làm thay đổi thăng bằng acid- base, không gây kích ứng hoặc tổn thương niêm mạc dạ dày như khi dùng salicylat.

Dextromethorphan

  • Dextromethorphan là thuốc giảm ho có hiệu quả điều trị tốt nhất trong trường hợp ho khan, ho mạn tính không có đờm do tác dụng ức chế trung tâm ho ở hành não. Tuy nhiên, do thuốc không có khả năng long đờm nên được sử dụng phối hợp nhiều thuốc khác nhau trong điều trị triệu chứng của đường hô hấp trên.
  • Dextromethorphan được dùng trong các trường hợp giảm ho do các kích thích nhẹ như cảm cúm, cảm lạnh, hít phải chất kích thích.

Loratadine

  • Là thuốc kháng histamin ba vòng, có tác dụng trên thụ thể H1 ngoại biên, không có tác dụng trên thần kinh trung ương.
  • Loratadine có khả năng làm giảm nhẹ các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, ngứa, mề đay do ngăn cản việc tế bào mast và bạch cầu ái kiềm giải phóng histamin.
  • Loratadine là thuốc kháng Histamin thuộc thế hệ H2 nên khi sử dụng không gây buồn ngủ.

2. Thuốc Midorhum có tác dụng gì?

Midorhum có tác dụng hạ sốt, giảm đau, giảm ho, giảm dị ứng nên được dùng trong điều trị trong các trường hợp cảm cúm, cảm lạnh có ho, sốt, đau nhức đầu, đau mỏi người, ngạt mũi, chảy nước mũi, viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng.

3. Cách dùng và liều lượng của thuốc Midorhum

Cách dùng:

Midorhum được bào chế dưới dạng viên nén dài bao phim nên được dùng dưới dạng uống. Người dùng có thể sử dụng thuốc với nước lọc, các nước có gas, nước hoa quả. Chưa có nghiên cứu nào nói về việc sử dụng Midorhum với các chất có cồn, tuy nhiên do khả năng có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của thuốc nên khuyến cáo người bệnh sử dụng thuốc kèm với các chất có cồn như rượu, bia.

Liều dùng:

  • Với người khoẻ mạnh: dùng liều 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày
  • Trẻ em từ 12 tuổi trở lên dùng liều 1 viên / ngày tương đương với người trưởng thành.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi dùng liều 1⁄2 viên/ngày x 2 lần/ ngày.
  • Trường hợp bệnh nhân suy gan, suy thận khi sử dụng Midorhum được khuyến cáo nên dùng liều 1 viên/ ngày, uống cách ngày.

Lưu ý: Chỉ dùng thuốc tối đa 7 ngày, nếu tình trạng của bạn không cải thiện hãy báo cho bác sĩ của bạn. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

4. Tác dụng phụ của Midorhum

Tác dụng phụ của Midorhum bao gồm các tác dụng phụ của Acetaminophen, Dextromethorphan, Loratadine như mệt mỏi, táo bón, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, bí tiểu tiện, viêm dạ dày, viêm tuỵ, ảnh hưởng tới huyết học.

5. Tương tác thuốc Midorhum

Acetaminophen:

  • Metoclopramid, Domperidon có khả năng làm tăng tốc độ hấp thu của Acetaminophen. Ngược lại Colestyramin lại có tác dụng làm giảm hấp thu đối với Acetaminophen.
  • Việc sử dụng Acetaminophen kéo dài có thể làm tăng tác dụng chống đông của coumarin và indandion
  • Khi sử dụng đồng thời Acetaminophen và Phenothiazin cần phải lưu ý khả năng hạ thân nhiệt trầm trọng.
  • Việc sử dụng rượu dài ngày làm tăng khả năng gây độc cho gan của Acetaminophen.
  • Sử dụng đồng thời Acetaminophen cùng với các thuốc co giật, các thuốc chống lao có thể gây độc cho gan do tăng độc tính của Acetaminophen trên gan.
  • Thời gian bán thải của Acetaminophen trong huyết tương có thể kéo dài bởi Probenecid.

Dextromethorphan:

  • Các thuốc ức chế Cytochrom P450 như Quinidin, Thioridazin,..làm giảm chuyển hoá Dextromethorphan ở gan và tăng nồng độ chất này trong huyết thanh do cơ chế chuyển hoá chính của Dextromethorphan là nhờ Cytochrome P450 isoenzym CYP2D6.
  • Dùng đồng thời Dextromethorphan kết hợp với các thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của thuốc.
  • Dextromethorphan khi dùng cùng với Valdecoxib có thể làm tăng nồng độ Dextromethorphan trong huyết thanh.

Loratadine:

  • Dùng Loratadine đồng thời cùng với các thuốc ức chế Cytochrom P450 hoặc thuốc chuyển hóa qua Cytochrom P450 có thể tạo ra sự thay đổi về nồng độ của Loratadine trong huyết tương do Loratadine cũng chuyển hóa qua Cytochrom P450 isoenzym CYP3A4 và CYP2D6.
  • Khi sử dụng đồng thời Loratadine cùng với Ketoconazol có thể dẫn tới tăng nồng độ Loratadine trong huyết tương lên tới 3 lần mà không có triệu chứng biểu hiện lâm sàng do Loratadine có chỉ số điều trị rộng.
  • Khi sử dụng đồng thời Loratadine cùng với Erythromycin cũng làm tăng nồng độ Loratadine trong huyết tương.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Midorhum, nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào hãy xin ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng sản phẩm. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe