Thuốc Medoclav là thuốc được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới, đường tiết niệu sinh dục, da nguyên nhân do các chủng vi khuẩn sản sinh ra beta-lactamase mà không đáp ứng với điều trị bằng aminopenicilin đơn độc ... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
1. Medoclav là thuốc gì?
Thuốc Medoclav có hai hoạt chất chính là Amoxicilin và Acid clavulanic. Amoxicillin là kháng sinh thuộc nhóm β-lactam có phổ diệt khuẩn rộng gồm: vi khuẩn gram dương và gram âm do ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Tuy nhiên, Amoxicillin dễ bị phá hủy bởi β-lactamase, do đó thuốc không có tác dụng những chủng vi khuẩn sản sinh ra enzym này.
Acid clavulanic giúp cho Amoxicillin không bị β-lactamase phá hủy, đồng thời mở rộng thêm phổ kháng khuẩn của Amoxicillin với nhiều vi khuẩn thông thường đã kháng lại amoxicillin, kháng các penicillin khác và các cephalosporin.
Phổ diệt khuẩn của thuốc bao gồm:
- Vi khuẩn Gram dương: Streptococcus faecalis, S.pneumonia, S.pyogenes, S.viridians, Staphylococcus aureus, Bacillus anthracis, Corynebacterium, Listeria monocytogenes. Các loài Clostridium, Peptococcus, Peptostreptococcus.
- Vi khuẩn Gram âm: Haemophilus influenza, E.coli, P.mirabilis, P.vulgaris, các loài Klebsiella, Shigella, Samonella, Bordetella, N.gonorrhoeae, N.meningitides, Vibrio Cholerae, Pasteurella multocida, loài Bacteroides.
Hàm lượng của các dạng thuốc Medoclav:
- Viên thuốc Medoclav 375mg: Amoxicillin 250 mg và acid clavulanic 125 mg.
- Viên thuốc Medoclav 625mg: Amoxicillin 500 mg và acid clavulanic 125 mg.
- Viên thuốc Medoclav 1g: Amoxicillin 875 mg và acid clavulanic 125 mg.
- Mỗi 5mL hỗn dịch uống 156,25mg: Amoxicillin 125 mg và acid clavulanic 31,25 mg.
- Mỗi 5mL hỗn dịch uống 312,5mg: Amoxicillin 250 mg và acid clavulanic 62,50mg.
2. Chỉ định của thuốc Medoclav
Thuốc Medoclav được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi chủng vi khuẩn sản sinh ra beta-lactamase mà không đáp ứng với điều trị bằng aminopenicilin đơn độc. Thuốc được dùng trong thời gian ngắn dưới 14 ngày. Theo đó, thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp trên: viêm tai giữa, viêm amidan, viêm xoang đã được điều trị bằng kháng sinh thông thường nhưng không đỡ.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra bởi chủng H. influenzae, Moraxella catarrhalis sản sinh beta-lactamase: viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn,.
- Nhiễm khuẩn nặng đường tiết niệu-sinh dục bởi các chủng E. coli, Enterobacter và Klebsiella sản sinh beta-lactamase nhạy cảm: viêm bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, nhiễm khuẩn đường sinh dục nữ.
- Nhiễm khuẩn da, mô mềm: mụn nhọt, viêm mô tế bào, áp xe, nhiễm khuẩn vết thương, côn trùng đốt.
- Nhiễm khuẩn xương và khớp: viêm xương tủy xương.
- Nhiễm khuẩn trong nha khoa: áp xe ổ răng.
Một số loại nhiễm khuẩn khác: nhiễm khuẩn trong ổ bụng, nhiễm khuẩn do sẩy thai, nhiễm khuẩn sản.
3. Chống chỉ định của thuốc Medoclav
Mẫn cảm hay dị ứng với các kháng sinh thuộc nhóm beta – lactam (các penicillin, cephalosporin). Chú ý đến khả năng dị ứng chéo với kháng sinh beta-lactam như các kháng sinh nhóm cephalosporin.
Bệnh nhân có tiền sử vàng da hay rối loạn gan mật do dùng Amoxicillin, acid clavulanate hoặc các Penicillin.
4. Cách dùng thuốc Medoclav
Medoclav là thuốc kê đơn, do đó bạn nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không được dùng thuốc Medoclav quá 14 ngày và nên uống thuốc vào lúc bắt đầu ăn, việc này sẽ giúp giảm hiện tượng không dung nạp thuốc ở dạ dày ruột.
Bột pha hỗn dịch uống: Lắc nhẹ để làm tơi bột thuốc trong chai, thêm nước đến vạch và lắc đều trước khi sử dụng.
Cần xem xét các yếu tố sau đây trước khi dùng thuốc:
- Mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh.
- Mức độ và vị trí nhiễm khuẩn.
- Cân nặng, độ tuổi và chức năng thận của bệnh nhân.
Thời gian dùng thuốc nên phụ thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân. Một vài trường hợp nhiễm khuẩn (như viêm xương tủy xương) cần thời gian điều trị lâu hơn. Một đợt dùng thuốc Medoclav không nên quá 14 ngày mà không khám lại.
- Người lớn và trẻ em ≥ 40kg: 500mg Amoxicilin/125 mg Acid clavulanic x 3 lần/ngày. Tổng liều là 1500 mg amoxicilin/375 mg acid clavulanic.
- Trẻ em < 40kg: 20 -60 mg Amoxicilin/5 mg Acid clavulanic/kg/ngày x 3 lần/ngày. Nếu cần dùng liều Amocxicilin cao hơn thì hãy dùng chế phẩm khác để tránh sử dụng liều Acid clavulanic không cần thiết. Thuốc Medoclav không được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Suy thận: Liều được điều chỉnh theo liều khuyến cáo tối đa của amoxicilin. Không cần điều chỉnh liều đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin lớn hơn 30ml/phút.
- Suy gan: Thận trong khi sử dụng và xét nghiệm kiểm tra chức năng gan định kỳ.
5. Làm gì khi dùng quá liều thuốc Medoclav?
5.1.Triệu chứng khi dùng quá liều
Rối loạn tiêu hoá bao gồm: đau bụng, nôn, tiêu chảy là các triệu chứng thường gặp khi dùng quá liều thuốc Medoclav. Một số triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: tăng kích động, ngủ lơ mơ, phát ban, viêm thận kẽ hoặc đái ra tinh thể dẫn đến suy thận, tổn thương thận có phục hồi.
5.2. Xử trí khi quá liều thuốc
- Ngưng sử dụng thuốc, điều trị triệu chứng và hỗ trợ nếu cần. Nếu xảy ra sớm và không có chống chỉ định gây nôn hoặc rửa dạ dày. Quá liều dưới 250 mg/kg và không gây triệu chứng gì đặc biệt thì không cần làm sạch dạ dày.
- Đái ra tinh thể: Cung cấp đủ nước và điện giải để duy trì bài niệu và giảm nguy cơ đái ra tinh thể. Tổn thương thận trong trường hợp này thường phục hồi sau khi ngừng thuốc.
- Tăng huyết áp có thể gặp ở bệnh nhân có tổn thương chức năng thận do giảm đào thải amoxicilin và acid clavulanic. Loại bỏ thuốc ra khỏi tuần hoàn bằng phương pháp thẩm phân máu.
6. Tác dụng phụ của thuốc Medoclav
Khi dùng hỗn hợp Amoxicilin và Kali clavulanat, tác dụng không mong muốn thường nhẹ và thoáng qua, chỉ dưới 3% bệnh nhân phải ngừng dùng thuốc.
- Tiêu hoá: thường gặp tiêu chảy (9%). Buồn nôn, nôn (1-5%) thường liên quan đến axit clavulanic (liều 250mg làm tăng nguy cơ hơn 40% so với 125mg).
- Da: ngứa, ngoại ban (3%).
- Ít gặp: nhức đầu, mệt mỏi, viêm gan, vàng da ứ mật, tăng men gan, tăng bạch cầu ưa eosin, viêm âm đạo do Candida.
- Hiếm gặp: phản ứng phản vệ, phù Quincke. Máu: thiếu máu tan máu, giảm nhẹ tiểu cầu, giảm bạch cầu. Da: ban đỏ đa dạng, viêm da bong, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì do ngộ độc. Viêm thận kẽ: Viêm đại tràng có màng giả.
Ngưng dùng thuốc Medoclav ngay lập tức và điều trị cấp cứu khi gặp phản ứng dị ứng như ban đỏ, sốc phản vệ, phù Quincke, hội chứng Stevens-Johnson. Bệnh nhân không nên được điều trị bằng penicilin hay cephalosporin nữa.
Viêm đại tràng giả mạc: thể nhẹ cần ngừng sử dụng thuốc; thể nặng (khả năng do Clostridium difficile) cần bồi phụ nước và điện giải, dùng kháng sinh chống Clostridium như Metronidazol và Vancomycin.
7. Thận trọng khi sử dụng thuốc Medoclav
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicilin, Cephalosporin hoặc các dị ứng nguyên khác có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trầm trọng. Cần chú ý khai thác kỹ tiền sử ở những người bệnh này.
- Acid clavulanat làm tăng nguy cơ ứ mật trong gan, do đó cần sử dụng thận trọng ở người già, người có tiền sử vàng da/rối loạn chứng năng gan khi dùng thuốc chứa Amoxicilin và Kali clavulanat.
- Triệu chứng vàng da ứ mật ít xảy ra khi dùng thuốc nhưng có thể diễn biến nặng. Thông thường các triệu chứng sẽ hồi phục và biến mất sau khi ngừng thuốc khoảng 6 tuần.
- Suy thận: cần điều chỉnh liều dùng theo độ thanh thải Creatinin.
- Cần chú ý chức năng gan và thận, chỉ số huyết học trong quá trình điều trị.
- Bệnh nhân tiêu chảy cần chẩn đoán phân biệt nguyên nhân do Clostridium difficile và viêm đại tràng giả mạc.
- Phụ nữ mang thai: chưa có đủ kinh nghiệm sử dụng thuốc cho đối tượng này. Vì thế, cần tránh sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu. Trong trường hợp cần thiết sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ.
- Phụ nữ đang cho con bú: Vẫn có thể dùng thuốc, thực tế vẫn có lượng rất nhỏ thuốc bài tiết qua sữa mẹ, tuy nhiên nó thường không gây hại, trừ khi trẻ có nguy cơ bị mẫn cảm.
8. Tương tác thuốc Medoclav
Thuốc Medoclav có thể tương tác với một số loại thuốc và làm tăng tác dụng phụ:
- Alopurinol: làm tăng nguy cơ phát ban của Amoxicilin.
- Thuốc chống đông máu: do thuốc có khả năng kéo dài thời gian chảy máu và đông máu.
- Thuốc tránh thai: dùng đồng thời với thuốc Medoclav làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống.
- Các thuốc kháng sinh khác như Macrolid, Cloramphenicol, Sulfonamid và Tetracyclin.
- Nifedipin: làm tăng hấp thu Amoxicilin.
- Các chất kìm khuẩn như Cloramphennicol, Acid fusidic, Tetracyclin.
- Methotrexat: làm tăng bài tiết thuốc, tăng độc tính trên hệ tiêu hoá và tạo máu.
Thuốc Medoclav là thuốc được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.